57% cư dân có kháng thể, khu ổ chuột Mumbai đạt miễn dịch cộng đồng?

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Một nghiên cứu trên 7.000 mẫu máu cho thấy 57% cư dân sống tại các khu ổ chuột ở thành phố Mumbai (Ấn Độ) có kháng thể đối với chủng virus corona gây ra dịch Covid-19.
57% cư dân có kháng thể, khu ổ chuột Mumbai đạt miễn dịch cộng đồng?
Các khu ổ chuột tại Mumbai có tỷ lệ miễn dịch cao nhất thế giới. Ảnh: CNN.

Chính quyền thành phố Mumbai và viện Nghiên cứu Tata đã tiến hành nghiên cứu này hồi tháng trước. Kết quả chỉ ra rằng các khu ổ chuột tại Mumbai có tỷ lệ miễn dịch cao nhất thế giới.

Theo báo cáo được công bố hôm 30/7, khoảng 57% cư dân của các khu ổ chuột có kháng thể Covid-19 trong máu. Đây cũng là số liệu đáp ứng tiêu chí miễn dịch cộng đồng từng được đưa ra trước đó.

Dù vậy, các nhà khoa học vẫn chưa biết tình trạng miễn dịch cộng đồng có hiệu quả như thế nào và trong bao lâu. Do đó, họ vẫn tranh cãi về khả năng miễn dịch mà không cần vaccine của các khu ổ chuột tại Mumbai.

Chủ tịch Ủy ban Cố vấn Khoa học thuộc viện dịch tễ học Quốc gia Ấn Độ, ông Jayaprakash Muliyi chia sẻ với Bloomberg: “Các khu vực này có thể đã đạt trạng thái miễn dịch cộng đồng. Nếu người dân muốn một nơi an toàn khỏi dịch bệnh, hãy đến các khu ổ chuột”.

Nhiều chuyên gia y tế tỏ ra thận trọng hơn. Giáo sư David Dowdy tại viện Y tế Cộng đồng Johns Hopkins Bloomberg nhận định các xét nghiệm kháng thể có thể cho kết quả dương tính giả.

Ông Om Shrivastav, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Mumbai, cảnh báo vẫn còn quá sớm để đưa ra bất kỳ “tuyên bố mang tính kết luận nào”.

Tính đến ngày 14/8, Ấn Độ ghi nhận gần 2,5 triệu ca nhiễm và 48.177 ca t‌ử von‌g vì Covid-19. Trên toàn quốc, thành phố đông dân Mumbai luôn dẫn đầu về số liệu dịch tễ.

Miễn dịch cộng đồng là gì?

Giả sử một bệnh nhân có thể lan truyền mầm bệnh cho 3 người khác. Trong số đó, nếu 2 người có kháng thể thì chỉ có 1 người bị nhiễm bệnh. Thuyết miễn dịch cộng đồng (Herd Immunity) tin rằng dịch bệnh sẽ ngừng lây lan khi phần lớn cộng đồng có kháng thể trong máu, tức tỷ lệ miễn dịch cao.

Đối với đại dịch Covid-19, giới khoa học vẫn chưa tìm ra tỷ lệ đạt trạng thái miễn dịch cộng đồng. Ban đầu, nhiều nhà nghiên cứu phỏng đoán tỷ lệ này nằm trong khoảng 70% đến 90% dân số.

Tính đến ngày 14/8, Ấn Độ ghi nhận gần 2,5 triệu ca nhiễm và 48.177 ca t‌ử von‌g vì Covid-19. Ảnh: AP.

Giáo sư toán học thống kê Adam Kleckowski của Đại học Strathclyde (Anh) thì dự đoán đại dịch sẽ được ngăn chặn nếu 50% đến 75% người dân có kháng thể trong máu.

Có hai cách để nâng cao khả năng miễn dịch cộng đồng: tiêm vaccine hoặc phát triển kháng thể tự nhiên sau khi nhiễm bệnh. Đây cũng là vấn đề gây tranh cãi tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Không phải lựa chọn chiến lược

Khi Covid-19 mới khởi phát, nhiều quan chức Anh muốn để virus corona lây lan nhằm xây dựng miễn dịch cộng đồng. Cách tiếp cận này đã nhận về nhiều chỉ trích khi gây ra nhiều ca t‌ử von‌g và khiến hệ thống chăm sóc sức khỏe quá tải.

Dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins cho biết Anh là quốc gia có tỷ lệ t‌ử von‌g cao nhất trên thế giới với 69,93 ca t‌ử von‌g trên 100.000 người.

Hầu hết các nước khác, bao gồm Ấn Độ, đều khá “dè dặt” khi bàn về thuyết miễn dịch cộng đồng. Một quan chức y tế của nước này, ông Rajesh Bhushan, khẳng định: “Miễn dịch cộng đồng không phải là sự lựa chọn chiến lược cho một quốc gia đông dân như Ấn Độ. Cái giá phải trả là quá đắt”.

Giáo sư David Dowdy giải thích: “Nếu Ấn Độ khuyến khích người dân nhiễm bệnh để đạt trạng thái miễn dịch cộng đồng, hàng triệu người sẽ phải hy sinh trong quá trình này”.

Thậm chí trạng thái miễn dịch cộng đồng cũng không thể duy trì lâu tại một số khu vực nhất định như khu ổ chuột ở Mumbai. Giáo sư toán học thống kê Adam Kleckowski cho biết virus có thể biến chủng, khiến những người từng miễn dịch không còn miễn nhiễm.

Ngoài ra, thời gian duy trì trạng thái miễn dịch cộng đồng còn phụ thuộc vào tần suất di chuyển trong cộng đồng. Những người mới đến và không có kháng thể sẽ khiến tỷ lệ miễn dịch giảm, gây nguy cơ tái lây lan virus.

dịch bệnh có thể tái phát nếu người dân từ chối tiêm vaccine. Ảnh: AP.

Về đại dịch Covid-19, ông Adam Kleckowski khẳng định SARS-CoV-2 sẽ còn tồn tại trong vòng 10 năm nữa. Dù một số khu vực đạt trạng thái miễn dịch cộng đồng, virus corona vẫn có thể tái phát, nhất là khi người dân từ chối tiêm vaccine.

Dù con người đã điều chế ra nhiều loại vaccine, ông Kleckowski cho biết chỉ có bệnh đậu mùa được ngăn chặn hoàn toàn nhờ chương trình tiêm chủng toàn cầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Song phân bổ vaccine đến khắp nơi trên thế giới là một nhiệm vụ tốn nhiều thời gian. Trên thực tế, bệnh đậu mùa chính thức bị xóa sổ vào năm 1979 dù vaccine được điều chế từ 100 năm trước đó.

Tính đến ngày 14/8, thế giới ghi nhận 21,1 triệu ca nhiễm và 758.014 ca t‌ử von‌g vì Covid-19, dẫn số liệu từ Worldometers.  

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật