Theo đó, trong giai đoạn 2015-2023 có 330 doanh nghiệp bất động sản (DN BĐS) phát hành trái phiếu DN riêng lẻ tại thị trường trong nước với tổng giá trị phát hành hơn 726.335 tỷ đồng, kỳ hạn phát hành bình quân đạt 3,69% năm, lãi suất phát hành bình quân đạt 10,15%/năm. Dư nợ trái phiếu DN phát hành riêng lẻ của DN BĐS đến tháng 3/2024 là 350.876 tỷ đồng.
Cùng giai đoạn đó, có 4 DN BĐS đã phát hành trái phiếu DN riêng lẻ ra thị trường quốc tế với tổng khối lượng là 2,18 tỷ USD.
Số thu về thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng BĐS từ năm 2017 đến năm 2023 tăng qua các năm. Năm 2018 tăng 19,82%, năm 2019 tăng 11,44%, năm 2020 tăng 12,22%, năm 2021 tăng 30,4 % và cao nhất là năm 2022 với tỷ lệ tăng 64,34% so với số thu năm 2021. Bước sang năm 2023 do thị trường BĐS rất khó khăn, thiếu nguồn cung nhà ở đi liền với cơ cấu sản phẩm nhà ở không hợp lý… nên lượng giao dịch trên thị trường sụt giảm.
Cũng trong giai đoạn kể trên, Bộ Tài chính đã thanh tra tại 19 đơn vị có ngành nghề kinh doanh BĐS. Số tiền cơ quan thanh tra kiến nghị xử lý tài chính chủ yếu liên quan đến tiền sử dụng đất, kê khai nộp thiếu các loại thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân, xác định sai thuế suất ưu đãi…
Trong danh sách 13 DN có ngành nghề kinh doanh BĐS bị kiến nghị 1.182,8 tỷ đồng; trong đó kiến nghị nộp ngân sách nhà nước 255,7 tỷ đồng, xử lý tài chính khác là 999,8 tỷ đồng. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng kiến nghị đối với 6 DN kinh doanh BĐS được thanh tra trong lĩnh vực thanh tra hành chính.
Đối với việc thực hiện phát triển nhà ở xã hội (NOXH), Bộ Tài chính cho biết, nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền cho thuê đất được để lại toàn bộ cho ngân sách địa phương. Hiện nay kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đã được Chính phủ giao cho các bộ, ngành, địa phương. Theo quy định của Luật Đầu tư công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư là đơn vị chủ trì trong việc xây dựng kế hoạch đầu tư và tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền giao kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm cho các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương; do vậy, để bố trí nguồn vốn xây dựng NOXH và thực hiện chính sách NOXH nói chung; Bộ Tài chính chỉ phối hợp tham gia ý kiến với các đơn vị khi có yêu cầu.
Bộ Tài chính cho rằng để DN BĐS có thể hấp thụ các nguồn vốn mới, các vấn đề của thị trường phải được giải quyết một cách triệt để. Bên cạnh đó, ngoài các nguồn tài chính quen thuộc như tín dụng ngân hàng và trái phiếu DN, cần có các cơ chế, chính sách để phát triển, thu hút, đảm bảo vận hành hiệu quả các nguồn vốn từ các sản phẩm tài chính khác (quỹ đầu tư BĐS; quỹ tiết kiệm nhà ở, chứng khoán hóa BĐS...), hay kênh khác (đầu tư trực tiếp, gián tiếp nước ngoài). Đồng thời, các cơ quan chức năng bên cạnh việc bảo vệ nhà đầu tư cá nhân trên thị trường tài chính nhiều rủi ro, cần có những chính sách bảo vệ các DN BĐS làm ăn chân chính.
Đồng thời, để quản lý, giám sát chặt chẽ hoạt động của DN BĐS, đảm bảo năng lực tài chính phù hợp với việc triển khai các dự án được cấp phép để giảm thiểu rủi ro cho lĩnh vực kinh doanh BĐS cần nghiên cứu bổ sung các quy định khi thành lập DN BĐS sản hoặc cấp phép xây dựng, đầu tư các dự án BĐS, đảm bảo các DN phải đáp ứng đủ năng lực tài chính để thực hiện dự án.