Tin liên quan
Hãng tin Tass hôm 1/4 đưa tin, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, Nga sẽ kiện Ukraine ra tòa án quốc tế về vai trò của nước này trong việc thực hiện các cuộc tấn công khủng bố trên đất Nga.
"Moscow có ý định kiện ra tòa án quốc tế về việc Kiev đứng sau các cuộc tấn công khủng bố và chúng tôi đang soạn thảo các thủ tục giấy tờ liên quan, đặc biệt là những văn bản pháp lý” - bà Zakharova nói với kênh truyền hình Channel One ngày 1/4.
Theo bà Zakharova, việc Moscow chuyển tiếp các yêu cầu chống khủng bố tới Ukraine là một phần của thủ tục bắt buộc và hứa sẽ cập nhật các bước tiếp theo trong quy trình.
Bộ Ngoại giao Nga trước đó nói rằng các nhà điều tra nước này đã tìm thấy bằng chứng cho thấy Ukraine có liên quan đến các vụ tấn công khủng bố gần đây nhắm vào Nga, bao gồm vụ tấn công tại phòng hòa nhạc của Tòa thị chính Crocus ở ngoại ô Moscow hôm 22/3.
Trong bối cảnh đó, Bộ Ngoại giao Nga đã đệ trình yêu cầu lên chính phủ Ukraine, trong khuôn khổ Công ước quốc tế về ngăn chặn các vụ đánh bom khủng bố và Công ước quốc tế về ngăn chặn tài trợ khủng bố, yêu cầu Kiev ngay lập tức bắt giữ và dẫn độ tất cả những người liên quan đến các vụ tấn công, bao gồm cả Giám đốc Cơ quan An ninh Ukraine (SBU) Vasily Malyuk.
Bên cạnh đó, Ủy ban Điều tra Nga (FSB) hôm 1/4 thông báo đã mở một cuộc điều tra theo khiếu nại của các nghị sĩ Nga cáo buộc rằng Ukraine và các nước phương Tây, bao gồm cả Mỹ có liên quan đến các cuộc tấn công trên đất Nga.
Theo thông báo của FSB, cơ quan này đang xem xét mục đích “tổ chức, tài trợ và thực hiện các hành động khủng bố” của các quốc gia đó.
Ông Nikolay Kharitonov - một trong những nghị sĩ đệ đơn khiếu nại, nhấn mạnh rằng các quốc gia phương Tây “được hưởng lợi” từ vụ tấn công khủng bố vào Tòa thị chính Crocus. Theo ông, các đối thủ địa chính trị của Moscow sẽ được hưởng lợi từ thảm kịch trên đất Nga.
Tính đến ngày 2/4, đã có 144 người thiệt mạng và hơn 360 người bị thương trong vụ tấn công khủng bố ở Moscow. Nhóm ISIS-K (một nhánh của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Afghanistan) đã nhận trách nhiệm vụ tấn công.
Vụ tấn công khủng bố ở Tòa thị chính Crocus hôm 22/3 đã khiến 144 người thiệt mạng và hơn 360 người bị thương. Ảnh: Tass.
Tuy nhiên, các quan chức Nga tuyên bố đã phát hiện ra bằng chứng cho thấy Ukraine có thể có liên quan. Trong khi đó, Washington nói rằng Kiev không thể đứng sau vụ tấn công.
Cũng trong ngày 1/4, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định Nga không biết về bất kỳ cảnh báo nào từ Iran trước cuộc tấn công khủng bố.
Trước đó, Reuters ngày 1/4 dẫn lời các nguồn thạo tin rằng Tehran đã cảnh báo Moscow về một "chiến dịch khủng bố" lớn sắp xảy ra ở Nga, vài ngày trước khi xảy ra vụ tấn công khủng bố tại Tòa thị chính Crocus.
“Vài ngày trước vụ tấn công ở Nga, Tehran đã chia sẻ thông tin với Moscow về một cuộc tấn công khủng bố lớn có thể xảy ra bên trong nước Nga. Iran thu được thông tin này khi thẩm vấn những cá nhân bị bắt liên quan vụ đánh bom chết người ở Iran” - một nguồn tin tiết lộ với Reuters.
Trong một diễn biến liên quan, hãng tin Tass hôm 1/4 dẫn lời người phát ngôn Bộ Nội vụ Nga Irina Volk cho biết, cơ quan đã soạn thảo một dự luật về chính sách di cư.
Dự luật này được gấp rút hoàn thiện sau khi xảy ra vụ tấn công khủng bố tại nhà hát Crocus với các nghi phạm là người nhập cư. Theo dự luật, Moscow sẽ tạo cơ sở pháp lý cho việc nhận dạng sinh trắc học của người nước ngoài vào Nga và giảm thời gian họ có thể ở lại nước này tạm thời xuống còn 90 ngày một năm. Trước đó, công dân nước ngoài có thể ở Nga trong 90 ngày mỗi 6 tháng.
Theo người phát ngôn Bộ Nội vụ Nga, các quy định về lưu trú có kiểm soát sẽ được áp dụng cho một số nhóm công dân nước ngoài.
Bên cạnh đó, chính phủ sẽ thắt chặt kiểm soát đối với người sử dụng lao động và nhà thầu tuyển dụng lao động nước ngoài, cũng như lệnh cấm người di cư bất hợp pháp. Các cơ quan chính phủ, tổ chức, cá nhân và tổ chức sẽ bị cấm cung cấp bất kỳ dịch vụ nào cho những người vi phạm luật di cư.