Vòng tránh thai được bọc kín trong khối nhân xơ tử cung
Mới đây, chị T.L, 60 tuổi ở Đông Anh, Hà Nội đến Khoa Khám phụ khoa tự nguyện, bệnh viện Phụ sản Hà Nội khám và đề nghị tháo vòng tránh thai (dụng cụ tử cung).
Qua thăm khám và khai thác tiền sử của bệnh nhân được biết, chị T.L đặt dụng cụ tử cung đã 20 năm, chị đã từng đến bệnh viện tuyến huyện để tháo dụng cụ tử cung nhưng thất bại.
Bác sĩ Trần Thị Ngọc Linh, Khoa Khám Phụ khoa tự nguyện cho biết: "Sau khi thăm khám, chúng tôi đánh giá dụng cụ tử cung (vòng tránh thai) trong buồng tử cung của chị T.L vẫn đúng vị trí. Tuy nhiên, khi tiến hành lấy vòng theo phương pháp thông thường không kết quả vì dường như không thể tiếp cận được dụng cụ tử cung mặc dù quan sát rất rõ trên siêu âm.
Sau đó chúng tôi đã thay đổi linh hoạt các phương pháp khác nhau và thật đặc biệt là gắp ra được một khối nhân xơ tử cung và dụng cụ tử cung được bọc kín trọn vẹn trong khối nhân xơ đó".
Sau khi tháo vòng tránh thai cùng khối nhân xơ tử cung, tử cung của bệnh nhân T.L được bảo tồn nguyên vẹn.
Lưu ý khi tháo vòng tránh thai
Vòng tránh thai được đánh giá là một trong những phương pháp ngừa thai có hiệu quả cao và tức thì tính từ thời điểm đặt vòng cho đến khoảng 5 năm sau. Tuy nhiên, vòng tránh thai nếu để quá hạn trong bụng dễ dẫn đến nhiều biến chứng như: mang thai ngoài ý muốn, vòng bị lệch, nứt, gãy, xuyên cơ vào ổ bụng, bám vào các cơ quan lân cận… hoặc bị bọc kín trong nhân xơ tử cung như bệnh nhân T.L nói trên.
"Lúc này, thay vì thao tác lấy vòng đơn giản thì bác sĩ lại phải dùng nhiều biện pháp khác như siêu âm, nội soi ổ bụng…để truy tìm dụng cụ tử cung và việc lấy ra cũng khó khăn hơn nếu dụng cụ tử cung bị khuất hoặc bám vào các cơ quan gần đó…"- BS Trần Thị Ngọc Linh cho biết.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, khi đi đặt dụng cụ tử cung, chị em nên ghi nhớ lời dặn của bác sĩ về thời hạn sử dụng của vòng tránh thai để đi thay vòng mới hoặc tháo vòng nếu đã mãn kinh. Tuy nhiên, khi tháo vòng chị em cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Tạm thời không tháo vòng khi không đủ điều kiện sức khỏe hoặc đang trong thời gian mắc bệnh cấp tính cho tới khi hồi phục sức khỏe.
- Nếu đang bị viêm nhiễm vùnּg kíּn thì cần điều trị dứt điểm viêm nhiễm sau đó mới tiến hành tháo vòng.
- Nên thực hiện thủ thuật tháo vòng vào ngày gần sạch kinh (khi hành kinh sắp hết).
- Khi tháo vòng cần tuân thủ yêu cầu của bác sĩ để uống thuốc kháng viêm, kháng sinh đầy đủ tránh viêm nhiễm và dính buồng tử cung.