Gia cảnh của thầy giáo dạy giỏi sau vụ án tai nạn giao thông

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Là giáo viên giỏi cấp tỉnh với nhiều hoài bão, anh Hoàng Bá Dũng, 42 tuổi, phải sống đời thực vật sau khi bị ôtô đâm.
Gia cảnh của thầy giáo dạy giỏi sau vụ án tai nạn giao thông
Thầy Dũng thời điểm chưa bị tai nạn. Ảnh: Hùng Lê

tai nạn xảy ra tối 21/5/2017 trên quốc lộ 1A, đoạn qua xã Thạch Trung, thành phố Hà Tĩnh khi thầy giáo Dũng, trường THPT Lê Quý Đôn, huyện Thạch Hà, trên đường đi dạy thêm về. Cú tông khiến anh bị dập não gây di chứng sống kiểu thực vật, tổn hại sức khỏe 100%.

Tài xế gây tai nạn là Đoàn Công Đức, 58 tuổi, trú phường Đức Thuận, thị xã Hồng Lĩnh, bị khởi tố về tội Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, theo khoản 2 điều 202 Bộ luật Hình Sự 1999. Thời điểm gây án, ông Đức uống rượu bia, hơi thở có nồng độ cồn 0,879 mg/lít khí thở.

Tại phiên xử sơ thẩm cuối năm 2018, ông Đức bị TAND thành phố Hà Tĩnh phạt 3 năm tù. Phiên phúc thẩm mở đầu năm 2019, tài xế được giảm một năm tù.

Vụ tai nạn khiến cuộc sống gia đình anh đảo lộn thời gian dài. 6 tháng đầu sau vụ tai nạn, người vợ Nguyễn Thị Thủy (39 tuổi) xin nghỉ việc để chăm sóc chồng tại nhiều bệnh viện ở Hà Nội. Cuối năm 2017, sau nhiều ca mổ, gia đình đưa anh về bệnh viện phục hồi chức năng Hà Tĩnh điều trị.

Trước khi xảy ra biến cố, anh Dũng là giáo viên dạy Toán giỏi của tỉnh, nhiều năm được tặng bằng khen vì thành tích xuất sắc công tác. Anh luôn kín lịch công tác khi được nhiều trường THPT trên địa bàn mời dạy thêm, bồi dưỡng học sinh giỏi. Vợ chồng ở nhờ gia đình nhà chị Thủy tại huyện Thạch Hà. Sau nhiều năm tích cóp anh chị mua được miếng đất rộng 160 m2 ở phường Thạch Linh, thành phố Hà Tĩnh cùng chiếc ôtô. Kế hoạch xây nhà chưa kịp thực hiện thì tai nạn xảy ra.

Khi biết chị Thủy bán ôtô để lo chi phí cho chồng, một người bác đang làm việc trong miền Nam đã trả tiền mua, nhưng cho chị dùng để thỉnh thoảng chở chồng đi bệnh viện. Đến Tết khi về quê, ông mới sử dụng xe. Đến nay, kinh phí điều trị cho anh Dũng hết hơn 2 tỷ đồng, song chị mới trả được khoảng một tỷ đồng, còn lại xin khất nợ.

"Hai năm trước, có thời điểm một ngày tôi nộp hơn 60 triệu đồng tiền thuốc", chị Thủy nói. Hiện anh Dũng bị tắc dây dẫn não khiến dịch ứ, phải đặt ống dẫn lưu từ đầu xuống bụng. Anh chỉ ăn được cháo xay. Mỗi hai tháng lại một đợt điều trị thuốc hết 10 triệu đồng. Lúc bệnh trở nặng, gia đình đưa anh ra Hà Nội thăm khám. Mẹ chồng chuyển về ở với chị để cùng hợp sức hỗ trợ, lo cho con và cháu.

Giữa năm 2018, biết anh lâm bệnh nặng, một học trò cũ đã cùng bố vận động nhiều bạn bè khác giúp vợ chồng anh Dũng xây căn nhà mái bằng khoảng 100 m2 trên mảnh đất ở phường Thạch Linh. Chị Thủy nhiều lần gặng hỏi về số tiền xây nhà nhưng các trò cũ đều bảo "đừng bận tâm, hãy cố chăm chồng".

Dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo, đông học trò, đồng nghiệp tới thăm hỏi, động viên, chị Thủy đều nói với chồng "mọi người đến chúc mừng ngày lễ của anh kìa" dù biết anh không cảm nhận được gì. Ngày 20/11 năm nay con gái đầu đang học lớp 5 cùng con trai 5 tuổi mang một bó hoa đến bên xe lăn "mừng ngày của bố", cùng đọc bức thư với nội dung: "Bố ơi, con được cô khen viết đẹp và học tiếng Anh giỏi, được làm quản ca nữa. Con với em đang mong bố tỉnh, khi nào khỏe nhớ đưa con đi chơi bố nhé. Con hứa với bố sẽ học giỏi, giúp đỡ và ngoan, không làm phiền bố đâu".

Thầy Dũng (bên trái) sau tai nạn. Mọi sinh hoạt phải nhờ đến sự chăm sóc của vợ và mẹ ruột. Ảnh: Đức Hùng

"Động lực để tôi vượt qua tất cả để chăm chồng cùng hai con chính là niềm tin. Thỉnh thoảng tôi ghé tai anh thì thầm: Em tin một ngày anh sẽ tỉnh. Vì em, vì hai con của chúng ta", chị Thủy nói.

Theo phán quyết phúc thẩm, tài xế gây tai nạn phải bồi thường 807 triệu đồng, trợ cấp chi phí chăm sóc đến khi nạn nhân hồi phục hoặc chết. "Hiện gia đình tôi mới nhận gần 270 triệu đồng", chị Thủy nói và cho hay đã viết đơn kêu cứu, nhiều lần đến các cơ quan thi hành án ở Hà Tĩnh hỏi tiến độ xử lý.

Ông Đinh Thế Tài, Chi cục trưởng Thi hành án dân sự thị xã Hồng Lĩnh nói việc thi hành án chậm do nguyên nhân khách quan. Hiện, ông Đức không có tài sản riêng, ngôi nhà đang ở đã thế chấp ngân hàng hơn 200 triệu đồng, vợ thương tật không thể lao động, phải nuôi thêm bố 80 tuổi.

Biết ông Đức ra tù gần một tháng nay, đơn vị cử cán bộ đến gặp gỡ, động viên cố gắng kiếm công việc làm ăn để bồi thường cho bị hại. Theo quy định, 10 ngày sau khi bản án có hiệu lực, bị cáo bắt buộc phải thi hành, nếu không thực hiện thì phải cưỡng chế thu hồi tài sản theo quy định. Tuy nhiên, trường hợp này không có tài sản để cưỡng chế.

Sau nhiều cuộc họp, nhà chức trách thống nhất đưa vụ án này vào diện án chưa có điều kiện thi hành. "Nếu không hoàn thành thi hành án theo thỏa thuận dân sự mà tòa tuyên, ông Đức sẽ không được xóa án tích", ông Tài nói.

Vụ án tai nạn này từng được đưa ra chất vấn tại kỳ họp của HĐND tỉnh Hà Tĩnh hồi tháng 12/2019. Lúc đó, đại biểu băn khoăn tại sao với tính chất phạm tội nghiêm trọng vì sao bị cáo lại được giảm án tù. Ông Nguyễn Văn Thắng, Chánh án TAND tỉnh Hà Tĩnh, giải thích "trường hợp này phải bồi thường hàng trăm triệu đồng cho bị hại, xử án tù giam nhiều thì việc thi hành án rất khó khăn".

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật