Tin liên quan
Từ sáng 18/9, thành phố Đà Nẵng có mưa lớn, khiến nhiều tuyến đường trung tâm và một số khu vực dân cư bị ngập do nước không thoát kịp. Trước tình hình áp thấp nhiệt đới diễn biến phức tạp UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo các địa phương sẵn sàng ứng phó triển khai các phương án sơ tán đảm bảo an toàn cả người và của cho nhân dân trong thiên tai.
Cụ thể, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng cho biết, lúc 05h00 ngày 18-9, tổng số phương tiện tàu thuyền có đăng ký, đăng kiểm của địa phương là 1.159 phương tiện/8.316 lao động. Tàu thuyền đang neo đậu tại các bến: 1.097 phương tiện/7.699 lao động.
Thành phố tiếp tục duy trì thông tin, liên lạc với các phương tiện hoạt động trên biển, thông báo kêu gọi, hướng dẫn vòng tránh không đi vào khu vực nguy hiểm hoặc vào bờ để trú tránh an toàn, chú ý các phương tiện ở khu vực Bắc Biển Đông - Hoàng Sa; vùng biển Huế - Đà Nẵng,... Tổ chức kiểm đếm, quản lý chặt chẽ và giữ thông tin liên lạc với các tàu thuyền còn đang hoạt động trên biển.
Người dân chủ động đưa thuyền bè vào bờ tránh bão (Ảnh:CTTĐT Đà Nẵng)
Thành phố cũng sẵn sàng các hoạt động sơ tán người dân, nhất là tại các khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực có nguy cơ sạt lở đất đá; hướng dẫn người dân triển khai các biện pháp đảm bảo tài sản; tổ chức chốt chặn tại các khu vực ngập lụt, ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực có nguy cơ sạt lở đất đá,…không cho người dân đi vào các khu vực nguy hiểm.
Đồng thời, nghiêm cấm người dân, phương tiện đi lại tại các khu vực ven sông, suối, hồ đập và các khu vực ngập lụt để đánh bắt thủy sản; tăng cường thông tin, truyền thông ứng phó ATNĐ, mưa lớn, lũ và đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt trước, trong và sau thiên tai.
Cùng với đó, chỉ đạo các lực lượng của địa phương phối hợp với các lực lượng Quân đội, Công an hỗ trợ Nhân dân chẳng chống nhà cửa, sơ tán Nhân dân đến nơi an toàn; sẵn sàng triển khai các lực lượng, phương tiện, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn để tổ chức phòng chống, ứng phó và tìm kiếm cứu nạn khi thiên tai xảy ra, tập trung tại các khu vực xung yếu; tổ chức lực lượng canh gác, chốt chặn tại các khu vực ngập sâu, ngầm, cầu tràn qua suối khi có nước chảy xiết.
Trước diễn biến của mưa lớn, trưa ngày 18/9, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) TP Đà Nẵng đã có công văn số 2732/SGDĐT-HC&GDCT cho học sinh toàn TP nghỉ học chiều 18/9 và cả ngày 19/9.
Tại Tỉnh Thừa Thiên Huế, do ảnh hưởng của hoàn lưu ATNĐ, trên đất liền tỉnh có mưa cường độ mạnh nhất tập trung từ chiều tối 18 đến trưa ngày 20/9. Tổng lượng mưa cả đợt phổ biến 150-300mm, có nơi trên 450mm. Để chủ động ứng phó với ATNĐ các địa phương đã tổ chức rà soát, lên phương án di dời dân ứng phó bão với 16.349 hộ/ 52.186 khẩu.
Tỉnh đã yêu cầu các địa phương, đơn vị, chủ hồ đập có phương án chủ động ứng phó với ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão. Yêu cầu các địa phương kịp thời triển khai công tác ứng phó ATNĐ, bão và tình hình mưa lũ theo phương châm “bốn tại chỗ”, không để bị động, bất ngờ.
Kêu gọi tàu thuyền về neo đậu tránh bão (Ảnh: CTTĐT TTH)
Các địa phương rà soát các kịch bản ứng phó thiên tai, kiên quyết sơ tán người dân tại những nơi nguy hiểm, khu vực ven biển, đầm phá, trên lồng bè, chòi canh đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, khu dân cư có nguy cơ xảy ra sạt lở khi mưa lớn, lũ quét, ngập lụt. Chủ động bố trí lực lượng, phương tiện để cứu nạn, cứu hộ khi có yêu cầu.
Tính đến chiều 18/9, công tác kêu gọi các lao động, tàu thuyền hoạt động trên biển đã hoàn tất. Lực lượng Bộ đội Biên phòng đã phát thông tin, thông báo cho các phương tiện tàu thuyền nắm diễn biến tình hình của ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão.
Hiện tỉnh có tổng số 1.884 phương tiện với 10.685 lao động đến nay các phương tiện, lao động đã vào bờ và tránh trú bão an toàn. Ngoài ra, hiện ở các điểm tránh trú có 23 phương tiện với 194 lao động ngoại tỉnh vào neo đậu.
Thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở GD-ĐT Thừa Thiên Huế đề nghị các Phòng GD&ĐT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên và các đơn vị trực thuộc thông báo cho học sinh nghỉ học ngày 19/9 để tránh bão số 4.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng kiểm tra công tác ứng phó với ATNĐ có khả năng mạnh lên thành bão số 4 tại Khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão Nam Cửa Việt (Ảnh: CTTĐT QT)
Tại Quảng Trị, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các địa phương kích hoạt phương án phòng chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”. Các lực lượng vũ trang kiểm tra, nắm bắt tình hình và chuẩn bị sẵn sàng các phương tiện ứng cứu.
Rà soát, bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông các khu vực ngầm tràn, ngập lụt, chia cắt, kiên quyết không cho người, phương tiện đi qua những khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, nơi dễ sạt lở đất. Ngành giáo dục và đào tao, các địa phương bám sát, theo dõi tình hình thời tiết để chủ động đề xuất UBND tỉnh quyết định cho học sinh nghỉ học, đảm bảo an toàn.
Trước đó, Ban chỉ huy PCTT&TKCN trong sáng 18/9 vừa có thêm công điện yêu cầu các cơ quan, đơn vị, chính quyền các cấp theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo về diễn biến ATNĐ và các hình thái thời tiết nguy hiểm để kịp thời ứng phó. Các huyện ven biển và huyện đảo Cồn Cỏ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị hướng dẫn, kiểm đếm tàu thuyền tránh trú an toàn.
Đến thời điểm hiện tại, các hồ chứa trên địa bàn tỉnh đang vận hành đảm bảo an toàn, trong đó tổng dung tích các hồ chứa Thủy lợi do Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác công trình Thủy lợi Quảng Trị quản lý còn khoảng 30,43% so với dung tích thiết kế, hồ chứa Thủy lợi - Thủy điện còn khoảng 28,65% so với dung tích thiết kế.
Tỉnh Quảng Trị có 2.280 tàu thuyền/5.582 thuyền viên, đến nay đã cơ bản vào neo đậu an toàn tại các bến; có 56 chiếc/406 thuyền viên ngoại tỉnh đã vào bờ tránh ATNĐ.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh kiểm tra công tác ứng phó với ATNĐ tại Khu neo đậu tránh trú bão Cừa Phú (Ảnh: CTTĐT QB)
Trước tình hình ATNĐ mạnh lên thành bão, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN kiêm Ban Chỉ huy PTDS tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo các địa phương, đơn vị tiếp tục tiếp tục kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền về nơi tránh trú an toàn. Chủ động sơ tán di dời người dân, cán bộ, chiến sĩ, nhân viên, người lao động đến nơi an toàn; chủ động bảo vệ nhà cửa, trụ sở, trường học, kho tàng, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, các cột, tháp cao, cây xanh; chặt tỉa cành cây trong hành lang lưới điện, thông tin liên lạc; đồng thời thực hiện nghiêm các công điện; theo dõi chặt chẽ các bản tin diễn biến của ATNĐ và hình thế gây mưa để triển khai biện pháp ứng phó phù hợp, kịp thời theo phương châm “4 tại chỗ”.
Hiện toàn tỉnh có 51 phương tiện/327 lao động đang hoạt động trên biển. Tại vùng biển Nam vịnh Bắc Bộ có 43 tàu/278 lao động (dự kiến chiều 18/9 các tàu sẽ vào bờ tránh trú ATNĐ; vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có 08 phương tiện/40 lao động (đang neo đậu ở tránh gió ở trước cửa Tĩnh Kỳ/Quảng Ngãi, chưa làm thủ tục nhập cửa). Các phương tiện đang di chuyển vào bờ tránh trú. Hiện, mực nước của các hồ chứa trên địa bàn tỉnh đạt 28% dung tích thiết kế.
Trước đó, UBND tỉnh Quảng Bình cũng đã có công điện chỉ đạo cấm biển từ 0g ngày 19/9 cho đến khi biển an toàn theo thông báo của cơ quan khí tượng thủy văn, sẵn sàng sơ tán dân khỏi vùng nguy hiểm.
Đồng thời, công tác chuẩn bị ứng phó trước mùa mưa bão đã được các sở ngành, địa phương, đơn vị, người dân thực hiện theo kế hoạch, phương án đã được phê duyệt gồm: Chủ động PCTT theo phương châm “4 tại chỗ”, sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, lương thực, thực phẩm, nước uống để phòng, tránh, ứng phó các tình huống thiên tai. Riêng cấp tỉnh, Sở Công thương đã xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa thiết yếu PCTT...