Hoa hồng là loại hoa đa dạng về chủng loại, hình dáng, màu sắc, được mọi người ưa chuộng trồng làm cảnh giúp mang lại vẻ đẹp trang nhã, tươi tắn cho không gian sống. Hoa hồng còn mang lại mùi thơm thoang thoảng, rất thu giãn. Những người yêu làm vườn, yêu hoa chắc chắn không thể bỏ qua loại cây này.
Đa số các giống hoa hồng đều có khả năng sinh trưởng tốt. Cây có thể ra hoa liên tục quanh năm nếu biết cách chăm sóc.
Để hoa hồng phát triển tốt, cành to khỏe, mập mạp, ra hoa thường xuyên, bạn cần nhớ một nguyên tắc cơ bản, đó chính là bón phân thường xuyên, nhất là đối với những cây hoa hồng được trồng trong chậu.
Hoa hồng trong ngoài sân vườn thường hấp thụ nhiều dinh dưỡng từ đất nên sẽ phát triển tốt hơn. Trong khi đó, hoa hồng trồng trong chậu lại bị giới hạn về cả không gian phát triển lẫn lượng dinh dưỡng có sẵn trong đất.
Ngoài ra, nếu đất cạn dinh dưỡng, bị nén chặt thì bạn cũng nên thay đất mới, đổi sang chậu lớn hơn để cây phát triển tốt hơn.
Việc lựa chọn loại phân bón nào cho phù hợp với hoa hồng vốn không khó. Bạn có thể sử dụng các loại phân bón thông dụng như lân, kali, phân tan chậm, phân hữu cơ... Thậm chí có thể tự ủ phân từ rau củ quả thừa, vỏ trái cây, nước vo gạo để bón cho cây. Chỉ cần có dinh dưỡng, cây hoa hồng sẽ ra nhiều hoa, hoa nở to và đẹp hơn.
Khi trồng hoa hồng, ngoài việc bón phân, bạn cũng cần bổ sung nhiều nước cho cây, tránh để cây bị khô héo.
Ngoài việc bón phân, cây hoa hồng cũng cần nhiều nước để phát triển. Hãy thường xuyên tưới nước để giữ ẩm cho đất, đặc biệt là vào thời điểm thời tiết hanh khô hoặc nắng nóng. Lưu ý, nên chọn thời điểm tưới cây cho phù hợp. Một ngày có thể cưới nước 2 lần cho cây hoa hồng, chọn tưới vào lúc trời mát mẻ như sáng sớm hoặc buổi chiều khi trời tắt nắng.
Để cây hoa hồng phát triển, bạn còn cần đảm bảo cây có đủ ánh sáng. Hoa hồng ưa nắng nên nếu không có nắng, cành cây sẽ thưa và mảnh, cây cũng sẽ không ra nụ ra hoa. Nếu cây ra hoa thì hoa cũng nhỏ, nhạt màu, không đẹp mắt. Việc thiếu nắng cũng làm tăng nguy cơ cây bị sâu bệnh phá hoại.
Trong quá trình trồng, bạn cần tỉa cành lá cho cây thường xuyên. Nên cắt bỏ những cành thưa, mạnh, yếu hoặc bị sâu bệnh. Nếu cây quá rậm rạp thì việc tỉa cành cũng cần thiết, giúp đảm bảo cây có độ thông thoáng nhất định, hạn chế sâu bệnh, tập trung dinh dưỡng vào những cành khỏe, nụ khỏe. Sau mỗi đợt hoa tàn, bạn nên tỉa bớt những phần hoa héo, lá úa để cây chuẩn bị ra hoa đợt mới.