Cha- như căn nhà oằn lưng hứng chịu gió mưa và bao nghiệt bão. Đời trải “mưa Âu gió Mỹ” ra bắc vào nam để đổi chác mưu sinh, cha già đi trước tuổi, mái đầu phủ hoa tuyết, nước da xạm, cánh tay lao động vạm vỡ vươn dài. Cha ít khi thân mật, gần gũi mà cứ âm thầm, lặng lẽ, thương con đứt ruột sau vẻ lạnh lùng xa cách.
Cha đi bộ đội, năm 1987 sang Đức làm ăn, ba năm sau khi Đông- Tây tan rã, cha trở về sống kiếp thợ hồ. Và đến năm 1997, chú trâu nhỏ chính thức được nghe tiếng sáo mục tử, tôi ra đời trong niềm hạnh phúc vỡ òa của cả gia đình. Lớn lên trên mảnh đất cằn cỗi đang nằm ải chờ người gieo trồng, cha mẹ nuôi ba chị em ăn học, những ngày tháng tuổi thơ chật vật, gánh nặng cơm áo ghì sát đất, khiến cha không ít lần gieo cuồng phong nghiệt bão.
Nhớ những buổi đợi cơm cha làm về. Nếu tiếng xe máy về sớm thì chị em tôi thở phào nhẹ nhõm, còn muộn hơn thì xác định cơm chẳng ngon, canh chẳng lành vì lúc đó cha đã say khướt. Miền nông thôn, nghề thợ hồ vô cùng vất vả, đắm sương gội nắng. Cái nắng của đất gió lào cát trắng như rang trong chảo dầu, xây dựng công trình cực nhọc, mồ hôi trộn vữa xi lấm láp, sau những giờ vật lộn, người ta thường tìm đến rượu để về nhà được ngủ giấc lành, cảm giác lo toan không làm phiền đến tâm trí. Cho nên, dẫu biết là sự lựa chọn nghiệt ngã nhưng sẽ tốt hơn là không có ma men trong màn đêm sẽ chỉ còn lại đau nhức. Có những người, chén rượu sẽ giúp dễ đi vào giấc ngủ, nhưng với cha lại tạo nên sự mất kiểm soát, thiếu nhã nhặn khác thường, điều đó đã gieo nỗi sợ hãi cho chị em tôi. Giờ kể lại chặng đường đã qua, ai cũng mĩm cười vui vẻ, bởi vì những khuyết nhược nhỏ bé đó không là gì với vai trò, tình cảm, sự hi sinh của cha dành cho gia đình này.
“Đường danh vọng hôm nay về muộn quá/ đau nhức này lại đổ xuống tuổi thơ”, có lẽ chị em chúng tôi cũng đã sẻ cho cha những nỗi đau thể xác và sự dày vò tinh thần. Ngày đó, hiếm khi có một niềm vui trong bữa cơm, xới vội, nuốt nhanh, có khi nước mắt giàn dụa, cũng có lúc bát canh bị hất đi, đỗ vỡ...Nhưng ba chị em tôi thấu hiểu, tất cả đều do những áp lực của cơm áo gạo tiền và chưa bao giờ cha tác động vật lý lên cơ thể chúng tôi. Những đồng tiền mỗi tháng ba đem về tròn trịa cho mẹ, đã thể hiện sự hết lòng của cha với gia đình. Cha trơ cảm, lần hồi mưu sinh mà quên đi cách cảm nhận cuộc sống, tôi không thấy cha nghe một bản nhạc, xem một bộ phim, ăn một miếng ngon bao giờ. Bây giờ đã qua cái thời ngặt nghèo đói khổ, cha mua thức ăn về mà không ăn nhiều, cứ nhặt ba món rau canh ăn vã. Đó là cách nhường nhịn, thương yêu trong bản năng của người làm cha mẹ.
Thế sự cũng dần đổi thay, hai chị học xong, lập gia đình, chia sẻ với cha mẹ gánh nặng nợ nần và rồi nhờ sự chăm chỉ của cha, sự đảm đang vén khéo của mẹ mà nhọc nhằn cũng dần vơi đi. Đi theo nợ nần cũng là tuổi trẻ, sức khỏe của cha mẹ. Cha không còn đủ sức làm thợ hồ nữa, xin đi bảo vệ cơ quan và cha đã trở lại là chính mình. Một con người sâu lắng, quan chiêm thấu suốt lẽ đời, một con người luôn biết “hà tiện” mà không hề hổ thẹn, chỉ vì các con được học hành nên người.
Ngày tốt nghiệp, cầm trên tay tấm bằng giỏi của nghề sư phạm, xác định rằng “phấn là vôi mà vôi thì bạc”, sẽ khó để xin việc ở đất xứ Nghệ. Một buổi chiều ngồi hóng gió trước cửa cạnh bờ ao, cha nói với tôi rằng:
- Tình hình như nào con?.
Tôi trả lời:
- Cha có định hướng gì cho con không?.
Cha nói:
- Hướng nam!
Tôi trả lời cha:
- Con cần suy nghĩ.
Cha tiếp lời tôi:
- Cha chỉ cho con tấm bằng, đó có lẽ là cố gắng có ý nghĩa nhất và sau cùng, còn lại con hãy bay theo sự may rủi của số phận.
Ngày 12/11/2020, tôi xách va li rời quê nam tiến, cha đặn tôi “nếu không đủ duyên con hãy trở về, rồi ta lựa chọn con đường khác”. Thoáng nhìn mắt cha thấy một nét buồn trĩu nặng, cha đã buộc lòng để tôi ra đi và cũng an ủi tôi rằng, đừng ngần ngại trở về khi cơ cực và nhọc nhằn quá mức, quê hương còn có vòng tay cha mẹ luôn cởi mở đón đợi con về.
Máy bay cất cánh, quê hương ẩn mình sau bức mành trắng xóa của mây trời. Tôi nghĩ nhiều về cha mẹ, về những hi sinh vất vả. Về những tiếng lục cục rít thuốc lào trong đêm, cha đốt những nhọc nhằn bay trong làn khói. Cha vẫn thế nếu không say thì người tẻ lặng vô chừng, người nói ít, người nội tâm, người rất mực lo toan cho sự bình yên của con cái.
Sài gòn mùa dịch, Cha vẫn gọi cho tôi tuần một lần, cười nói vui vẻ: “Tình hình chung con ạ! Cố gắng vượt qua”. Giữa đại dịch mọi thứ đều bất ổn, nhưng tôi cũng hiểu, cha đã xua đi tâm trạng tuyệt vọng cho tôi bằng những tiếng “cười máy” không hề mang cảm xúc thật. Cha đang rối bời, đang lo lắng, đang bồn chồn nghĩ cho tôi. Cha tỏ ra vẻ cứng cỏi, lạc cảm mà thực tâm luôn muốn tôi trở về ngay và liền bằng cách nào đó, nhưng hiện giờ trở về là rất nguy hiểm, cho nên tôi vẫn lựa chọn ở lại để trải qua thử thách này.
Đời cha đã trải qua sóng gió, biết mấy phong sương, lo toan cực nhọc mà được mấy an vui. Giờ cha cũng bước qua bên kia sườn dốc của cuộc đời, sức khỏe yếu hơn, nảy sinh các vấn đề về xương khớp, đã đến lúc cần được nghỉ ngơi. Nhưng bởi vì con trai của cha “đang giăng buồm giữa tố”, còn nhiều năm tháng nữa dấn thân vào tục lụy để vững vàng đôi cánh. Cho nên, cha vẫn lao lực với cuộc vay trả ở đời, vẫn xa mẹ đi làm, vẫn quán xuyến bao nhiêu bề bộn gia đình. Giờ cha vẫn tỉ tê với chén rượu, nhưng uống vào cha thăng hoa những cảm xúc yêu đời, không ẩn ức, hằn học như trước. Mong ngày đoàn tụ, chị em tôi về quây quần bên bữa cơm để hạnh phúc gia đình được mãi nhân lên.