Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao vai trò của khoa học lịch sử và các nhà sử học

Vista Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
“Sứ mệnh của khoa học lịch sử là hết sức nặng nề nhưng vô cùng vẻ vang. Với ý nghĩa đó, tôi luôn đánh giá cao vai trò của khoa học lịch sử và các nhà sử học”, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu tại buổi Tổng kết hoạt động của Hội Khoa học Lịch sử khóa VI và phương hướng nhiệm vụ khóa VII.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao vai trò của khoa học lịch sử và các nhà sử học
Chủ tịch nước phát biểu tại buổi Tổng kết hoạt động của Hội Khoa học Lịch sử

Năm 2015 là năm đất nước diễn ra nhiều sự kiện lịch sử quan trọng mà giới sử học quan tâm và có cơ hội đóng góp.

Phát biểu tại buổi tổng kết, nhà sử học Dương Trung Quốc nhấn mạnh: “Trong thời gian gần đây, Hội đã tích cực, chủ động đối thoại với Bộ GD&ĐT và đưa ra dư luận để đấu tranh trong việc xác lập vị thế môn Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông; kiến nghị Bộ GD&ĐT phải có những giải pháp tích cực để nâng cao chất lượng môn học này thay vì đưa ra phương án tích hợp với môn học khác”.

Theo Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nghiên cứu lịch sử là con đường đưa mọi người đến với kho tàng những kinh nghiệm vô giá mà cha ông đã đúc kết bằng mồ hôi xương máu. Lịch sử là nền tảng vững chắc của truyền thống yêu nước và là điểm tựa cho lòng tin vào sức mạnh dân tộc. Khoa học lịch sử còn là cánh cửa mở ra cho dân tộc ta đến với các nền văn hóa, văn minh nhân loại.

Vì vậy, chủ tịch nước nhấn mạnh: “Sứ mệnh của khoa học lịch sử là hết sức nặng nề nhưng vô cùng vẻ vang. Với ý nghĩa đó, tôi luôn đánh giá rất cao vai trò của khoa học lịch sử và các nhà sử học”.

Đánh giá cao vai trò, trách nhiệm của khoa học lịch sử và các nhà sử học nhưng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng không quên nhắc nhở, đề nghị Hội tập trung vào một số vấn đề như:

Thứ nhất, động viên giới sử học tham gia vào việc triển khai, hoàn thành tốt nhất bộ Lịch sử Việt Nam.

Thứ hai, động viên các nhà sử học trực tiếp tham gia với tư cách là một tổ chức tư vấn, phản biện vào sự nghiệp đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục; trước hết là vai trò, chức năng của môn lịch sử trong giáo dục phổ thông.

Thứ ba, Hội cần có kế hoạch tổng thể và những bước đi cụ thể của giới sử học Việt Nam từng bước hội nhập quốc tế với mục tiêu chia sẻ kinh nghiệm, học tập những phương pháp và kĩ năng tiên tiến; đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của giới sử học quốc tế đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Thứ tư, Hội cần đẩy mạnh hoạt động giúp các tỉnh, thành phố nâng cao chất lượng nghiên cứu và giáo dục các vấn đề lịch sử của địa phương.

Thứ năm, Hội cần triển khai tích cực những hoạt động để nâng cao hiểu biết và niềm yêu thích của nhân dân, thế hệ trẻ đối với lịch sử dân tộc.

Trong buổi tổng kết, một số nhà sử học nêu lên quan điểm về vấn đề tích hợp môn lịch sử đang nổi cộm trong thời gian qua đồng thời có sự trao đổi về việc làm sao để biến môn lịch sử trở nên hấp dẫn, thú vị hơn.

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Văn Am- Chủ tịch Chi hội sử học huyện Vĩnh Bảo, thành phố Hải Phòng, trực thuộc Hội sử học Hải Phòng cho hay: “Môn lịch sử là bộ môn rất quan trọng, nó mang tính giáo dục dân tộc truyền thống rất cao, chính vì vậy môn sử của ta phải được bảo vệ chắc chắn, nhất định phải bảo vệ lịch sử truyền thống dựng nước và giữ nước của ta”.

“Đồng thời, Hội sẽ có nhiệm vụ cùng với ngành Giáo dục để biên soạn chương trình sách giáo khoa sao cho thật tốt để giúp các em học sinh học tiếp thu tốt nhất kiến thức lịch sử một cách khoa học”, ông Am nói thêm.

Được biết, Hội đã phối hợp với Bộ GD&ĐT tổ chức 2 hội thảo quốc gia về chủ đề “Đánh giá thực trạng việc dạy và học môn lịch sử trong trường phổ thông” (2008) tại Hà Nội và “Chất lượng dạy và học lịch sử ở trường phổ thông” (2012) tại Đà Nẵng và đưa ra kiến nghị nhằm khắc phục một bước tình trạng yếu kém của môn học này.

Đồng thời, Hội cũng khuyến nghị trong lúc chưa biên soạn lại sách giáo khoa thì cần chỉnh sửa và bổ sung một số nội dung cần thiết vào tư liệu dạy và học, cấp thiết nhất là bổ sung ngay một số kiến thức về biển Đông và chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Bên cạnh đó, Hội đã nhiều lần cảnh báo về tình trạng yếu kém của môn học này trong trường phổ thông. Chia sẻ về vấn đề này, GS.TSKH  Phan Đăng Nhật nêu quan điểm: “Muốn cải cách môn Lịch sử thì điều cơ bản nhất là thầy dạy phải tốt thì học sinh mới thích. Muốn học sinh yêu sử, trước hết thầy dạy phải yêu sử. Vấn đề chính vẫn phải ở người thầy giảng dạy môn học”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật