Bộ giáo dục bác bỏ ý kiến môn lịch sử không được coi trọng

Vista Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trước những ý kiến lo ngại về việc môn lịch sử sẽ bị “khai tử“ dưới hình thức tích hợp, Bộ Giáo dục đã công bố báo cáo giải trình về Dự thảo này trong đó bác bỏ ý kiến cho rằng môn lịch sử sẽ không còn được coi trọng.
Bộ giáo dục bác bỏ ý kiến môn lịch sử không được coi trọng
Ảnh minh họa

Tự chọn không có nghĩa là thích thì học, không thích thì thôi

Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể có nội dung xây dựng môn Lịch sử là môn học tự chọn ở bậc THPT. Nội dung này đã vấp phải sự phản đối của nhiều cá nhân, tổ chức. Ý kiến của Bộ về vấn đề này là Tự chọn không phải là học sinh thích thì (chọn) học, không thích thì thôi dẫn đến xóa sổ môn Lịch sử.

Trái lại, theo Dự thảo này, tất cả học sinh đều bắt buộc phải học nội dung giáo dục Lịch sử trong ít nhất 2 môn: Công dân với Tổ quốc và 1 trong 2 môn Lịch sử hoặc môn KHXH.

Ngoài ra, học sinh còn được lịch sử trong các môn học khác, nhất là trong môn Ngữ văn và trong các hoạt động trải nghiệm sáng tạo; học sinh còn có thể tự chọn thêm các chuyên đề học tập mở rộng hoặc nâng cao về lịch sử.

Thời lượng bắt buộc dành cho nội dung giáo dục lịch sử trong chương trình mới chắc chắn sẽ nhiều hơn trong chương trình hiện hành, điều này là rõ ràng vì chương trình hiện hành bắt buộc học sinh học lịch sử 1,5 tiết/tuần; Dự thảo mới bắt buộc học sinh phải học công dân với Tổ quốc 3 tiết/tuần, cộng thêm môn KHXH 3 tiết/tuần hoặc lịch sử 3 tiết/tuần.

Nhà giáo dục giỏi phải biết tổ chức nội dung trong từng môn học

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng nếu để tích hợp trong môn KHXH hoặc môn công dân với Tổ quốc thì không thể hiện được tầm quan trọng của giáo dục Lịch sử ; khó tích hợp các mạch kiến thức giáo dục công dân, giáo dục lịch sử và giáo dục quốc phòng an ninh; trái với yêu cầu giáo dục định hướng nghề nghiệp ở cấp THPT.

Giáo viên phải dạy được toàn bộ các nội dung trong từng môn học mới của CT GDPT. Ảnh minh họa.

Ngoài ra, những ý kiến chưa đồng tình với Dự thảo chương trình giáo dục tổng thể về việc xây dựng môn Lịch sử thành môn tự chọn cũng cho rằng, đội ngũ giáo viên hiện nay không dạy được môn học mới này và nếu để kiến thức Lịch sử  ở 3 môn công dân với Tổ quốc, KHXH, Lịch sử ở cùng cấp học sẽ khiến cho kiến thức Lịch sử bị xé lẻ hoặc chồng chéo giữa 3 môn. 

Về ý kiến này, Ban xây dựng chương trình cũng khẳng định đây là vấn đề có nhiều yêu cầu mới của chương trình giáo dục phổ thông nên không thể tránh khỏi những băn khoăn, thắc mắc, đồng thời lý giải như sau: Theo định hướng đảm bảo tính thống nhất giữa tích hợp và phân hóa trong GD để người dạy, nhất là người học dễ dàng vận dụng tổng hợp các kiến thức khác nhau những có liên quan để giải quyết vấn đề trong học tập và trong cuộc sống nhằm phát triển phẩm chất vá năng lực của người học thì mỗi môn học cần phải đề cập nhiều lĩnh vực kiến thức và mỗi lĩnh vực kiến thức cần được bố trí trong một số môn học khác nhau.

Mỗi lĩnh vực giáo dục được thực hiện qua nhiều môn học, trong đó có một hoặc một số môn học cốt lõi. Nhà giáo dục giỏi phải biết tổ chức nội dung trong từng môn học, cũng như giữa các môn học sao cho các kiến thức được dạy không bị chồng chéo mà lại có tác dụng soi sáng, hỗ trợ lẫn nhau để tăng hiệu quả giáo dục. 

Hơn nữa, các mạch kiến thức trong từng môn không phải là sự sắp đặt cạnh nhau đơn giản mà có sự tích hợp ở mức độ cần thiết, đảm bảo giáo viên từng môn học hiện nay sẽ dạy được từng mạch kiến thức tương ứng. Mặt khác, việc thiết kế như vậy tạo thuận lợi cho việc thiết kế trong mỗi môn học có thêm những chuyên đề tích hợp sâu. Hiệu trưởng trường phổ thông sẽ căn cứ năng lực thực tế của từng giáo viên để phân công giảng dạy từng chuyên đề cụ thể. Ban xây dựng chương trình cũng đưa ra căn cứ: Cuộc thi giáo viên thiết kế và dạy học các chuyên đề tích hợp trong 2 năm qua đã chứng minh hiện nay những giáo viên giỏi đã tự thiết kế và dạy được một số chuyên đề dạng này. Đồng thời các trường sư phạm cũng phải đổi mới chương trình và đổi mới cách thức tổ chức đào tạo để đào tạo được những giáo viên dạy được toàn bộ các nội dung trong từng môn học mới của chương trình giáo dục phổ thông.

Về lo ngại nội dung môn Lịch sử  sẽ bị chồng chéo với các môn được tích hợp, Ban xây dựng chương trình giáo dục phổ thông lý giải, việc xây dựng chương trình, viết SGK phải tránh chồng chéo, lặp lại kiến thức Lịch sử  giữa môn công dân với Tổ quốc với môn KHXH, giữa môn công dân với Tổ quốc với môn Lịch sử. Việc lựa chọn, tách ra và sắp xếp như thế nào trong các môn học là nghệ thuật của nhà giáo dục trong việc chuyển tải nội dung khoa học thành nội dung dạy học, tránh cho môn học không chỉ là bản sao chép rút gọn một khoa học chuyên ngành.

Ban xây dựng chương trình giáo dục phổ thông cũng cho rằng, cách sắp xếp các môn học công dân với Tổ quốc và môn KHXH (hoặc môn ) Lịch sử  trong Dự thảo chương trình mới là kết quả của việc rút kinh nghiệm nhằm khắc phục hạn chế của chương trình hiện hành và tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm chương trình giáo dục của một số nước.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật