"Chiều cao của con bạn cũng được quyết định lớn ngay từ trước khi trẻ sinh ra". Đó là kết luận gần đây từ dự án CODATwins, một nghiên cứu lớn đa quốc gia về tăng trưởng chiều cao được thực hiện bởi các chuyên gia hàng đầu tại Anh, Mỹ, Nhật Bản, Hà Lan, Úc...
Nghiên cứu cho thấy: độ dài và cân nặng của trẻ ngay lúc sinh có liên quan đến chiều cao trưởng thành của trẻ. Nghĩa là, nếu trẻ tăng trưởng tốt trong lúc mang thai thì có ảnh hưởng đến sự phát triển chiều cao tối ưu khi lớn và ngược lại.
Nếu bỏ qua yếu tố di truyền, chiều cao tối ưu khi trưởng thành của trẻ phụ thuộc lớn vào các yếu tố như dinh dưỡng, vận động, giấc ngủ... trong cả 2 giai đoạn: trước khi sinh (giai đoạn mang thai) và sau khi sinh đến dậy thì. Với suy nghĩ cứ để trẻ sinh ra rồi mới quan tâm đến sự phát triển chiều cao thì có thể bạn đã làm chậm 1 nhịp của trẻ.
Vậy làm sao để con phát triển tối ưu ngay từ trong bụng mẹ, dưới đây là lời khuyên từ Bác sĩ Anh Nguyễn, Phó Tổng Biên Tập tạp chí Harvard Public Health Review tại Đại học Harvard, để tránh bỏ lỡ những thời điểm vàng, cha mẹ cần lưu ý những điều sau:
Trẻ tăng trưởng khỏe mạnh trong thai kỳ sẽ cao lớn khi trưởng thành
Như đã đề cập, tăng trưởng của thai nhi trong giai đoạn mang thai rất quan trọng không chỉ cho sự khỏe mạnh của trẻ sau khi sinh, mà còn ảnh hưởng đến tầm vóc của trẻ sau này. Hơn nữa, báo cáo của TS. Adams, ĐH New South Wales cũng cho biết tầm vóc cũng ảnh hưởng đến sự thành đạt của trẻ khi lớn.
Làm thế nào để trẻ tăng chiều cao tốt ngay từ trong bụng mẹ
+ Quản lý cân nặng trước và trong mang thai hợp lý:
Chỉ số khối BMI thường được dùng để quản lý cân nặng khi mang thai. Cách tính khá đơn giản: Chỉ số khối BMI (kg/m2) = Khối lượng lúc cân hiện tại (kg) / (chiều cao x chiều cao) (đo bằng mét). VD, tôi nặng 60kg và cao 1.7 mét, thì BMI của tôi là 60/ (1.7 x 1.7) = 20,8. Bạn được khuyên khi bước vào mang thai BMI nên nằm trong khoảng khỏe mạnh là 18.5 – 24.9 và trong suốt mang thai nên tăng thêm 10-12 kg – tương ứng: thai kì thứ 1 (0 kg tăng), thai kì thứ 2 (4-5 kg tăng thêm), thai kì thứ 3 (tăng 6-7 kg). Điều này sẽ giúp thai nhi tăng trưởng khỏe mạnh cũng như giảm nguy cơ bị tiểu đường thai kì.
+ Lượng ăn tăng dần:
Với BMI khỏe mạnh (18.5 – 24.9 kg/m2), bạn được khuyên nên ăn bình thường trong suốt thai kì đầu, tăng thêm 340 kcal cho kỳ thứ 2, và 452 kcal cho kỳ cuối. Lượng thêm vào này có thể ước lượng như: thêm 1-2 bữa phụ cho kỳ thứ 2, và 3 bữa phụ cho kỳ cuối. Bữa phụ có thể là 1/3 lượng ăn của bữa chính hoặc các thực phẩm dinh dưỡng như sữa tươi hay sữa dinh dưỡng, sữa chua ăn với chuối và hạt, 3-4 cuốn bánh tráng tôm thịt rau bún
+ Các vi chất quan trọng khi mang thai
Thai nhi sẽ nhận tất cả dinh dưỡng thông qua mẹ mình trong suốt quá trình mang thai để hoàn tất sự phát triển đầy đủ các cơ quan trước khi chào đời. Trong đó, có các nguyên tố quan trọng cho quá trình tăng trưởng và phát triển đúng của thai nhi cần quan tâm như:
• Canxi: canxi đầy đủ rất quan trọng cho thai nhi phát triển tốt xương, cũng như quá trình mọc răng của trẻ sau này. Nhu cầu canxi lúc mang thai cần 1000mg/ngày.
• Vitamin D: Khi nhắc đến phát triển xương răng, không chỉ canxi mà vitamin D cũng rất quan trọng cho sự hấp thu canxi. Nếu thiếu hụt vitamin D xảy ra, canxi không thể hấp thụ tốt vào cơ thể mẹ lẫn thai nhi. Bên cạnh giúp cho sự phát triển xương và răng của thai nhi, mẹ nhận đủ vitamin D trong giai đoạn này không chỉ có lợi cho sức khoẻ xương của mẹ, mà còn giúp tăng cường miễn dịch cho mẹ và con.
Nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học tại ĐH Harvard và King’s College London, dẫn đầu là TS. Hornsby cho thấy việc bổ sung vitamin D đầy đủ cho mẹ trong mang thai giúp gia tăng sản xuất 2-4 lần các yếu tố miễn dịch. Điều này có thể giúp tăng cường khả năng phòng vệ của thai nhi ở giai đoạn sớm sau sinh.
Tuy nhiên, do thai nhi trong cơ thể mẹ nên sẽ phụ thuộc nguồn vitamin D từ mẹ mà không thể tự tổng hợp được qua ánh nắng. Bên cạnh đó, nguồn thực phẩm chứa vitamin D thường hạn chế. Nếu mẹ không thường xuyên hoạt động ngoài trời, hoặc thường làm việc trong nhà từ 9 giờ sáng -5 giờ chiều thì nguy cơ thiếu hụt vitamin D rất cao. Do đó, khi mang thai mẹ nên bổ sung vitamin D ít nhất từ 400 -600 IU/ngày, nhưng không nên nhiều hơn 2000IU/ngày để đảm bảo không thiếu hụt vitamin D.
• Sắt và Acid folic: Sắt có vai trò chính trong việc vận chuyển oxy cho cơ thể mẹ và thai nhi. Acid folic quan trọng cho quá trình tạo mới tế bào, giúp các tế bào tăng trưởng và phát triển,ngăn ngừa phát triển bất thường của thai. Phụ nữ mang thai được khuyên nên sử dụng các thực phẩm giàu sắt như thịt đỏ, hàu, gan bò, cá... Các loại rau xanh cho lá, đậu các loại, hoặc các loại trái cây họ cam quýt... giàu acid folic. Phụ nữ mang thai cần 60mg sắt và 400 mcg acid folic/ngày.
+ Âm nhạc:
Nghiên cứu cho thấy nhóm nghe nhạc khi mang thai làm mẹ cảm thấy bớt áp lực, được thư giãn và vui vẻ hơn. Điều này cũng làm thai nhi cảm thấy thoải mái hơn, tăng trưởng tốt hơn.
• Môi trường nghe nhạc: nên yên tĩnh và thư giãn.
• Dụng cụ nghe nhạc: Loa ngoài.
• Thời gian: tối thiểu 20 phút mỗi ngày, duy trì tối thiểu 3 ngày/tuần trong những tuần 18 -28 của thai kì.
+ Vận động:
15-20 phút mỗi ngày đi bộ hoặc vận động các bài tập hỗ trợ khi mang thai. Vận động giúp hormone trong quá trình mang thai điều tiết tốt, cung cấp oxy dồi dào cho thai nhi và hổ trợ sinh nở tốt hơn. Hãy tham vấn bác sĩ phụ sản của bạn để có lời khuyên thích hợp.
+ Thực phẩm nên tránh:
Các chất có cồn như rượu bia, các thực phẩm không đảm bảo an toàn như trứng hồng đào, pate hoặc gan heo, cá ngừ đại dương, ốc các loại,...