Người dân được đốt pháo hoa: Coi chừng hiểu nhầm!

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chính phủ vừa ban hành nghị định 137/2020/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo và nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận với nhiều ý kiến trái chiều.
Người dân được đốt pháo hoa: Coi chừng hiểu nhầm!
Mặc dù đã cấm đốt pháo nhưng những năm trước đây, vào dịp giao thừa vẫn xảy ra nhiều vụ đốt pháo nổ trái phép - Ảnh: V.D.

Theo quy định mới, người dân chỉ được đốt pháo hoa không nổ. Trong ảnh: nhân viên quốc phòng kiểm tra hệ thống bắn pháo hoa nổ trong đêm giao thừa tại TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Ai được đốt pháo hoa? Pháo hoa nào thì được đốt? "Niềm vui nho nhỏ" và "ký ức tết xưa" đã trở lại?... Rất nhiều băn khoăn, thắc mắc được đặt ra xung quanh nghị định này.

Khi nào được đốt pháo hoa?

Nghị định 137 có hiệu lực từ ngày 11-1-2021 và thay thế nghị định 36/2009. Tại điều 17, nghị định cho phép cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân chỉ cần có năng lực hành vi dân sự đầy đủ sẽ được sử dụng pháo hoa dịp lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa nghệ thuật.

Tuy nhiên tổ chức, cá nhân khi sử dụng chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất kinh doanh pháo hoa.

Vào dịp giao thừa Tết Nguyên đán, các TP trực thuộc trung ương và tỉnh Thừa Thiên Huế được đốt pháo hoa nổ tầm cao và tầm thấp, thời lượng không quá 15 phút. Các tỉnh còn lại được đốt pháo hoa nổ tầm thấp không quá 15 phút.

Ngày Quốc khánh, các TP trực thuộc trung ương và tỉnh Thừa Thiên Huế được đốt pháo hoa nổ tầm cao và tầm thấp. Ngày giỗ Tổ Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ được đốt pháo hoa nổ tầm thấp không quá 15 phút ở khu vực đền Hùng.

Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên được đốt pháo hoa nổ tầm thấp không quá 15 phút ở TP Điện Biên Phủ...

Ngoài ra còn có các dịp được bắn pháo hoa như: kỷ niệm ngày giải phóng, thành lập các tỉnh, TP trực thuộc trung ương; sự kiện văn hóa, du lịch, thể thao mang tính quốc gia, quốc tế; trường hợp khác do Thủ tướng quyết định.

Nghị định hiện hành nêu 4 hành vi chung nhất bị nghiêm cấm, nghị định 137 đã quy định cụ thể hơn với 9 hành vi bị nghiêm cấm trong sử dụng pháo.

Trong đó có nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ; trao đổi pháo hoa nổ hoặc thuốc pháo để sản xuất pháo trái phép; giao pháo hoa nổ cho tổ chức, cá nhân không đủ điều kiện theo quy định; hướng dẫn, huấn luyện cách thức chế tạo, sản xuất, sử dụng trái phép pháo dưới mọi hình thức...

Cẩn thận kẻo... hiểu nhầm nghị định

Nghị định với nhiều điểm mới đã tạo ra sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Có rất nhiều người ủng hộ vì cho rằng đây là nhu cầu thực tế của người dân, nhưng cũng có ý kiến lo ngại về nguy cơ cháy nổ, ô nhiễm, an ninh trật tự.

Đáng chú ý, có không ít người đang hiểu lầm thành sẽ được đốt tất cả các loại pháo hoa, "mùi thuốc pháo đã trở lại" trong dịp lễ, tết. Cùng với đó, nhiều người còn băn khoăn muốn đốt pháo hoa trong dịp sinh nhật có phải đăng ký với chính quyền?

Anh Nguyễn Minh Thái (Tân Yên, Bắc Giang) thể hiện sự vui mừng khi hiểu rằng những loại pháo hoa đang bị cấm đốt sẽ được phép sử dụng sau khi nghị định có hiệu lực: "Tôi hoàn toàn ủng hộ chủ trương này vì thực tế có cấm thì lâu nay trong dịp tết hay đám cưới nhiều nơi người dân vẫn đốt.

Cứ cuối năm thì người dân lại mua pháo lậu để đốt tràn lan khi giao thừa. Ở quê tôi chính quyền còn đặt ra quy định mỗi gia đình trước khi chuẩn bị đám cưới phải đóng trước 2 triệu đồng để đảm bảo không đốt pháo thì được trả lại. Thế nhưng họ vẫn chấp nhận "nộp phạt trước" để được đốt pháo".

Còn anh Lê Hoàng Long (26 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) tỏ ra băn khoăn việc cho phép người dân đốt pháo hoa trong dịp sinh nhật, cưới hỏi sẽ gây ra nhiều tiêu cực đối với xã hội.

Theo anh Long, những năm gần đây người dân không được phép đốt pháo hoa nhưng vào dịp tết ở nhiều TP, vùng quê hiện tượng này vẫn diễn ra tự phát.

"Bây giờ Chính phủ cho phép người dân đốt pháo hoa với những loại nhất định hay loại nào cũng được đốt? Nếu người dân được phép đốt pháo hoa thì có thể sẽ gây nên nhiều vụ tai nạn đáng tiếc như bị thương, cháy, nổ, tiếng ồn...

Sẽ có một bộ phận người dân có suy nghĩ trong lễ cưới, tiệc sinh nhật... nhất định phải có pháo hoa để thể hiện sự sang trọng, "đẳng cấp", điều này gây lãng phí nhiều tiền bạc.

Và công tác quản lý cũng đặt ra nhiều lo ngại như muốn đốt pháo hoa thì có phải đăng ký trước với chính quyền?" - anh Long nói.

Theo định nghĩa tại Nghị định 137/2020 - Đồ họa: TUẤN ANH

Nên quy định không gian và thời gian đốt pháo hoa

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc bày tỏ sự đồng tình với quy định người dân được đốt pháo hoa. Ông Quốc cho rằng pháo hoa tồn tại từ muôn đời, nên việc "đốt pháo hoa là rất bình thường".

Thời kỳ sau chiến tranh do công tác quản lý chưa tốt, kể cả về vật liệu sản xuất pháo hoa cũng như ý thức của con người, dẫn đến việc chúng ta sử dụng những chất nổ quân dụng gây ra nhiều hệ lụy nên có quy định cấm.

"Thực ra giữa văn hóa và cái ta gọi là phản văn hóa thì nó chỉ là một ranh giới, mà ranh giới này quyết định ở ý thức của con người và năng lực quản lý xã hội. Cho nên không thể vì một lý do liên quan đến ý thức của con người và năng lực quản lý xã hội ở thời điểm nào đó mà chúng ta thủ tiêu văn hóa ấy", ông Quốc phân tích.

Theo ông Quốc, thời đại nào cũng có thể xảy ra những sự cố như rất nhiều nước bị nổ kho pháo hoa hay kể cả nổ kho vũ khí cũng có thể xảy ra, nhưng người ta phải chấp nhận.

"Nếu một số người còn băn khoăn, lo lắng về những nguy cơ này thì tôi cũng rất chia sẻ, nhưng mình phải tin tưởng vào việc tăng cường quản lý xã hội và giáo dục ý thức người dân, có chế tài mạnh hơn với những vi phạm" - ông nói.

Tuy nhiên ông Quốc cũng cho rằng việc cho phép đốt pháo hoa trong các dịp lễ, sinh nhật, cưới hỏi phải đi kèm theo các điều kiện như đốt ở đâu, lúc nào, ở không gian nào, bao nhiêu phút và người đốt phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình.

"Các nước phát triển họ cũng đã cho phép người dân đốt pháo hoa, nên mình phải học hỏi cái hay của họ.

Trong quá trình thực hiện cơ quan chức năng sẽ điều chỉnh dần để quy định này hợp lý hơn. Tôi cho rằng các cơ quan có trách nhiệm phải xây dựng những quy định kèm theo về vấn đề này, tức là chấp nhận cho người dân đốt pháo hoa khi có điều kiện đảm bảo an toàn" - ông nói.  

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật