Xuất khẩu quả chuối: Những tín hiệu tích cực từ thị trường Trung Quốc

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chuối của Việt Nam vượt Philippines tại Trung Quốc; chuối tươi Việt Nam phủ sóng 100% kệ hàng siêu thị AEON Hồng Kông (Trung Quốc),...
Xuất khẩu quả chuối: Những tín hiệu tích cực từ thị trường Trung Quốc
Ảnh minh họa

Người tiêu dùng Trung Quốcđang dần chú ý hơn tới chuối nhập khẩu từ thị trường Việt Nam

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc cho biết, 2 tháng đầu năm 2024, trị giá nhập khẩu chủng loại quả chuối (mã HS 0803) của Trung Quốc đạt 336,9 nghìn tấn, trị giá 159,9 triệu USD, tăng 6,1% về lượng, nhưng giảm 17,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Trị giá giảm là do giá chuối nhập khẩu bình quân trong 2 tháng đầu năm 2024, giảm 21,9% so với cùng kỳ năm 2023, ở mức 474,5 USD/tấn.

Mùa bán hàng cao điểm của chuối tại Trung Quốc kéo dài từ tháng 2 đến tháng 3 hàng năm. Năm nay, do thu hoạch chuối tại Trung Quốc muộn hơn do điều kiện thời tiết nên mùa cao điểm nhập khẩu chuối dự kiến sẽ kéo dài đến tháng 4/2024.

Năm 2024, sản lượng chuối Philippines thấp đã đẩy giá lên cao, tạo ra khoảng cách giá đáng kể với chuối của Việt Nam. Trước đây, chuối của Philippines được đánh giá cao về hương vị thì chất lượng mùa này lại không được như mong đợi, trong khi chất lượng của chuối Việt Nam và Campuchia cải thiện hơn. Người tiêu dùng Trung Quốc đang dần chú ý hơn tới chuối nhập khẩu từ thị trường Việt Nam và Campuchia.

Theo số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong 2 tháng đầu năm 2024, Việt Nam vượt Philippines trở thành thị trường cung cấp chuối lớn nhất cho Trung Quốc, đạt 173,5 nghìn tấn, trị giá 70,3 triệu USD, tăng 21% về lượng và tăng 1,4% về trị giá, chiếm 51,5% tổng lượng chuối nhập khẩu của Trung Quốc, tăng 6,4 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2023.

Giá chuối nhập khẩu bình quân từ Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2024 ở mức 405,4 USD/ tấn, giảm 16,2% so với cùng kỳ năm 2023 và là mức thấp nhất trong số các nguồn cung cấp chuối cho thị trường Trung Quốc.

Trong khi đó, nhập khẩu từ Philippines đạt 64,6 nghìn tấn, trị giá 33,8 triệu USD, giảm 33% về lượng và giảm 45,3% về trị giá, chiếm 19,2% tổng lượng chuối nhập khẩu, giảm 11,9 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2023. Giá trái chuối nhập khẩu bình quân từ Philippines đạt 524 USD/tấn, giảm 18,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Campuchia là thị trường cung cấp chuối lớn thứ 3 cho Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm 2024, đạt 46,6 triệu USD, giảm 6,7% về lượng và giảm 35,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Giá chuối nhập khẩu bình quân từ Campuchia đạt 533,8 USD/tấn, giảm 30,7% so với cùng kỳ năm 2023.

Tại tọa đàm "Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế 2024" do Vụ Thị trường châu Âu - Mỹ (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 12/4, ông Yuichiro Shiotani - Tổng giám đốc Công ty TNHH AEON Topvalu Việt Nam – thông tin, năm ngoái, tập đoàn này đã đưa chuối tươi Việt Nam vào 91 điểm bán của siêu thị ở Hồng Kông (Trung Quốc). 100% chuối tươi đang được bày bán là nhập khẩu từ Việt Nam, trong khi trước đó sản phẩm này do các nhà cung cấp Philippines, Đài Loan hay Singapore đảm nhận.

Lý do khiến tập đoàn chọn hàng Việt do chất lượng cao. Hoạt động sản xuất chuối tại Việt Nam áp dụng hình thức kinh tế tuần hoàn. Trong quá trình trồng và chế biến, doanh nghiệp sản xuất không có phát sinh chất thải bên ngoài. Quy trình này đáp ứng được tiêu chí bền vững của tập đoàn. Dự định sản lượng chuối tập đoàn thu mua sẽ tăng lên gấp đôi so với năm 2023. Theo nhà bán lẻ Nhật Bản, trong xu thế tiêu dùng hiện nay, các nhà thu mua đã nâng cao tiêu chí, trong đó, ngoài giá thì sản phẩm phải thân thiện với môi trường và giao hàng nhanh. Ngoài chuối, sắp tới xoài tươi được AEON thu mua 100% từ Việt Nam thay vì Thái Lan và Philippines như trước.

Kiểm soát chất lượng - yếu tố sống còn

Năm 2023, Huy Long An – một doanh nghiệp chuyên trồng và xuất khẩu chuối đã đạt con số gần 20.000 tấn với kim ngạch gần 20 triệu USD. Doanh nghiệp cùng liên kết với bà con nông dân trong khâu trồng chuối, người nông dân yên tâm sản xuất đúng tiêu chuẩn, năng suất cao mà không phải lo khâu bán hàng. Thị trường ngày càng bền vững, việc trồng theo đúng tiêu chuẩn đã lấy được lòng tin của khách hàng và tệp khách hàng ngày càng nhiều hơn. Do đó, cùng với diện tích hiện có, doanh nghiệp này đang mở rộng thêm khoảng 200ha vùng trồng tại Long An, Tây Ninh, Bình Dương, nâng sản lượng lên khoảng 25.000 tấn.

’Sự bất ổn của thị trường đã kéo người nông dân đến gần hơn với doanh nghiệp. Chắc chắc người nông dân trồng chuối là có lời, nhưng việc mua và bán chuối có khi lỗ, có khi lời, tùy theo mùa vụ’, ông Võ Quan Huy (hay còn gọi là Huy Long An) - Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An – chia sẻ và cho biết quý I/2024, dù thị trường có nhiều biến động nhưng với doanh nghiệp giá cả và đầu ra khá ổn định.

Kết quả có được là nhờ doanh nghiệp có những tệp khách hàng ổn định, thu mua khoảng 60-70% sản lượng chuối mà doanh nghiệp trồng ra. Giá ký kết với khách hàng là căn cứ để doanh nghiệp thu mua chuối cho bà con. Vì vậy, đầu ra của bà con luôn có lời.

Ông Võ Quan Huy cho hay, trồng chuối xuất khẩu, yếu tố quan trọng là quy trình sản xuất, doanh nghiệp bắt buộc phải kiểm soát được mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, việc này không chỉ đi các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc mà ngay cả Trung Quốc. Chỉ cần dư lượng ở ngưỡng xấp xỉ mức dư lượng tối đa cho phép là phía khách hàng sẽ phản hồi. Đây là câu chuyện phải hết sức lưu ý.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng chuối cả nước khoảng 2,1 triệu tấn/năm. Chuối là loại trái cây cho thu hoạch quanh năm. Năm 2021, chuối là mặt hàng trái cây xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam, sau thanh long, xoài. Tuy nhiên, đến nay, vị trí này đã có sự thay đổi và nhường ngôi cho các trái cây khác, trong đó có sầu riêng.

Hàng năm, Trung Quốc có nhu cầu nhập khẩu chuối 1 tỉ USD, trong đó Philippines chiếm 50%, Campuchia 20%, còn Việt Nam chỉ có 16%. Ông Võ Quan Huy cho hay, mỗi thị trường xuất khẩu có tiêu chí riêng, có những thị trường thông tin minh bạch, nhưng cũng có thị trường thông tin không minh bạch, do đó, rủi ro không phải là không có.

Xuất khẩu rau quả nói chung, trái chuối nói riêng không chỉ phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu mà còn phụ thuộc vào chính đơn vị sản xuất. Nếu đơn vị sản xuất làm đúng tiêu chuẩn thì dù thị trường có khó khăn nhưng các đơn vị mua hàng vẫn chọn doanh nghiệp.

Hiện thị trường xuất khẩu chính của Huy Long An là Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc. Theo ông Võ Quan Huy, làm nông nghiệp, sản lượng doanh nghiệp có thể quyết định nhưng đôi khi lại phụ thuộc vào thời tiết, thiên tai. Trong khi giá bán lại phụ thuộc đối tác khách hàng, do đó, việc tăng doanh thu, doanh nghiệp khó quyết định được. Giải pháp được doanh nghiệp đưa ra đó là 1 phần ổn định thị trường, 1 phần ổn định giá thu mua và giá bán, 2 yếu tố này giúp doanh nghiệp chắc chắn có lời, 1 phần còn lại doanh nghiệp ’lướt sóng’, như vậy, doanh nghiệp sẽ không quá rủi ro. Hay nói cách khác, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ giúp doanh nghiệp có thể đứng vững và phát triển trong việc kinh doanh và xuất khẩu với loại trái cây này.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật