Tin liên quan
Ukraine không quên bán đảo Crimea
Kể từ đầu xung đột vũ trang Nga - Ukraine, phía Ukraine đã tấn công hơn 12 mục tiêu lớn trên bán đảo Crimea. Những mục tiêu bị tấn công này đóng vai trò quan trọng đối với chiến lược quân sự của Nga ở Crimea cũng như ở những khu vực miền Nam Ukraine nằm dưới quyền kiểm soát của Nga vào lúc này. Những mục tiêu đó bao gồm căn cứ không quân, trạm radar, chốt liên lạc và các hệ thống phòng không Nga.
Ngoài ra, Ukraine còn thực hiện được một chiến dịch tấn công đường biển độc đáo nhằm vào Hạm đội Biển Đen của Nga. Ban đầu nhiều người tin rằng Kiev không có cơ hội trong cuộc chiến trên biển. Nhưng rốt cuộc, Ukraine đã phối hợp sử dụng thành công xuồng không người lái (USV) và tên lửa để đánh đắm hoặc vô hiệu hóa xấp xỉ 1/3 số chiến hạm trong Hạm đội Biển Đen, từ đó buộc điện Kremlin phải rút hầu hết các tàu chiến còn lại từ Crimea về vùng đất liền của Nga để đảm bảo an toàn cho những con tàu đó. Vào tháng 7/2024, hải quân Ukraine thông báo rằng những chiến hạm Nga cuối cùng đã rời khỏi Biển Azov gần đó.
Trước thực tế bất lợi này, Nga được cho là đã điều một số hệ thống phòng không của mình ra khỏi khu vực Tây Bắc của bán đảo Crimea và tập trung chúng về những vị trí gần cầu Kerch nối bán đảo Crimea với đất liền Nga qua eo biển Kerch. Nhưng khi ấy, những nơi khác của bán đảo Crimea lại càng dễ bị tấn công hơn nữa.
Sau khi Nga mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” vào năm 2022, bán đảo Crimea (được Nga sáp nhập vào năm 2014) đã trở thành một trung tâm hậu cần trọng yếu đối với lực lượng vũ trang Nga ở miền Nam Ukraine. Bất chấp việc phát triển những tuyến đường sắt kết nối Nga với những khu vực họ mới kiểm soát được ở Ukraine, bán đảo Crimea tiếp tục đóng vai trò trung tâm hậu cần quan trọng trong cuộc xung đột của Nga với Ukraine.
Tìm mọi phương cách để cô lập Crimea
Nhằm làm suy yếu các tuyến tiếp tế của quân đội Nga, đồng thời cô lập Crimea, quân đội Ukraine đã tấn công các phà được sử dụng để vận chuyển hàng tiếp tế quân sự từ Nga tới Crimea qua eo biển Kerch.
Hồi mùa xuân và mùa hè năm 2024, Ukraine đã tiến hành một loạt vụ tập kích vào các con phà ở Crimea cũng như ở vùng Krasnodar của Nga nằm cận kề. Những cuộc tập kích này đã cắt đứt đường tiếp tế chính của quân đội Nga tại đây, buộc Moscow phải tìm các cách mới, như sử dụng sà lan và gia tăng hệ thống phòng không hai bên cầu Kerch.
Giờ đây Ukraine chủ yếu chĩa mũi nhọn vào eo biển Kerch, nơi đã trở thành yết hầu dễ bị tổn thương của Nga.
Cầu Kerch trở nên mong manh khi bắc qua eo biển trên một không gian rộng lớn. Cây cầu này đã bị đứt một phần vào tháng 10/2022 khi một xe tải chở bom của Ukraine phát nổ trên đó. Tháng 7/2023, 2 xuồng không người lái (USV) của Ukraine đã tấn công vô hiệu hóa cây cầu này một lần nữa, buộc Nga phải dựa vào phà để vận chuyển đạn dược, nhiên liệu và thiết bị qua eo biển Kerch. Còn trong năm 2024 này, Ukraine đã phá hủy toàn bộ 3 phà lớn mà Nga sử dụng tại eo biển Kerch.
Mới đây, viên tướng Mỹ Ben Hodges thậm chí nói với tờ al Jazeera rằng Ukraine có khả năng sẽ mở một chiến dịch lớn mới nhằm giành lại Crimea trong năm 2024 này. Tướng Hodges từng chỉ huy lực lượng quân đội Mỹ ở Iraq, Afghanistan và châu Âu trước khi nghỉ hưu.
Nỗ lực của Ukraine nhằm cô lập Crimea là nhờ vào việc sử dụng vũ khí tầm xa của phương Tây, bao gồm tên lửa chiến thuật lục quân Mỹ (ATACMS) và tên lửa hành trình của Anh và của Pháp. Phương Tây coi Crimea vẫn là lãnh thổ của Ukraine nên họ không lập rào hạn chế Ukraine sử dụng những vũ khí tầm xa này để tấn công vào đây.
Mặc dù vậy, Tổng thống Ukraine Zelensky vào tháng 7/2024 có tiết lộ rằng Ukraine vẫn đối mặt một số hạn chế trong sử dụng vũ khí phương Tây tại Crimea. Ông nói: “Chúng tôi không thể sử dụng mọi thứ ở mọi nơi trên bán đảo Crimea”. Nếu Ukraine loại bỏ được nốt các hạn chế này thì họ sẽ gây thêm khó khăn lớn hơn nữa cho Nga tại khu vực bán đảo Crimea.