Tin liên quan
Ngày 19-9, TAND TP.HCM mở phiên tòa xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan (chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) cùng 33 bị cáo khác về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền và vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.
Đây là giai đoạn hai của vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị có liên quan. Các cơ quan tố tụng đã xác định có 35.824 là bị hại trong vụ án và 534 tổ chức, cá nhân là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Đến 14 giờ 10 phút cùng ngày, đại diện VKSND TP.HCM bắt đầu công bố bản cáo trạng dài hơn 60 trang.
Tại phiên làm việc buổi sáng, HĐXX đã thẩm tra lý lịch của 34 bị cáo và những người tham gia phiên tòa.
Là người trả lời thẩm vấn đầu tiên, với giọng to, rõ, bị cáo Trương Mỹ Lan trình bày bị cáo là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và trong giai đoạn một của vụ án, bị cáo bị tuyên phạm 3 tội với mức án tổng hợp là tử hình.
Phần lớn người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt, trong đó có Công ty Cổ phần tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Công ty cổ phần chứng khoán Tân Việt.
Luật sư Phan Trung Hoài (bào chữa cho bị cáo Lan) kiến nghị HĐXX triệu tập bổ sung 3 đơn vị là Cục phòng chống rửa tiền (thuộc Cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng), Cục quản lý ngoại hối và Ủy ban chứng Nhà nước.
Theo HĐXX, tòa đã triệu tập đại diện 3 cơ quan này để tham gia phiên xét xử, song đại diện các cơ quan này không có mặt. Trong những ngày làm việc tiếp theo, nếu cần thiết HĐXX sẽ tiếp tục triệu tập.
Đại diện VKSND TP.HCM giữ quyền công tố tại phiên tòa xét xử Trương Mỹ Lan giai đoạn 2. Ảnh: NGUYỄN TIẾN
bị cáo Trương Mỹ Lan là một trong bốn bị cáo bị VKSND Tối cao truy tố về cả ba tội. Theo đó, trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Trương Mỹ Lan đã họp với các nhân sự chủ chốt của tập đoàn Vạn Thịnh Phát và SCB để chọn và sử dụng bốn công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát để phát hành 25 mã trái phiếu “khống” với mục đích để tăng quy mô vốn, phát triển hoạt động kinh doanh, dự án đầu tư và cơ cấu lại các khoản nợ.
25 mã trái phiếu được phát hành bởi bốn công ty (An Đông, Quang Thuận, Sunny World và Setra) với tổng khối lượng 308.691.388 trái phiếu, có giá trị là 30.869 tỉ đồng. Tiền thu về từ việc phát hành trái phiếu, Trương Mỹ Lan đã chỉ đạo cấp dưới thực hiện nhiều giao dịch, phương pháp để rút tiền ra khỏi SCB sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau dẫn đến mất khả năng chi trả cho người mua trái phiếu.
Các bị cáo trong phiên tòa xét xử giai đoạn 2 vụ án Vạn Thịnh Phát. Ảnh: NGUYỄN TIẾN
Ở tội vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, cơ quan tố tụng cũng xác định được trong khoảng thời gian từ năm 2012-2020, 23 công ty thuộc Tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã thực hiện chuyển tiền từ Việt Nam ra nước ngoài và từ nước ngoài về Việt Nam trái quy định với tổng số tiền là 4,5 tỉ USD, tương đương hơn 106.000 tỉ đồng. Trong đó, tiền chuyển ra nước ngoài là 1,5 tỉ USD, tiền nhận từ nước ngoài là 3 tỉ USD.
Ở tội rửa tiền, 445 triệu tỉ đồng là số tiền được Trương Mỹ Lan cùng đồng phạm dùng nhiều phương thức để cắt đứt dòng tiền do phạm tội mà có. Trong đó, hơn 415.000 tỉ đồng là từ "rút ruột" SCB và 30.000 tỉ đồng là lừa đảo chiếm đoạt của nhà đầu tư thông qua phát hành trái phiếu.