Tin liên quan
Một năm sau xung đột, bất chấp những tuyên bố của Israel, các mục tiêu mà Tel Aiv đặt ra không những không thực hiện được mà còn bị thiệt hại nặng nề, gây ra thảm họa nhân đạo chưa từng có ở Dải Gaza. Trong khi đó, ngay trong những ngày này, xung đột tiếp tục leo thang và không còn bó hẹp ở Dải Gaza mà đang mở rộng ra toàn khu vực.
Chiến dịch quân sự không đạt mục tiêu
Ngày 7/10/2023, chỉ vài giờ sau khi lực lượng Hamas bất ngờ tấn công vào lãnh thổ Israel làm chết 1.195 người và bắt giữ 251 con tin, lực lượng phòng vệ Israel (IDF) đã mở chiến dịch quân sự “Thanh kiếm sắt” quy mô lớn nhất từ trước tới nay, đổ bộ vào Dải Gaza. Thủ tướng Benjamin Netanyahu tuyên bố, mục tiêu chính của chiến dịch này là tiêu diệt Hamas và giải phóng con tin.
Tuy nhiên, một năm trôi qua, Israel vẫn không thực hiện được hai mục tiêu mà Thủ tướng Netanyahu đề ra. Phong trào Hamas bị suy yếu, nhưng vẫn không bị tiêu diệt, họ vẫn tiếp tục chống trả quyết liệt, gây cho quân đội Israel nhiều tổn thất nặng nề, nhiều con tin vẫn chưa được giải thoát trong khi nhiều con tin đã chết.
Trên chiến trường, quân Israel bị tổn thất lớn. Theo số liệu của Cục Phục hồi chức năng Bộ Quốc phòng Israel, kể từ khi bùng nổ xung đột đến nay đã có 690 binh sĩ, sĩ quan thiệt mạng và hơn 10 nghìn người khác bị thương.
Về thiệt hại kinh tế, đến nay vẫn chưa có thống kê đầy đủ vì xung đột vẫn chưa kết thúc. Theo Ngân hàng trung ương Israel, đến nay xung đột tại Dải Gaza đã ngốn hết hơn 72 tỷ USD, chiếm khoảng 10% thu nhập quốc nội (GDP) của đất nước, trung bình mỗi ngày ngân sách phải chi khoảng 270 triệu USD và nếu giao tranh kéo dài, chi phí này sẽ còn tăng hơn nữa.
Nhà kinh tế học Israel Rakefet Russak-Aminoach cho biết, trên thực tế, thiệt hại còn lớn hơn rất nhiều, bởi vì chi phí cho việc sơ tán người dân đến các khu vực an toàn, chữa trị cho thương bệnh binh, bồi thường cho các binh sĩ bị chết, bị thương và nhiều nhu cầu kinh tế khác vẫn chưa được tính tới.
Fitch Ratings, cơ quan xếp hạng tín dụng lớn thứ ba sau Standard & Poor’s và Moody’s mới đây đã hạ mức xếp hạng tín dụng của Israel, cho biết: “Tài chính công đã bị tổn hại và dự đoán năm 2024 thâm hụt ngân sách của Israel sẽ ở mức 7,8% GDP và nợ vẫn ở mức trên 70% GDP trong trung hạn”.
Trong khi đó, Bloomberg dự báo thâm hụt ngân sách của Israel năm 2024 có thể lên tới 9%, tương đương 30 tỷ USD. Ngân hàng J.P Morgan cũng dự báo kinh tế Israel có nguy cơ suy thoái 11%. Các chuyên gia kinh tế Israel nhận định, kinh tế Israel đang bên bờ sụp đổ.
Thảm họa nhân đạo chưa từng có tại Gaza
Cuộc xung đột ở Dải Gaza đang bước sang năm thứ hai vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Một thảm họa nhân đạo chưa từng có đang xảy ra trên mảnh đất nhỏ bé này. Dải Gaza có diện tích 365 km2, chiều dài 41 km, chiều rộng 6-12 km, dân số khoảng 2,3 triệu người. Một năm qua, Israel đã ném xuống đây 70 nghìn tấn bom đạn, nhiều hơn gấp gần hai lần khối lượng bom đạn ném xuống hai thành phố Hiroshima & Nagasaki của Nhật Bản, London của Anh và Dresden của Đức cộng lại trong toàn bộ Thế chiến II.
Theo Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo (OCHA) của Liên hợp quốc, đến nay đã có hơn 42 nghìn người chết, gần 100 nghìn người bị thương, hơn 10 nghìn người mất tích còn nằm bên dưới các đống đổ nát, phần lớn là trẻ em, phụ nữ và người già, 80% cơ sở hạ tầng bị phá hủy, gần 2 triệu trong tổng số 2,3 triệu dân số phải di dời do mất nhà cửa. Gaza thiếu những điều kiện tối thiểu cho cuộc sống bình thường là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, điện, nước.... Nhiều bệnh viện, trường học bị phá hủy, trẻ em không được đến trường.
Cũng theo báo cáo của OCHA, 2,2 triệu trong số 2,3 triệu dân Gaza đang phải chịu cảnh đói, thiếu ăn ở mức độ khác nhau, trong đó có 378 nghìn người đang ở giai đoạn nguy cấp. Nhiều người phải ăn cỏ, thức ăn gia súc để duy trì sự sống.
Các tổ chức nhân đạo không thể cung cấp được nhu cầu tối thiểu của người dân ở Dải Gaza do các cuộc pháo kích của Israel, tình hình an ninh không bảo đảm, hơn 100 nhân viên cứu trợ bị chết, công việc phân phối hàng cứu trợ bị gián đoạn. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho biết, Israel đang tạo ra “những trở ngại to lớn” trong việc phân phối hàng cứu trợ.
Thành phố Gaza tươi đẹp sau một năm đã trở thành đống đổ nát với hơn 100 nghìn tòa nhà bị phá hủy hoàn toàn, 290 nghìn tòa nhà khác bị hư hại nặng, 30 bệnh viện, 150 cơ sở y tế, nhiều trường học bị bắn phá phải ngừng hoạt động. Hệ thống y tế và giáo dục sụp đổ hoàn toàn…
Hàng trăm tên lửa từ phía Iran bắn vào lãnh thổ Israel, ngày 1/10. (Nguồn: Arab News)
Chảo lửa Trung Đông có bùng cháy?
Bất chấp nỗ lực của cộng đồng quốc tế, các cuộc đàm phán giữa Israel và Hamas với trung gian hòa giải là Qatar, Ai Cập và Mỹ về ngừng bắn tại Dải Gaza và trao trả những người bị giam giữ đã thất bại, dẫn đến nguy cơ mở rộng xung đột ra toàn khu vực.
Tháng 9/2024, Israel đã chuyển phần lớn quân từ Dải Gaza lên miền Bắc để mở mặt trận mới nhằm tiêu diệt các lực lượng của Hezbollah ở Lebanon. Căng thẳng leo thang khi hàng loạt máy nhắn tin, trong đó có các máy nhắn tin được các thủ lĩnh Hezbollah sử dụng đã phát nổ, được cho là do Tel Aviv thực hiện, khiến nhiều người thiệt mạng. Tiếp theo là các cuộc không kích không ngừng của Israel vào miền Nam Lebanon, phá hủy nhiều căn cứ của lực lượng Hezbollah, khiến hơn một nghìn người thiệt mạng, hàng nghìn người khác bị thương, hàng trăm nghìn người phải di tản đến nơi an toàn và các nước lân cận như Syria…
Biển Đỏ cũng đang dậy sóng. Các lực lượng Houthi của Yemen liên tục tấn công vào các tàu chở hàng cho Israel nhằm gây áp lực buộc Israel phải chấm dứt cuộc chiến ở Gaza. Lấy lý do bảo đảm tự do hàng hải trên Biển Đỏ, Mỹ thành lập một liên minh quốc tế mang tên “Người bảo vệ thịnh vượng” với sự tham gia của 12 nước, chủ yếu là các nước trong Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU). Từ đầu năm 2024 đến nay, các lực lượng Mỹ và Anh trong liên minh đã tiến hành hàng trăm cuộc không kích vào lãnh thổ Yemen nhằm tiêu diệt lực lượng Houthi. Israel phóng nhiều tên lửa vào lãnh thổ Yemen…
Đặc biệt nghiêm trọng, trong chiến dịch này, lực lượng IDF đã ném bom và phá hủy trụ sở chỉ huy trung tâm của Hezbollah ở Beirut, giết hại thủ lĩnh Hassan Nasrallah của tổ chức này. Không dừng lại ở đó, ngày 30/9, IDF mở cuộc “tấn công hạn chế” trên bộ vào miền Nam Lebanon nhằm càn quét, tiêu diệt các lực lượng của Hezbollah.
Sự leo thang của Israel tại Dải Gaza lôi kéo sự tham gia của các nước khu vực Trung Đông vào cuộc. Các tổ chức Hồi giáo ở Lebanon, Iraq, Syria, Iran... tăng cường trả đũa, đánh vào các lợi ích của Israel và Mỹ tại Trung Đông. Đêm 1/10, Iran đã phóng hơn 200 trên lửa siêu thanh vào các mục tiêu ở Israel nhằm đáp trả vụ ám sát các thủ lĩnh Haniyeh, Nasrallah và hàng chục nhân vật cấp cao khác của lực lượng Hamas và Hezbollah, đồng thời cảnh báo việc Israel tấn công trên bộ vào lãnh thổ Lebanon. Trong bối cảnh xung đột có dấu hiệu bùng phát ngoài tầm kiểm soát, Mỹ đưa hai tàu sân bay USS Gerald R. Ford và USS Dwight Eisenhower cùng các tàu chiến hỗ trợ, đồng thời triển khai 2.000 quân tới khu vực với lý do là để bảo vệ công dân Mỹ.
Sau một năm, xung đột giữa Hamas và Israel giờ đây trở thành xung đột giữa Tel Aviv cùng đồng minh đang diễn ra ác liệt trên bốn mặt trận: Gaza, Lebanon, Yemen và Iran. Trung Đông đang đứng trước bờ vực của một cuộc chiến toàn diện. Trong 78 năm qua, tại Trung Đông đã xảy ra nhiều cuộc chiến tranh, nhưng vẫn không giải quyết được vấn đề cốt lõi là cuộc xung đột Israel - Palestine.
Cuộc xung đột này chỉ có thể giải quyết được bằng thương lượng hòa bình trên cơ sở các nghị quyết của Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Trước mắt các bên phải chấp nhận một lệnh ngừng bắn. Giải pháp hai nhà nước quy định thành lập một Nhà nước Palestine độc lập bên cạnh Nhà nước Israel là con đường duy nhất có thể bảo đảm an ninh cho người Palestine và người Do Thái, đem lại hòa bình và ổn định cho khu vực Trung Đông.