Xin đừng bỏ môn lịch sử!

Vista Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Giờ rảnh, tôi thường hay thơ thẩn bên bờ sông Đồng Nai, trước đền thờ Thượng đẳng thần Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh, khai quốc công thần dưới thời trị vì của Chúa Nguyễn. Theo Quốc sử quán triều Nguyễn, vào năm Mậu Dần (1698), chúa Hiến Tông Nguyễn Phúc Chu sai Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược vùng đất phương Nam. Ông được xem là người xác lập chủ quyền cho người Việt tại vùng đất phương Nam vào năm 1698. Kể từ thời điểm đó, Biên Hoà - Gia Định chính thức trở thành một đơn vị hành chính thuộc lãnh thổ Việt Nam.
Xin đừng bỏ môn lịch sử!
Rất ít thí sinh chọn môn sử trong kỳ thi THPT quốc gia

Cứ mỗi lần đi dạo như thế, tôi lại băn khoăn “không có vua sáng làm sao có tôi hiền?”. Nếu không có các bậc hiền vương của đời Nguyễn làm sao có được những hiền thần như Nguyễn Hữu Cảnh? Và nếu không có các đời Chúa và Vua nhà Nguyễn, làm sao mình có mảnh đất này mà bước đi? Làm sao có được những dòng kênh như Vĩnh Tế để miền Tây “thau chua rửa mặn”?. Vì sao họ bị xóa khỏi tên đường, tên trường? Đâu rồi đường Hiền Vương? Đâu rồi Trường Nguyễn Hoàng? 

Tôi nhớ hồi học trung học sư phạm, cô giáo dạy sử cho tôi đã hết lời mạt sát vua Gia Long và triều Nguyễn cũng như hết lời ca tụng triều Tây Sơn. Giờ ra chơi tôi hỏi cô: "Cô ơi, ông Nguyễn Ánh tệ vậy sao dân che chở cho ông? Sao triều Tây Sơn tróc nã mãi mà không bắt được ông? Sao triều đại của ông tồn tại tới hơn ba trăm năm còn triều Tây Sơn chỉ tồn tại hơn 30 năm? Sao vua Quang Toản mới bỏ chạy ra khỏi thành đã bị dân bắt nộp hả cô?". Cô im lặng không trả lời.

 Hỏi là hỏi vậy thôi chứ giờ dạy của cô là giờ học mà lũ chúng tôi say đắm. Qua lời giảng và cử chỉ trên gương mặt cô, người anh hùng Nguyễn Huệ - Quang Trung đã hiện lên trước mắt tôi ngời ngời ánh sáng, tôi như thấy “chiến bào sạm đen khói súng” bay phần phật trên bục giảng.

Sau này đi dạy, tôi truyền cảm hứng đó cho học trò mình, không chỉ trên bục giảng mà còn trong các trò chơi lớn của mỗi cuộc trại với tên gọi hào hùng: “Quang Trung đại phá quân Thanh”. Hơn một ngàn học trò của trường Xuân Tân (thị xã Long Khánh, Đồng Nai) rầm rập hào hứng “hành quân” theo gót chân cha ông thuở trước.

Nay tim tôi đau thắt khi nghe tin môn lịch sử sẽ bị xóa tên, những bài học lịch sử sẽ được gởi vào các môn học khác. Thiết nghĩ, nếu gia đình mà gởi những đứa con cho người khác nuôi liệu có còn là gia đình nữa không? Rồi qua vài ba thế hệ như thế liệu có còn dòng tộc?

Chúng ta có thể chưa có phương pháp truyền đạt lịch sử thật hay nên khiến học sinh quay lưng. Vậy tại sao chúng ta không tìm biện pháp sửa chữa mà phải bỏ tên gọi của môn học vốn đã hình thành một khoa học – lịch sử?. Cầu mong đó chỉ là ý tưởng chứ đừng là hiện thực! 

 Nhiều giáo sư dù tuổi cao vẫn đến góp ý kiến cho hội thảo về môn lịch sử

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật