Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII).
Giảm điện than
Theo kế hoạch tới năm 2030, cơ cấu nguồn nhiệt điện khí trong nước và LNG sẽ đạt 37.330 MW, tương ứng 25,7% tổng công suất nguồn điện, chiếm tỉ trọng lớn nhất trong cơ cấu nguồn điện. Trong đó, nhiệt điện khí trong nước là 14.930 MW, chiếm 9,9% và nhiệt điện LNG 22.400 MW, chiếm 14,9%.
Bản quy hoạch đã nêu rõ lộ trình cắt giảm mạnh mẽ điện than, đưa mục tiêu phát triển trong vòng 20 năm (2030 - 2050) xóa bỏ hoàn toàn điện than để chuyển đổi, thay thế bằng các nguồn năng lượng sạch, đặc biệt là điện gió và điện khí. Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII cân đối nguồn điện than đến năm 2030 với các dự án gồm: Nhiệt điện Vân Phong I (Khánh Hòa) với công suất 1.432 MW (đã khánh thành đầu năm nay); Nhiệt điện Vũng Áng II, công suất 1.330 MW (dự kiến vận hành năm 2025 - 2026); Nhiệt điện Na Dương II (Lạng Sơn), công suất 110 MW (chuẩn bị thi công, dự kiến vận hành năm 2026); Nhiệt điện Quảng Trạch I (Quảng Bình), công suất 1.430 MW (đang thi công); Nhiệt điện An Khánh (Bắc Giang), công suất 650 MW và Nhiệt điện Long Phú I (Sóc Trăng), công suất 1.200 MW (dự kiến vận hành năm 2026).
Bên cạnh đó, 5 dự án nhiệt điện than chậm tiến độ, gặp khó khăn trong thay đổi cổ đông thu xếp vốn gồm: Nhiệt điện Công Thanh, công suất 600 MW; Nhà máy Nhiệt điện Nam Định, công suất 1.200 MW; Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trị, công suất 1.320 MW; Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân III, công suất 1.980 MW; Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu II, công suất 2.120 MW.
Đáng chú ý, đối với dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trị, nhà đầu tư đã xin dừng dự án. UBND tỉnh Quảng Trị đã có văn bản đề nghị chuyển đổi sang điện khí. Đối với dự án Nhiệt điện Công Thanh, cuối tháng 12-2023, UBND tỉnh Thanh Hóa cũng đề nghị chuyển đổi nhiên liệu dự án này sang sử dụng khí LNG. Đối với 5 dự án này, Chính phủ giao Bộ Công Thương làm việc với các nhà đầu tư, cho phép kéo dài đến tháng 6-2024, nếu không triển khai được phải xem xét xử lý theo quy định của Pháp Luật.
Điện khí gặp khó
Dù vậy, việc dịch chuyển sang điện khí trong nước và LNG cũng gặp không ít khó khăn, thách thức. Ông Tô Xuân Bảo, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), cho biết theo Quy hoạch điện VIII, đến năm 2030 có 23 dự án nhà máy điện khí được đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành, trong đó 10 dự án sử dụng khí trong nước, 13 dự án điện sử dụng LNG. Theo ông Bảo, tiến độ xây dựng của các tổ máy tua-bin khí chu trình kết hợp, từ khi được giao chủ đầu tư đến khi đưa vào vận hành thương mại cần ít nhất 7,5 năm.
Tuy nhiên, việc triển khai các dự án điện khí hiện đang gặp các vướng mắc, khó khăn liên quan đến hợp đồng PPA (xác định các điều kiện mua và bán điện trong một khoảng thời gian cụ thể), bảo lãnh Chính phủ và cơ chế mua LNG. Bên cạnh đó, một số quy định của Luật Đấu thầu chưa phù hợp với đặc thù và thông lệ kinh doanh LNG quốc tế. Theo ông Bảo, cần phải có quy định về việc mua LNG cho các dự án nhà máy điện LNG phù hợp với thông lệ quốc tế.
Chuyên gia kinh tế - TS Ngô Trí Long cũng cho rằng việc triển khai điện khí LNG ở Việt Nam còn đối mặt với các rào cản về thị trường, nguồn vốn và cơ chế, chính sách. Do đó, cần tháo gỡ các rào cản này để hiện thực hóa mục tiêu phát triển nhiệt điện khí, LNG như Quy hoạch điện VIII đã đề ra.
Cần khung pháp lý cho điện gió ngoài khơi
Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII cũng đưa ra con số công suất nguồn điện năng lượng tái tạo (NLTT) của các địa phương, vùng và danh mục các dự án nguồn điện tới năm 2030. Trong đó, tổng công suất điện gió ngoài khơi là 6.000 MW; điện gió trên bờ (điện gió trên đất liền và gần bờ) 21.880 MW và thủy điện là 29.346 MW. Địa phương có nhiều dự án thủy điện nhỏ nhất là Lai Châu với tổng công suất 1.056,85 MW, kế đến là Kon Tum với 358,5 MW, Quảng Ngãi 210,4 MW, Yên Bái với 274,1 MW...
Trao đổi với phóng viên về cơ cấu này, TS Nguyễn Huy Hoạch, thành viên Hội đồng Khoa học (Hiệp hội Năng lượng Việt Nam), cho biết khi nhu cầu năng lượng ngày càng cao và tỉ trọng NLTT ngày càng tăng trong cơ cấu nguồn thì thủy điện là nguồn điện đáng tin cậy do khả năng phát điện linh hoạt. Thủy điện cũng có lượng phát thải carbon thấp nhất trong vòng đời của nó hơn bất kỳ dạng năng lượng nào khác. "Với chi phí vận hành thấp, các nhà máy thủy điện là nguồn điện linh hoạt, hợp lý nhất hiện nay, trong khi các công nghệ lưu trữ như thủy điện tích năng và pin sẽ ngày càng bổ sung cho nhau trong hệ thống điện tương lai" - chuyên gia này nêu rõ.
Về điện gió, tổng công suất điện gió ngoài khơi được phê duyệt chủ yếu phát triển ở Bắc Bộ (2.500 MW), kế đến là Nam Trung Bộ (2.000 MW), Nam Bộ (1.000 MW) và thấp nhất là Trung Trung Bộ (500 MW); công suất nguồn điện gió trên bờ phát triển nhiều nhất là ở Nam Bộ với 6.800 MW, tiếp sau là Tây Nguyên (4.101 MW) và Bắc Bộ (3.816 MW).
Các chuyên gia cho rằng việc phát triển điện gió ngoài khơi hiện nay còn có trở ngại vì nhà nước thiếu các cơ chế, chính sách để phát triển loại hình này. Theo TS Nguyễn Huy Hoạch, phát triển điện gió ngoài khơi đang thiếu các quy định về thủ tục, trình tự, hồ sơ, quản lý hoạt động đo đạc, khảo sát, đánh giá tài nguyên biển, gió biển. Bên cạnh đó, chưa có đầy đủ các quy định về đầu tư, triển khai dự án điện gió ngoài khơi. Vì vậy, ông Hoạch kiến nghị cần phê duyệt Quy hoạch không gian biển quốc gia. Đồng thời, ban hành các quy định của Pháp Luật về đầu tư, xây dựng nhằm hướng dẫn, hoàn thiện chính sách Pháp Luật về đầu tư, vận hành điện gió ngoài khơi.
TS Dư Văn Toán - viện Khoa học Môi trường, Biển và Hải đảo (Bộ Tài nguyên và Môi trường) - cũng nhấn mạnh cần sớm xây dựng khung pháp lý cho điện gió ngoài khơi, đồng thời có các tiêu chuẩn, quy định về kỹ thuật liên quan. Ông Toán cho rằng chính sách với NLTT nói chung và điện gió nói riêng cần phải có tầm nhìn. Phải xây dựng các chính sách hỗ trợ và cơ chế đột phá cho phát triển điện gió ngoài khơi, gắn với việc triển khai Chiến lược biển Việt Nam, qua đó thực hiện mục tiêu tại Quy hoạch điện VIII.