Học tập và duy trì tính tự giác là việc không hề dễ dàng với trẻ nhỏ và các em cần được cha mẹ hướng dẫn. Tuy nhiên ngày nay, rất nhiều cha mẹ vì bận rộn với công việc mà không có thời gian quan tâm, kiên nhẫn với con.
Khi con có thái độ không đúng, không thích học, nhiều cha mẹ không lắng nghe, tìm giải pháp mà chỉ "bùng nổ", quát mắng, chỉ trích con. Cách xử lý này chẳng những không mang lại hiệu quả mà còn khiến con cái - cha mẹ mâu thuẫn. Đặc biệt nếu con đang ở trong giai đoạn dậy thì, tâm sinּh lּý có nhiều sự thay đổi thì việc làm của cha mẹ càng dễ gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
Theo các chuyên gia giao dục, những bậc cha mẹ thông thái và thật sự yêu thương con cái sẽ dạy dỗ con theo 2 cách dưới đây:
1. Ép mình học trước rồi mới yêu cầu con phải đạt điểm cao
Có câu nói rằng: "Sự ưu tú của con cái thấm đẫm mồ hôi nước mắt của cha mẹ". Cách một đứa trẻ lớn lên phản ánh hình ảnh của gia đình. Cha mẹ tốt thì con cái mới tốt được.
Trong cuộc sống, chúng ta dễ dàng bắt gặp những đứa trẻ chỉ làm bài tập đúng hạn, hoặc đạt điểm số tốt nhờ sự giám sát chặt chẽ của cha mẹ. Các em không tự giác mà luôn phải nhờ cha mẹ đôn thúc, nhắc nhở.
Thực chất nếu muốn con cái tự giác ngồi vào bàn học thì chính cha mẹ phải làm được điều đó trước. Nếu cha mẹ suốt ngày "cắm mặt" vào điện thoại, cả năm cả tháng không đọc lấy một cuốn sách thì sao có thể yêu cầu con cái phải ham học? Cha mẹ chính là người thầy đầu tiên của con, mọi hành động chúng ta làm sẽ ảnh hưởng đến hết quãng đời còn lại của con.
Nếu chính cha mẹ có ý thức học trước thì chẳng cần thúc giục, hò hét rát cổ bỏng họng, con vẫn tự có ý thức học tập, nâng cao kiến thức cho bản thân. Bên cạnh đó, dù bận rộn đến đâu, cha mẹ vẫn nên dành thời gian để tham gia một số khóa học về giáo dục, tìm hiểu thêm về tâm lý trẻ em. Hoặc cha mẹ có thể đọc một số cuốn sách về chủ đề nuôi dạy trẻ.
2. Ngừng kiểm soát và chèn ép, nuôi dưỡng tâm hồn con trẻ bằng tình yêu thương khích lệ
Nhiều đứa trẻ sống trong gia đình có những bậc "cha mẹ độc hại", luôn kiểm soát, bắt ép con phải làm theo ý mình. Đến khi trưởng thành, mối quan hệ của những đứa trẻ này với cha mẹ luôn trong tình trạng lạnh nhạt, khó ấm áp, gần gũi.
Tuy nhiên, điều bất ngờ là khi trở thành cha mẹ, chính họ lại mắc phải sai lầm xưa kia của cha mẹ mình. Họ cũng có những hành động kiểm soát, chèn ép con, không cho phép con bày tỏ quan điểm, thậm chí cố tình trấn áp con để tìm cảm giác tồn tại của bản thân. Khi chính những bậc cha mẹ này không cảm thấy tự tin, họ liền hủy hoại lòng tự trọng của con và biến con trở thành một người thiếu thốn, tự ti giống mình.
Đây là kiểu cha mẹ có suy nghĩ rất bướng bỉnh, rập khuôn, không chịu lắng nghe ý kiến của bất kỳ ai và con cái của họ chính là người chịu khổ nhất.
Cha mẹ thực sự yêu thương con cái sẽ ngừng kiểm soát và chèn ép con quá mức. Bởi vì họ dám yêu thương và nhìn nhận chính mình và không cần phải khẳng định giá trị bản thân thông qua con cái.
Họ sẽ dùng cách đúng đắn để hàn gắn những vấn đề tâm lý do không được cha mẹ đối xử tốt, thay vì trút hết những bất mãn, oán hận lên con cái.
Họ cũng sẽ dùng nhiều sự khích lệ và tình yêu thương hơn để nuôi dưỡng con cái, để chúng học cách chấp nhận và yêu thương bản thân mình.
Cha mẹ nào làm được điều này mới là người chiến thắng thực sự. Con cái sau này không những rất có triển vọng mà còn biết biết ơn, hiếu thảo với cha mẹ.