Bộ Công Thương cho biết từ đầu năm đến nay, Bộ đã luôn theo dõi bám sát tình hình cung cầu, giá cả xăng dầu tại thị trường trong nước để có phương án chỉ đạo bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường.
Trong thẩm quyền và trách nhiệm của mình, Bộ Công Thương đã thực hiện các biện pháp để bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường.
Trong công tác điều hành giá xăng dầu, Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, thực hiện nhất quán, đúng quy định (trong việc tính toán, xác định, điều hành giá) tại Nghị định số 80/2023/NĐ-CP, Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP để điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới.
Đồng thời sử dụng công cụ Quỹ bình ổn giá nhằm hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động của giá thế giới, góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ phục hồi kinh tế, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các chủ thể kinh doanh và sử dụng xăng dầu.
Phối hợp với Bộ Tài chính và các doanh nghiệp, kiên quyết thực hiện việc phát hành hóa đơn mỗi lần bán từ ngày 31/3 đối với mặt hàng xăng dầu. Đồng thời, khẩn trương nghiên cứu, trình Chính phủ dự thảo Nghị định về quản lý kinh doanh xăng dầu theo hướng giảm số lượng doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu; giảm tầng cấp trong chuỗi phân phối xăng dầu…
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương mới đây, liên quan tới việc xây dựng Nghị định Kinh doanh xăng dầu mới thay thế 3 Nghị định quản lý xăng dầu hiện nay (gồm: Nghị định 83, Nghị định 95, Nghị định 80), bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương cho biết thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương hiện đang phối hợp các bộ, ngành và đơn vị liên quan xây dựng Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định về kinh doanh xăng dầu.
Đáng chú ý, đối với cơ chế giá xăng dầu, dự thảo Nghị định dự kiến sẽ tiến dần hơn với cơ chế thị trường. Nhà nước sẽ ban hành công thức giá để thương nhân kinh doanh xăng dầu chủ động quyết định mức giá bán, nhưng giá không cao hơn mức giá mà công thức giá quy định.
Đối với nội dung về cơ chế bình ổn giá xăng dầu, bà Hiền cho rằng thời gian qua Quỹ bình ổn giá xăng dầu cũng đã bộc lộ một số điểm bất cập và cần được nghiên cứu, xem xét, sửa đổi. Theo đó, việc quy định cụ thể hơn về mức trích, chi và thời gian trích, chi cũng như các nội dung khác liên quan cũng đang được nghiên cứu xem xét.
Dự thảo Nghị định quy định rõ trường hợp thực hiện bình ổn giá, Bộ Công Thương sẽ chủ trì phối hợp với các bộ ngành đề xuất và gửi Bộ Tài chính tổng hợp báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương bình ổn giá xăng dầu. Theo bà Hiền, việc này phù hợp với quy định của Luật giá năm 2023 và bắt đầu có hiệu lực vào ngày 1/7/2024.
Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu hiện đang được lấy ý kiến của các cơ quan chuyên môn và các tổ chức có liên quan, Bộ Công Thương sẽ cùng với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đánh giá để hoàn thiện và xin ý kiến rộng rãi.
Thông tin thêm về những nội dung tại Dự thảo Nghị định về kinh doanh xăng dầu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết Nghị định kinh doanh xăng dầu mới thay thế 3 Nghị định quản lý kinh doanh xăng dầu hiện nay yêu cầu rất gấp rút, cố gắng trong tháng 3/2024 đã phải trình Chính phủ.
Tuy nhiên, Bộ cũng đã báo cáo Chính phủ trên tinh thần kỹ lưỡng và theo quy trình xây dựng các văn bản quy phạm Pháp Luật thì cần có 60 ngày để đăng công bố công khai, lấy ý kiến rộng rãi của tất cả người dân. Trong quá trình soạn thảo Bộ Công Thương đã phối hợp với Ban soạn thảo thống nhất là sẽ công bố lấy ý kiến bắt đầu từ 27/3.
Cũng theo Thứ trưởng Tân, dự kiến dự thảo Nghị định có rất nhiều đổi mới, đảm bảo mục tiêu cuối cùng là cân đối cung - cầu, không thiếu hụt, đảm bảo an ninh năng lượng. Ngoài ra, điều hành giá xăng dầu tiếp cận cơ chế thị trường nhưng phải có sự điều tiết của cơ quan nhà nước.
Liên quan đến điều hành giá, Thứ trưởng Tân cho biết liên Bộ đưa ra mức giá trần để làm tham khảo, từ đó các doanh nghiệp tính toán đưa ra mức giá phù hợp với tình hình kinh doanh thực tế, nhưng không vượt mức giá trần. Đây là điểm mới của Nghị định nhằm đảm bảo bình ổn thị trường, đảm bảo hài hòa giữa các bên.
Đối với nội dung về giữ Quỹ bình ổn xăng dầu, đây là nội dung còn nhiều tranh luận nên Bộ Công Thương tiếp tục lấy ý kiến. Vấn đề trích lập quỹ hiện cũng có một số vấn đề cần điều chỉnh và cụ thể hóa đưa vào dự thảo Nghị định.