Trung Quốc thuê hơn 100 kỹ sư TSMC sản xuất chip

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Các dự án chip do chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn đã tìm đến 100 cựu kỹ sư và nhà quản lý của TSMC nhờ hỗ trợ.
Trung Quốc thuê hơn 100 kỹ sư TSMC sản xuất chip
TSMC đang bị “chảy máu chất xám“. Ảnh: Bloomberg.

Động thái này nhằm giúp Bắc Kinh đạt mục tiêu thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn trong nước, giảm sự phụ thuộc của Trung Quốc vào các nhà cung cấp nước ngoài.

Quanxin Integrated Circuit Manufacturing (QXIC) và Wuhan Hongxin Semiconductor Manufacturing (HSMC) cùng các công ty con và doanh nghiệp liên kết đang thực hiện hai dự án phát triển chip xử lý trên tiến trình 14 nm và 12 nm. Đây là công nghệ đi sau TSMC từ hai đến ba thế hệ chip, nhưng vẫn tiên tiến nhất Trung Quốc hiện tại.

Trong hai dự án này, mỗi công ty sử dụng hơn 50 nhân viên cũ của TSMC. Đồng thời, cả QXIC và HSMC đều đang được dẫn dắt bởi các cựu giám đốc cấp cao của hãng gia công chip Đài Loan. Đây là những người có uy tín lâu năm trong ngành công nghiệp chip bán dẫn.

HSMC và QXIC được thành lập vào năm 2017 và 2019 tương ứng. Cả hai ra đời trong bối cảnh Trung Quốc thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn, ưu tiên tự cung cấp ở các mảng công nghệ quan trọng. Đây cũng là chiến lược nhằm giảm phụ thuộc vào công nghệ Mỹ khi cả hai quốc gia rơi vào vòng xoáy chiến tranh thương mại.

Trong khi đó, Semiconductor Manufacturing International (SEMI), một công ty sản xuất chip khác do Bắc Kinh hậu thuẫn, cũng vừa tăng chi tiêu vốn lần hai trong năm 2020 lên 6,7 tỷ USD. Bên cạnh đó, công ty cho biết sẽ xây nhà máy sản xuất bán dẫn liên doanh với Beijing Economic - Technological trị giá 7,6 tỷ USD. Development Area - khu công nghệ cao do Trung Quốc xây dựng - sẽ là nơi đặt nhà máy này, cũng như những nhà máy tương tự trong tương lai.

Một số báo cáo cho thấy, nhiều dự án liên quan đến bán dẫn của SEMI, HSMC hay QXIC đang được chính quyền địa phương hỗ trợ và tạo điều kiện phát triển, khiến những công ty khác "chảy máu chất xám".

Là công ty sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới, TSMC đang là mục tiêu để các dự án bán dẫn của Trung Quốc "hút" nhân tài. Công ty Đài Loan hiện gia công chip chính cho các tên tuổi công nghệ hàng đầu thế giới, gồm Apple, Huawei, Qualcomm và Google. Thậm chí, năng lực sản xuất của hãng đã vượt qua Intel - tên tuổi hàng đầu trong ngành.

"Hongxin đã đưa ra gói tài chính hấp dẫn, cao gấp 2 đến 2,5 lần tổng lương thưởng hàng năm của TSMC để lôi kéo nhân tài", một nguồn tin tiết lộ.

Một nguồn tin khác nói rằng, TSMC đã rất lo ngại về vấn đề "chảy máu chất xám", sợ các bí mật thương mại có thể bị chuyển ra bên ngoài. Để đối phó, công ty buộc nhân viên trước khi rời đi phải ký cam kết không bán bất kỳ thông tin nào cho các dự án tại Trung Quốc.

"Trung Quốc đang trở nên rất thông minh và bây giờ họ chỉ nhắm vào các nhân tài trong ngành, những người làm việc cho các doanh nghiệp bán dẫn hàng đầu. TSMC là mục tiêu đầu tiên", một tay "săn đầu người" lâu năm cho các công ty tại Đài Loan và Trung Quốc, tiết lộ.

Theo thống kê của Nikkei Asian Review, Đài Loan đã mất hơn 3.000 kỹ sư ở mảng chip. Hầu hết đã đầu quân cho các công ty Trung Quốc.

Thế nhưng TSMC không phải là mục tiêu duy nhất. "TSMC có thể không cảm thấy ’đau đớn’ ngay lập tức khi mất 100 nhân viên do quy mô lớn, nhưng các công ty về chip nhỏ hơn có thể sụp đổ nếu vài chục nhân viên rời đi", giám đốc điều hành của một công ty bán dẫn nói.

Cũng theo người này, các công ty Trung Quốc luôn thu hút được rất nhiều lao động nhờ vào tiềm lực tài chính lớn, được chính phủ hậu thuẫn và có nhiều gói ưu đãi cho nhân viên. "Bạn không thể mong đợi nhân viên của mình trung thành mãi mãi, nếu không đưa ra đủ ưu đãi và cơ hội cho họ", người này nhấn mạnh.

Dan Wang, nhà phân tích công nghệ của công ty nghiên cứu Gavekal Dragonomics, cho biết, các công ty chip Trung Quốc có thể thuê một lượng lớn các kỹ sư Đài Loan và Hàn Quốc, từ cấp cơ sở đến cấp điều hành. "Các công ty luôn đưa ra gói lương thưởng hậu hĩnh và cơ hội phát triển nghề nghiệp cho các kỹ sư, đủ để họ nghĩ rằng mình ít có cơ hội thăng tiến tại công ty cũ và rời đi", Wang giải thích.

Tuy vậy, không ít dự án của Trung Quốc kém hấp dẫn theo những cách riêng. Đầu tiên, việc hầu hết doanh nghiệp phải xây dựng lại chip từ đầu là thách thức. Theo các nhà quan sát thị trường và nhân vật cấp cao trong ngành bán dẫn, một công ty muốn thành công cần đòi hỏi yếu tố: nhân viên tài năng được bổ sung liên tục, kinh nghiệm dày dặn, hoạch định chính sách lâu dài và nguồn tài chính dồi dào.

Còn theo Roger Sheng, nhà phân tích chuyên mảng bán dẫn củaGartner, nhân tài về mảng chip của Trung Quốc vẫn đang cực kỳ thiếu vì nước này xây dựng nhiều dự án lớn cùng lúc. "Các dự án xây dựng chip tại Trung Quốc phải đấu tranh với nhau để tuyển dụng và đào tạo nhân tài, đặc biệt là trong lĩnh vực vi điện tử. Đây là công đoạn thực sự mất thời gian", Sheng nói. "Việc có được nhân tài là chưa đủ. Không phải chỉ cần thuê một số nhà lãnh đạo, sau đó đột nhiên bạn có thể xây dựng và vận hành các cơ sở chip tiên tiến".

Một số nguồn tin tiết lộ các dự án còn gặp vấn đề lớn về vốn dù được chính phủ hậu thuẫn, do không nhận đủ tài chính lập tức. HSMC gần đây đã phải tạm dừng dự án xây dựng nhà máy trị giá 18,4 tỷ USD để sản xuất chip 14nm vào 2022 do thiếu vốn. Ngoài ra, đại dịch Covid-19 cũng khiến tiến độ thực hiện các dự án chip của công ty Trung Quốc bị chậm trễ.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật