Bầu cử Tổng thống Mỹ 2024: Thành bại nằm ở 7 bang “chiến trường”

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Dù hơn 240 triệu người Mỹ đủ điều kiện bỏ phiếu, nhưng chỉ một số lượng tương đối nhỏ thực sự quyết định cuộc bầu cử năm nay. Các cử tri ở 7 bang dao động, còn gọi là các bang chiến trường nhiều khả năng sẽ đóng vai trò then chốt tới việc Phó Tổng thống Kamala Harris hay cựu Tổng thống Donald Trump tiếp quản Nhà Trắng.
Bầu cử Tổng thống Mỹ 2024: Thành bại nằm ở 7 bang “chiến trường”
Phó Tổng thống Kamala Harris và cựu Tổng thống Donald Trump chỉ còn chưa đầy 1 tháng để vận động cử tri Mỹ. Ảnh: CNN

Hơn 1,4 triệu cử tri Mỹ đã đi bỏ phiếu sớm

Dù tới ngày 5/11, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ mới chính thức bắt đầu nhưng đến cuối tuần qua, đã có hơn 1,4 triệu cử tri đi bỏ phiếu sớm, trong khi bà Kamala Harris và ông Donald Trump tiếp tục di chuyển khắp đất nước trong chặng cuối của chiến dịch tranh cử đầy gay cấn.

Theo những kết quả thăm dò mới nhất, bà Kamala Harris đạt được mức trung bình thăm dò toàn quốc cao nhất kể từ tháng 7 và nhỉnh hơn so với ông Donald Trump. Cụ thể, đương kim phó tổng thống giành được tỷ lệ ủng hộ 50% trong nhóm cử tri nhiều khả năng sẽ đi bỏ phiếu theo quả khảo sát toàn quốc do NPR/PBS News/Marist công bố ngày 5/10. Còn tỷ lệ của ông Trump là 48%.

Một cuộc thăm dò toàn quốc khác, do kênh truyền hình ABC News tiến hành, cũng cho thấy bà Harris dẫn trước ông Trump khoảng 2,5 điểm phần trăm. Thấp hơn một chút là khoảng cách 2 điểm phần trăm (49% so với 47%) mà ứng cử viên đảng Dân chủ Kamala Harris tạo được trước đối thủ đảng Cộng hòa Donald Trump trong cuộc khảo sát công bố hôm 6/10 của tờ New York Times.

Mặc dù các cuộc thăm dò toàn quốc này là hướng dẫn hữu ích về mức độ được ủng hộ của một ứng cử viên, nhưng không nhất thiết là công cụ chính xác để dự đoán kết quả của cuộc bầu cử. Đó là vì Mỹ sử dụng hệ thống đại cử tri đoàn, trong đó mỗi bang được trao một số phiếu đại cử tri đoàn gần đúng với quy mô dân số của bang đó. Tổng cộng có 538 phiếu đại cử tri đoàn, vì vậy một ứng cử viên cần đạt được 270 phiếu để giành chiến thắng.

Có 50 bang ở Mỹ nhưng vì hầu hết trong số đó gần như luôn bỏ phiếu cho cùng một đảng (chẳng hạn California và Massachusetts sẽ ủng hộ đảng Dân chủ trong khi Tennessee và Texas chắc chắn ủng hộ đảng Cộng hòa) nên trên thực tế chỉ có một số ít nơi mà cả hai ứng cử viên đều có cơ hội chiến thắng. Đây được gọi là các bang dao động hoặc các bang chiến trường và lá phiếu đại cử tri đoàn tại đây sẽ quyết định cán cân nghiêng về ứng cử viên nào.

Hiện có 7 bang chiến trường gồm: Pennsylvania (nơi có 19 phiếu đại cử tri), Georgia và Bắc Carolina (cùng 16 phiếu), Michigan (15 phiếu), Arizona (11 phiếu), Wisconsin (10 phiếu) và Nevada (6 phiếu). Và, cuộc đua tổng thống lúc này vẫn cực kỳ sít sao ở các bang kể trên.

Theo khảo sát của báo New York Times, bà Harris đang dẫn trước ông Trump ở 4 bang (Pennsylvania, Michigan, Wisconsin và Nevada) nhưng cách biệt không nơi nào vượt qua 2 điểm phần trăm. Ngoài ra, nếu tính theo số phiếu đại cử tri của các bang kể trên thì đương kim phó tổng thống chỉ vượt hơn cựu tổng thống 7 phiếu.

Bà Harris nhận được sự ủng hộ nhỉnh hơn ông Trump ở 4/7 bang chiến trường, nhưng chỉ dao động trong 2 điểm phần trăm.Ảnh: New York Times

Trong khi đó, kết quả tổng hợp các cuộc thăm dò khác nhau do Tạp chí Forbes thống kê cho thấy cách biệt còn thấp hơn nữa, khi bà Harris chỉ dẫn ông Trump vỏn vẹn 1 điểm phần trăm nếu tính tổng điểm ở cả 7 bang.

Dốc sức cho các bang chiến trường

Các chuyên gia kỳ cựu trong những chiến dịch tranh cử trước đây nhận định ở cuộc đua năm nay, các sự kiện chính trị lớn dường như có ít tác động đến vị thế của hai ứng cử viên. Hai vụ ám sát ông Trump, một cuộc tranh luận giữa tổng thống và phó tổng thống và các đại hội đảng đã mang lại cho cả ông Trump và bà Harris sự ủng hộ nhất định, nhưng không tạo ra nhiều khác biệt so với ban đầu.

Ralph Reed, một nhà hoạt động xã hội ở Georgia, người đang giúp vận động cử tri ủng hộ chiến dịch tranh cử của cựu Tổng thống Donald Trump, cho biết ông không thể nhớ lại một cuộc đua nào kể từ năm 2000 mà có quá nhiều bang chứng kiến sự ủng hộ gần như ngang bằng nhau vào giai đoạn cuối của chiến dịch như thế này.

Và, tương quan so sánh ấy càng khẳng định, năm nay sự thay đổi có thể chỉ tính bằng vài nghìn phiếu bầu ở những bang chiến trường. “Ở các bang chiến trường, cuộc đua sẽ giống như chiến tranh chiến hào trong Thế chiến thứ nhất”, ông Reed nói. “Mọi người đều đào hào. Mọi người đều ném lựu đạn và bắn súng máy vào nhau”.

Áp lực cạnh tranh khốc liệt dẫn đến tình trạng chi tiêu ồ ạt của cả hai đối thủ, đặc biệt là ở 7 bang chiến trường Georgia, Arizona, Nevada, Bắc Carolina, Wisconsin, Michigan và Pennsylvania. Theo AdImpact, một công ty theo dõi phương tiện truyền thông, hơn 675 triệu USD đã được cả hai đối thủ chi ra cho thời gian quảng cáo trên truyền hình và kỹ thuật số kể từ ngày 1/9.

Ủy ban tranh cử của bà Harris đã chi nhiều hơn ông Trump về quảng cáo ở mỗi bang trong số 7 bang chiến trường. Các tổ chức bên thứ ba của đảng Dân chủ cũng chi nhiều hơn các đối tác của đảng Cộng hòa ở cả 7 bang này. Nhưng, đảng Cộng hòa đang gửi quá nhiều thư trực tiếp tới rất nhiều người đến nỗi ngay cả đảng Dân chủ ở các bang quan trọng cũng báo cáo rằng họ nhận được rất nhiều tài liệu chỉ trích bà Harris và ca ngợi ông Trump là người bảo vệ quyền lợi an sinh xã hội.

Ngày 5/11 cuộc bầu cử tổng thống Mỹ mới bắt đầu nhưng hơn 1,4 triệu cử tri đã đi bỏ phiếu sớm. Ảnh: Akron Beacon Journal

Mintt, một công ty theo dõi thư, phát hiện rằng vào tháng 9 năm nay, có tới 81% thư trực tiếp được gửi đi đều quảng bá cho ông Trump hoặc tấn công bà Harris. Vào tháng 8, sự mất cân bằng thậm chí còn nghiêm trọng hơn: 96% thư trực tiếp liên quan đến cuộc đua tổng thống đều được gửi bởi các nhóm Cộng hòa.

Nick Everhart, một cố vấn và người mua quảng cáo của đảng Cộng hòa toàn quốc, cho biết: “Các hoạt động quảng cáo và những cuộc vận động trên thực địa đang tràn ngập tất cả các bang chiến trường để tìm ra hàng nghìn cử tri sẽ quyết định người chiến thắng. Mỗi tuần, mỗi ngày, mỗi phút, mỗi giây đều quan trọng khi một chiến dịch đang đến gần mà không có điểm uốn rõ ràng nào ở phía chân trời”.

Số cử tri chưa quyết định đi bỏ phiếu sẽ tạo ra khác biệt

Theo Jim Messina, một chiến lược gia Dân chủ đang làm việc để hỗ trợ bà Harris thông qua các nhóm đồng minh bên ngoài, chỉ có 4% cử tri của các bang chiến trường không biết họ sẽ bỏ phiếu như thế nào hoặc liệu họ có bỏ phiếu hay không. Vì thế, mục tiêu lớn nhất của cả hai ủy ban vận động tranh cử không phải là những người chưa quyết định ủng hộ ai, mà là những người còn phân vân về việc đi bỏ phiếu.

Một người ủng hộ ông Trump hào hứng chụp ảnh cùng hình nộm của ông trong sự kiện vận động tranh cử. Ảnh: Economic Times

Ủy ban tranh cử của bà Harris tin rằng họ đã xây dựng được một tổ chức có thể tiếp cận những cử tri này với hàng trăm người tổ chức vận động và hàng chục văn phòng trên khắp 7 tiểu bang chiến trường.

Các trợ lý của bà Harris cho biết có những khác biệt quan trọng giữa hoạt động của họ và chiến dịch của bà Hillary Clinton năm 2016. Trong khi hoạt động của bà Clinton cách đây 8 năm tập trung chủ yếu vào việc huy động cơ sở của đảng Dân chủ thì chiến dịch của bà Harris đang hoạt động tích cực hơn để cắt giảm biên độ của ông Trump ở các khu vực nông thôn và bảo thủ hơn.

Hoạt động thực địa của họ trải dài từ việc lôi kéo những người theo đảng Dân chủ trung thành đến thuyết phục những người theo đảng Cộng hòa ôn hòa từng ủng hộ ông Trump trong các cuộc đua trước đây nhưng không chấp thuận các bản cáo trạng, luận tội và hành vi chung của ông kể từ khi rời nhiệm sở.

“Ưu tiên số 1 của chúng tôi là đưa những người đôi khi phải quyết định có nên đến điểm bỏ phiếu vào ngày bầu cử hay không và đó sẽ là yếu tố thực sự quyết định đối với cuộc đua”, bà Alexandria Ocasio-Cortez, đảng viên Dân chủ của New York, cho biết sau một chặng dừng chân vận động tranh cử ở Wisconsin tuần trước.

Ngược lại, các phụ tá của ông Trump coi những sự kiện gần đây củng cố thông điệp chính trong chiến dịch của họ rằng bà Harris chưa chuẩn bị, yếu đuối và không có khả năng khôi phục lại cảm giác bình tĩnh mà chính quyền Tổng thống Biden đã hứa khi đắc cử 4 năm trước.

Đảng Cộng hòa cũng tin rằng điểm mạnh về kinh tế và nhập cư có thể giúp ứng cử viên của chiến thắng. Các cuộc khảo sát chỉ ra rằng đảng Cộng hòa vẫn nắm giữ lợi thế về các vấn đề kinh tế, ngay cả khi lạm phát chậm lại, giá xăng giảm và Cục Dự trữ Liên bang (Fed) cắt giảm lãi suất lần đầu tiên sau 4 năm. dư luận về vấn đề nhập cư cũng đang chuyển sang cánh hữu, khi nhiều người Mỹ cho biết họ ủng hộ các biện pháp thực thi cứng rắn hơn để trấn áp tình trạng nhập cư bất hợp pháp.

Chưa rõ lợi thế này có giúp ông Trump gom đủ số phiếu cần thiết hay không, cũng như chẳng thể dự đoán được các hoạt động rầm rộ mà đảng Dân chủ đang tiến hành ở những bang chiến trường sẽ có hiệu quả như thế nào. Và, cuộc đua chỉ có thể quyết định vào phút chót.

“Theo tôi, không có con đường tường xanh hay con đường phía Nam hay con đường phía Tây”, Dan Kanninen - giám đốc các bang chiến trường tại ủy ban vận động tranh cử của bà Kamala Harris cho biết. “Chúng tôi đang cạnh tranh để giành chiến thắng trong các cuộc đua sát nút ở cả 7 bang, bởi vì cuối cùng, tôi tin rằng bất kỳ bang nào trong số chúng cũng có thể là nơi tạo ra bước ngoặt quyết định”.

Nguồn Tin:
Tin liên quan: id: 15534
  1. Bầu cử Mỹ 2024: Sự trở lại lịch sử của ông Trump
  2. Hành trình trở lại Nhà Trắng đầy thuyết phục của cựu Tổng thống Donald Trump
  3. Ông Donald Trump đắc cử Tổng thống thứ 47 của Mỹ
  4. Kết quả bầu cử Mỹ 2024: Ông Trump đang lội ngược dòng ngoạn mục ở Pennsylvania, thắng liên tiếp tại hai bang chiến địa
  5. Bầu cử Tổng thống Mỹ: Ông Donald Trump giành 90 phiếu đại cử tri
  6. Bầu cử Mỹ: Đã có kết quả kiểm phiếu đầu tiên, ông Trump và bà Harris hòa nhau
  7. Hôm nay diễn ra bầu cử Tổng thống Mỹ lần thứ 47
  8. Cuộc mít tinh cuối cùng của ông Trump trước giờ G
  9. Bầu cử Mỹ: Con đường nào dẫn đến chiến thắng cho bà Harris và ông Trump?
  10. Nóng bỏng 7 bang chiến trường trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ
  11. Hành trình đặc biệt của người có thể trở thành nữ Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ
  12. Ông Trump, bà Harris “giành giật” cử tri ở bang chiến trường trước giờ “G”
  13. Bầu cử Mỹ 2024: Ông Donald Trump bất ngờ bị điều tra?
  14. Bầu cử Mỹ tác động thế nào đến các điểm nóng thế giới?
  15. Chiến lược đặc biệt của bà Harris trong chặng nước rút trước Ngày bầu cử
  16. Cử tri Mỹ chọn ông Trump, máy bỏ phiếu ghi nhận cho bà Harris
  17. Những kịch bản không ngờ trong bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  18. Mỹ: Các bang chiến trường ráo riết siết an ninh, tránh kịch bản bất ổn 2020
  19. Bà Harris đưa ra thông điệp đối đầu gay gắt với ông Trump
  20. Bà Harris ra thông điệp cuối gần khu vực xảy ra bạo loạn Điện Capitol
  21. Bầu cử tổng thống Mỹ: Bà Harris bị ông Trump bám đuổi sát nút
  22. Bầu cử Mỹ 2024: Bà Harris bận rộn ở Pennsylvania, ông Trump về New York - “thành trì” Dân chủ
Video và Bài nổi bật