Ba Phúc, gieo phúc... tháo gỡ từng nút thắt cuộc sống!

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
’Thời trẻ ai cũng có lúc nông nổi, lầm lỡ, bế tắc, quẫn trí... những lúc ấy chỉ mong có những cánh tay kịp thời dang ra thật rộng để họ bấu vứu, nương tựa và có cơ hội tĩnh tâm, biết trân trọng sự sống mà dừng lại’. Đó là lời tâm sự của ông Tống Phước Phúc, 55 tuổi, Cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập Phước Phúc (Mái ấm Phước Phúc), tại 56/3 Phương Sài, phường Phương Sài, TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Ba Phúc, gieo phúc... tháo gỡ từng nút thắt cuộc sống!
Ông Phúc hạnh phúc bên các con.

Tháo gỡ nút thắt cuộc sống cho hàng trăm bạn trẻ nữ

Chúng tôi tìm về mái ấm Phước Phúc thật đúng dịp, khi cô gái N người Miền Trung, đang mang thai 6 tháng tràn nước mắt hạnh phúc, ngồi thưa chuyện với ba Phúc: “Con được nhà nội chấp nhận và xin đón mẹ con về rồi ba ạ. Họ đang giục con về để ra mắt 2 gia đình”, được tin này ông Phúc trào nước mắt, mừng cho N, mừng cho đứa trẻ và mừng cho mái ấm nhân ái của mình vừa làm được một việc thiện có ích với cuộc đời… Trước đó 3 tháng, khi cô gái còn là sinh viên năm 2 đại học, đem lòng yêu một chàng trai khác trường. Khi phát hiện N có thai, chàng trai không chấp nhận và ruồng bỏ N. Quẫn trí, có lúc N đã nghĩ đến điều tồi tệ nhất và được bạn bè phát hiện, khuyên nhủ biệt xứ tìm đến Mái ấm…

Hơn 15 mái ấm Phước Phúc ra đời, ông nhẩm tính đến nay cũng có hơn 200 nữ sinh, phụ nữ được ông giúp đỡ. Có thời gian cao điểm lên tới 45 đứa trẻ và 11 bà bầu trong nhà. Mỗi người là 1 số phận, một hoàn cảnh thật T.Tâm. Đó là: nữ sinh đang theo học, lầm lỡ mang thai mà gia đình bố mẹ quá hà khắc, nặng hủ tục, nền nếp xưa, khiến các nữ sinh khi lầm lỡ không thể chia sẻ, sợ hãi đánh đập, áp lực dư luận, gia đình, bạn bè, dẫn đến nhiều nữ sinh bế tắc, quẩn trí, nghĩ đến những điều dại dột; hay nhiều mẹ, con lại được ông Phúc đón về từ nhà hộ sinh của các bệnh viện. Đặc biệt có những trường hợp gia đình quá khó khăn, khi mang thai đứa thứ 3, thứ 4 vợ chồng không đồng thuận, cãi vã, vợ bỏ nhà mang cả con nhỏ đến nương nhờ Mái ấm.

Tất cả họ là cô sinh viên trẻ người non dạ, cô công nhân nghèo, cô nhân viên quán cà phê, nhà hàng, quán massage, cắt tóc nam trá hình sống buông thả… đến cả người bán vé số, phụ nữ lang thang, những số phận bị chồng ruồng bỏ. Hầu hết suy nghĩ rất đơn giản, nông nổi và tìm cách bỏ bào thai mà không mảy may nghĩ đến hậu quả, hoặc quẫn trí muốn giải thoát cuộc sống. May mắn và ấm lòng hơn là số phận khi mẹ vừa sinh xong để con lại trong bệnh viện, mẹ bỏ trốn; hoặc sinh xong đưa con đến cổng nhà ông bỏ lại... Những ai có ý định bỏ thai mà ông biết, đều được vợ chồng ông tìm cách tiếp cận, ân cần khuyên nhủ, thuyết phục họ về với Mái ấm của mình nghỉ ngơi dưỡng thai, chăm lo chu đáo bảo toàn cho mẹ con tới lúc sinh đẻ.

Bám giữ tận cùng từng sinh mạng sống

Câu chuyện của Rắk Vinh là điều kỳ diệu hy hữu của cuộc sống. Một sáng mùa xuân năm ấy phố biển khá đẹp trời, sóng biển êm, gió lặng… Ông vừa ra cửa thấy một bé trai đỏ hỏn, đen đúa còn nguyên dây rốn… trong lúc tắm cho cháu, ông giật mình thấy con không có hậu môn và sau khi vào viện lại còn phát hiện con bị bệnh tim bẩm sinh. Cuộc trường chinh cứu mạng cậu con trai tật nguyền bắt đầu... Đến nay Rắk Vinh đã trải qua 3 cuộc phẫu thuật lớn, nhỏ tại TP Hồ Chí Minh và đến nay vẫn đang tiếp tục. Hiện nay tiền thuốc hằng tuần cho Rắk Vinh hết hơn 300 ngàn đồng.

bệnh tình của Rắk Vinh đã không ít người am hiểu chuyên môn và thấy hoàn cảnh quá khó khăn của ông đã thực lòng khuyên: “Bác nhường lại số tiền ấy để cưu mang nhiều bé khác, cậu ấy cơ hội sống là rất thấp”. Ông cho rằng đó là lời khuyên của sự đồng cảm, chia sẻ và ông xin gạt sang một góc khác, để cùng cháu chiến đấu tới cùng… Hiện nay nguồn thu nhập chính của vợ chồng ông chỉ trông chờ vào hơn 1 ha rẫy vừa chăn nuôi, trồng rau, cây ăn quả mỗi năm thu nhập hơn 300 triệu đồng, vừa đảm bảo cung cấp 1 phần cho bếp ăn của Mái ấm.

Câu chuyện của bé Hoài V, 2 tuổi (tên thường gọi ở Mái ấm là bé Mưa), cũng là một câu chuyện ly kỳ và như khẳng định sự sống của các sinh linh là diệu kỳ và không bao giờ dừng lại: Vào một đêm đông, trời lạnh và mưa tầm tã, Hoài V bị mẹ bỏ lại ở cổng không còn đủ sức để khóc. Cháu phải nằm viện gần cả tháng trời mới đủ sức khỏe trở về với mái ấm. Hay câu chuyện của bé Ven Thị T.L, người đồng bào dân tộc thiểu số Raglai, dù nay đã ngoài 3 tuổi nhưng bé không thể nói, ông Phúc đang tiếp tục đi khắp nơi điều trị và dạy cháu tập nói hằng ngày.

Bé Mưa hôm nay đã ngoài 2 tuổi, khỏe, cứng cáp và cái tên “Mưa” nghe thật dễ thương ấy cũng là cách mà ông đặt tên cho các bé, để sau này giúp các bé và gia đình dễ nhận biết. Ví như: Hải Vinh (là mẹ ở phường Vĩnh Hải, Nha Trang), Hiệp Vinh (Vĩnh Hiệp); hay với những phụ nữ đến mái ấm để sinh nở, ông lấy tên của mẹ làm tên đệm cho bé như: Thảo Tâm, Thúy Tâm, An Tâm… Vợ chồng ông luôn mong muốn sau này khi vượt qua khó khăn của cuộc sống, các cháu trưởng thành mẹ, con và gia đình được đoàn tụ, đón nhận nhau về một nhà. Vì lẽ đó nên ông có cuốn “sổ vàng” được lưu giữ tuyệt mật và ghi chép đầy đủ thông tin của mỗi cháu. Ông luôn mong các con sẽ tìm được cho mình một mái ấm hạnh phúc. Nhờ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, đến nay đã có 10 cháu đến với các gia đình hiếm muộn ở nước ngoài và trong nước.

Hiện nay mái ấm Phước Phúc đang nuôi dưỡng 13 cháu từ 3 tháng tuổi đến 16 tuổi; và có 5 mẹ bầu lầm lỡ đang nghỉ ngơi, dưỡng thai chờ ngày sinh nở. Mười tám người con ấy, đủ các lứa tuổi, dù ông Phúc không sinh đẻ, nhưng luôn gọi “ba Phúc”, dành cho ba Phúc tất cả những gì yêu thương, trân trọng nhất và coi ba là điểm tựa cuộc đời. “Ba Phúc của em”, “Ba Phúc của chị”, “Chị dành phần của em, em về mách ba Phúc”… những bi bô, tranh dành ấy của các con đã làm đầy ắp tình yêu thương, đùm bọc trong Mái ấm… Ngôi nhà 3 tầng gần 400m2 là Cơ sở mái ấm Phước Phúc và cũng là nơi ở gia đình nhỏ của ông hôm nay, theo di nguyện của người mẹ quá cố để lại rằng: “Đây là ngôi nhà chung của tất cả các con, để chúng luôn có nơi đi về”. Ông khẳng định di nguyện ấy là bất di, bất dịch và cũng là mong muốn của vợ chồng ông.

Lan tỏa thông điệp đến giới trẻ

Bắt nguồn từ việc ban đầu là chôn cất nhiều thai nhi, quy tập thành nghĩa trang, ông luôn đau đáu với câu hỏi trong lòng: “Làm sao phải ngăn bằng được việc phá thai, mới là đầu ngọn của vấn đề?”. Và mái ấm Phước Phúc ra đời từ trăn trở đó.

Giữa những nấm mồ nghi ngút khói, những cành hoa trắng tinh khôi ngút tầm mắt. Những lúc ấy ông Phúc chỉ muốn giới trẻ đến đây thật nhiều và hãy tự soi mình, nhìn nhận vào cuộc sống mà dừng lại lối sống buông thả, cản ngăn những lầm lỡ, ích kỷ cá nhân! “Dừng lại đi các cháu nhé, hãy sống lành mạnh và quan hệ an toàn…”. Đã không ít lần ông cất lên khát vọng đó với những tổ chức đoàn, hội, lớp, những đôi trẻ khi đến dâng hương, hoa cho các thai nhi tại nghĩa trang. Và công tác giáo dục trực quan này đã được nhiều trường cao đẳng, đại học; nhiều đoàn thể, công ty, nhà máy, xí nghiệp quan tâm. Hàng năm các đơn vị tổ chức cho đoàn viên thanh niên về đây tổng vệ sinh, dâng hương tại nghĩa trang. Và thông điệp mà ông và các đơn vị tổ chức muốn gửi gắm đã lay động mạnh, thức tỉnh nhiều bạn trẻ…

Ngồi bên ông, những câu chuyện về bạn trẻ nữ lầm lỡ, bế tắc, về những đứa trẻ may mắn được nương tựa vào ông đã lôi cuốn chúng tôi lặng mình, nhói buốt. Bỗng chuông điện thoại của ông reo lên. Nhìn thấy số máy đã lưu, ông bảo: “Hy vọng cô gái này về với mái ấm cháu ạ”. Ông nói thêm: “Ơn trời, cô bé này thai lớn lắm rồi, các thành viên trong mái ấm khuyên nhủ cả tuần nay mới thành công”. Ông dắt xe ra đi khi trời đã hửng nắng, trên gương mặt rạng ngời niềm vui, ấm áp yêu thương… Bóng xe khuất dần, bỗng có một làn hơi ấm tràn vào lồng ngực, tôi như muốn thốt lên: Thật mừng cho một số phận được “ba Phúc” tháo gỡ nút thắt cuộc sống, dẫn dắt 2 sinh mệnh bước vào một chân trời hừng đông ngày mới…   

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật