Nữ sinh mồ côi “gieo chữ” tại lớp học “0 đồng”

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Phan Thị Phương - nữ sinh trường Y có hoàn cảnh khó khăn đang dành một phần tuổi trẻ của mình để đi dạy miễn phí cho học sinh nghèo.
Nữ sinh mồ côi “gieo chữ” tại lớp học “0 đồng”
Phan Thị Phương trực tiếp kèm cặp những em học sinh yếu hơn. Ảnh: Hoài Anh

Xem Video: VIỆC TỬ TẾ - LỚP HỌC YÊU THƯƠNG CỦA NỮ SINH

//

Lớp học nhà văn hoá

Chiều thứ 6 hàng tuần, sau khi kết thúc tiết học cuối cùng tại Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam, Phan Thị Phương (sinh viên năm 2, ngành Y đa khoa) lại ra bến bắt xe về thôn Đoài (thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì, Hà Nội). Quá quen mặt Phương, nhiều người còn nghĩ rằng đây là quê ngoại của em, nhưng thực chất, đây lại là nơi cô sinh viên trường Y “bập bẹ” học làm giáo viên dạy Hoá.

Lớp học mà Phương đứng lớp nằm trong nhà văn hoá thôn Đoài. 3 dãy bàn ghế gỗ cũ kĩ, có cái bị cập kênh phải lót vài tờ giấy nháp gấp nhỏ, chiếc bảng xanh đã mờ dòng kẻ, chiếc quạt trần quay lờ đờ... tất cả sự “cũ kỹ” này chẳng thể làm giảm bớt sự sôi nổi trong lớp học của 10 cô trò.

Phương đến với lớp một cách rất tình cờ. Đó là khi nghe bạn thân cùng phòng ký túc kể về lớp học nhà văn hóa mà bạn đã gắn bó ba năm cấp ba. “Nhờ lớp học miễn phí này mà con đường vào trường Y của bạn đã bớt gập ghềnh hơn. Bởi vậy, sau khi đỗ đại học, cứ cuối tuần là bạn quay về lớp học nhà văn hóa này để giảng dạy cho các em học sinh nghèo. Cảm phục trước ý chí đó của bạn và bản thân em cũng mong muốn làm được điều gì đó có ích cho những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, nên em đã quyết định tham gia dạy miễn phí sau khi về quê cùng bạn” - Phương tâm sự.

Nhớ lại ngày đầu đứng lớp, Phương “run” hơn cả đi thi đại học. Khi đứng trên bục giảng, em nói nhỏ, thậm chí là ấp úng, vấp và đôi khi còn bấm máy tính nhầm. Thế nhưng sau đó, vào những buổi tối các ngày trong tuần, khi học xong các môn học của mình, Phương lại dành chút thời gian hiếm hoi cuối ngày soạn vào lên giáo án, tìm đề và in đề cho học sinh. Đồng thời, để kỹ năng truyền đạt hiệu quả hơn, Phương đã xem những video giảng bài giảng trên mạng, hay YouTube của những thầy giáo dạy trực tuyến nổi tiếng để bỗ trợ vào bài giảng của mình sao cho hiệu quả.

Phương chia sẻ thật: “Với những kiến thức Hóa học, em rất tự tin. Tuy nhiên, điều em lo lắng chính là kĩ năng truyền đạt của mình đến với các em. Bởi em không có nghiệp vụ sư phạm, thêm vào đó cách dạy không thu hút sẽ khiến các em nhàm chán, không hài lòng”.

Thế nhưng, những ngày sau đó, nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng, khoảng cách giữa cô trò được kéo gần lại, mọi bỡ ngỡ ban đầu đã biến mất lúc nào không hay. Học sinh của Phương trải lòng với Phương nhiều hơn và tự tin tranh luận về cách giải đề. Đặc biệt, có rất nhiều em tiến bộ trông thấy, đêm về nhắn tin cho Phương hỏi bài.

“Chỉ một tin nhắn chúc ngủ ngon giữa đêm muộn sau khi hai cô trò giảng bài với nhau qua điện thoại cũng khiến em vui cả tuần” - Phương trải lòng.

Phan Thị Phương giảng dạy tại lớp học “0 đồng“. Ảnh: Hoài Anh

Cô giáo áo phông

Đến với lớp bằng trái tim chân thành và lòng nhiệt huyết, bởi vậy Phương luôn cố gắng để không có khoảng cách giữa cô và trò. Không chỉ truyền đạt kiến thức mà Phương luôn lắng nghe những tâm tư của các em để hiểu hơn về cuộc sống, hoàn cảnh của từng học sinh.

Phương luôn nghĩ rằng khi dạy phải ra dáng là một giáo viên, nhưng khi lắng nghe phải ra dáng một người bạn. Kết thúc mỗi tiết học, Phương không về nhà ngay mà chọn cách ở lại để trò chuyện thêm với học sinh của mình.

“Các em đến với lớp học nhà văn hóa đều rất ngoan hiền, nên không khó để có thể làm thân với các em. Thế nhưng để có thể thật sự hiểu, gần gũi với các em thì cần thực sự lắng nghe. Do khoảng cách về tuổi tác không lớn nên em và các bạn học sinh không khó nói chuyện. Thậm chí, có những chuyện mà các em không nói được với bố mẹ lại nói được với em. Từ đó, em có thể đưa ra lời khuyên cho học sinh của mình” - Phương nói.

Nhờ sự tận tâm, Phương nhận được nhiều sự yêu mến của học trò. Khi được hỏi về cô giáo của mình, Phùng Thị Ngọc Ánh - học sinh lớp 12A5, trường THPT Quảng Oai - tỏ vẻ hãnh diện như sắp được nói về thần tượng. “Cô Phương rất nhiệt tình. Cô giải thích cặn kẽ từng câu cho bọn em rồi kèm cặp cho bọn em. Cô cũng truyền cảm hứng giúp bọn em chăm học hơn và biết ước mơ. Đối với em, cô như một người chị, một người bạn thân mà em mong được gặp mỗi thứ 7” - Ngọc Ánh nói.

Ngọc Ánh gọi cô Phương là “cô giáo áo phông” bởi cô luôn cột tóc cao, đi giày thể thao, mặc áo phông, quần jean - khác hẳn với những cô giáo của Ánh trong suốt 12 năm qua. Hình ảnh cô Phương kiễng chân viết những dòng chữ sát mép bảng xanh khiến Ánh xúc động. Ánh luôn tự hỏi tại sao một người có thâ‌n hìn‌h nhỏ bé và chiều cao khiêm tốn nhưng lại có thể chứa đựng một tấm lòng bao la đến vậy.

Lớp học tại Nhà văn hoá thôn Đoài (thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì, TP.Hà Nội). Ảnh: Hoài Anh

Mẹ bỏ đi từ lúc 17 tháng tuổi, bố mất từ năm lớp 3

Suốt khoảng thời gian đi dạy, Phương kể cho học sinh của mình nghe về thời sinh viên, về những người thú vị mà Phương gặp trong đời, nhưng em lại chưa từng kể về những khó khăn, vất vả của em.

Phương quê ở xã Sen Phương (huyện Phúc Thọ, Hà Nội). Nhà Phương nghèo, mẹ bỏ đi khi em mới 17 tháng tuổi, không lâu sau đó bố mất vì bệnh nặng. Phương sống nhờ ông bà nội và chú thím.

Tuổi thơ thiếu vắng tình thương của cha mẹ, bù lại đó là tình thương vô bờ bến của bà nội. Nhưng sau đó, khi em lên lớp 6, bà nội cũng qua đời vì căn bệnh tim.

“Mỗi lần nhớ bà, em lại nhớ đến cảnh cơn đau tim giày vò bà trước lúc mất theo lời mọi người kể lại. Em cảm giác được bà đã phải đau đớn như thế nào trước lúc mất. Từ đó, em có ước mơ sẽ trở thành một bác sĩ để có thể khám, chữa bệnh cho nhiều người” - Phương tâm sự.

Bởi cuộc sống thiếu thốn tình thương của cha mẹ, nên Phương càng hiểu được giá trị của sự nỗ lực, phấn đấu như thế nào. Dẫu có khó khăn, nhưng Phương vẫn luôn nở nụ cười. “Em muốn muốn mọi người xung quanh được nhận năng lượng tích cực từ em, nhất là những học sinh của em. Vậy nên, em chưa khi nào nói về những khó khăn vất vả của bản thân mình. Chuyện mẹ bỏ đi, rồi chuyện bà mất, bố mất, nó là nỗi đau nhưng tất cả cũng đã qua rồi. Giờ đó chỉ còn là động lực để em cố gắng hơn nữa mà thôi” - Phương nói.

Hiện tại, ngoài thời gian đi học, Phương thường đi dạy thêm và đi bán hàng để trang trải cuộc sống. Khi được hỏi về lý do quyết định đi dạy học miễn phí vào cuối tuần mà không dành thời gian đó để kiếm tiền, Phương đáp: “Em thấy học sinh ở đây hầu hết không có điều kiện đi học thêm, giống như em ngày xưa, vậy nên em rất đồng cảm. Có nhiều học sinh học rất tốt, nhưng vì hoàn cảnh khó khăn không thể đi học thêm, cơ hội vào một trường đại học tốt cũng bị thu hẹp lại. Bởi vậy, em luôn cố gắng thu xếp việc học, làm thêm của mình vào những ngày trong tuần để cuối tuần có thể về dạy các em”.

Con đường đến với cánh cổng trường Y của Phương rất đỗi gian nan.Nhưng bằng tình yêu, đam mê, Phương đã dành hết tâm huyết để chinh phục. “Dẫu sau này khi chú thím em không thể hỗ trợ tiền học giúp em và thời gian học bận quá không thể đi làm thêm để lấy tiền đóng học phí thì em sẽ xin bảo lưu kết quả, đi làm kiếm đủ tiền rồi xin trường quay trở về học” - Phương tâm sự.

Nhiều người nói, bản thân phải giàu mới có thể đi giúp đỡ người khác, tuy nhiên, Phương không nghĩ vậy. Và em đang chứng minh cho mọi người điều ngược lại bằng chính hành động của mình.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật