Làng Nghĩa Kỳ ngày trước nằm phía bên bồi của dòng sông Mã, qua đò Sét ta gặp bãi cát trắng phau, rồi một dải đất bồi mới vào đến làng. Mẹ kể lại rằng: Xưa kia, rìa mép làng tôi còn có một con sông nhỏ ăn thông ra sông Mã, nhưng rồi có chuyện ăn thề của một ông quan tên là Tường gì đó, có mẹ là người làng Hữu Chấp (thời đó làng này còn là dải đất liền với ghềnh Sét) lấy chồng họ Lê bên làng tôi, khi bà có thai thì chồng mắc bệnh chết, bà quay về làng Hữu Chấp sống với bố mẹ ruột, sinh được cậu con trai đặt tên là Tường, rồi ở hẳn bên đó làm ruộng, nuôi con ăn học thành tài.
Lúc ông Tường đỗ đạt vinh quy bái tổ, hai làng có sự hiểu lầm nhau - làng Nghĩa Kỳ cho rằng bà đã về làng Hữu Chấp sinh sống thì không thuộc người làng Nghĩa Kỳ nữa, còn người làng Hữu Chấp lại nghĩ rằng bà đã xuất giá sang làng Nghĩa Kỳ thì thuộc người làng Nghĩa Kỳ, thành thử khi ông Tường đỗ đạt vinh quy bái tổ về quê, chỉ có dòng họ Lê, còn chả có làng nào ra nghênh đón cả. Ông Tường khi biết sự việc bèn xuống kiệu, đứng bên mỏm ghềnh Sét này, mắt nhìn dòng sông Mã mà thề rằng: Bao giờ ghềnh Sét đứt đôi/ Sông con lấp cửa đất này mới có quan.
Chả biết câu chuyện thực hư đến mức nào, mà ghềnh Sét theo thời gian dần dần bị dòng sông Mã cứa đứt làm đôi, làng Hữu Chấp tách khỏi ghềnh Sét thành bán đảo. Sông con lấp cửa nối liền làng tôi với bãi bồi và bờ cát trắng. Làng Nghĩa Kỳ về sau cũng xuất hiện nhiều người đỗ đạt, làm quan hơn các vùng xung quanh.
***
Đó là câu chuyện mẹ kể cho anh em chúng tôi nghe cách đây gần năm mươi năm về trước, khi tôi còn là cậu học sinh trường làng, khi mà có gì đó trong sâu thẳm lòng mẹ mong mỏi với một nỗi khát khao, một sự kỳ vọng về những đứa con của mẹ trong đó có tôi. Làng Nghĩa Kỳ thật đẹp, thật thơ mộng và cũng thật nhân hòa. Để rồi cho đến tận bây giờ làng vẫn là như một báu vật luôn ám ảnh tôi mỗi lần nhớ mẹ.
Giờ bãi cát trắng men theo triền sông chạy dọc làng tôi không còn nữa, tàu hút cát trộm đã làm lòng sông sâu hoẳm, bờ sông lở lói ăn vào bãi đất bồi, xóa đi bao dấu vết của một thời tuổi thơ tôi, cuốn đi dấu chân bao lần bỏng rộp ngày nào của mẹ trên cát... Ký ức tràn ra vô tận mỗi lần có dịp tôi trở lại nơi này - Bến đò Sét, bãi cát trắng tuổi thơ nơi những bông hoa bầu lào vàng óng đầy mật, trườn dài trên cát nóng. Nơi bóng mẹ gánh bổi quá vai, thùng cao trĩu nặng, với bao câu chuyện về làng vẫn còn đó, đậm đặc bên triền sông hàng ngày cùng cuộc mưu sinh.
Tôi nhớ thời sinh viên mỗi bận tết về, theo mẹ ra sông chùi, cọ xoong nồi, bát đĩa, đãi đỗ về để gói bánh chưng, nhìn dáng mẹ tất tưởi trong chiều cuối năm mà thương mẹ, nhủ thầm trong lòng phải cố gắng học hành bằng chị, bằng anh cho mẹ vui. Mới đó, vậy mà đã hai mươi năm mẹ đi về cõi vĩnh hằng. Mỗi lần về quê, đến ngồi bên dòng sông Mã, bóng mẹ lam lũ ngày nào vẫn hiện về mồn một: Mẹ tất tả mang xoong nồi đi rửa/ Cầu mong cho năm mới tốt lành hơn/ Hạt cát cọ bỏng tháng ngày lam lũ/ Nụ cười người rúm cả mặt sông.
Tôi lật giở từng trang ký ức qua những bài thơ viết về mẹ trong những năm tháng xa quê, xa mẹ, xa nhà mà nhớ mẹ: Tết không về được lòng cúc đắng/ Vàng cả chờ mong nỗi nhớ quê/ Mẹ ơi, ngồng cải dưa còn óng/ Khói bếp cay sè mỗi bước đi.
Để rồi dừng lại đêm ký ức xa xăm, tôi đứng như trời trồng giữa phố xá xứ người khi hay tin mất mẹ. Tôi thành đứa trẻ mồ côi mà cho đến tận bây giờ mỗi lần nhớ về mẹ, tôi vẫn không thoát được nỗi ám ảnh của đêm hôm ấy. Cả gia đình tôi ngơ ngác lặng yên nhìn nhau không nói một lời. Hình như sự mất mát quá lớn cuốn theo sự hụt hẫng ập vào đẩy mỗi thành viên trong gia đình tôi vào sự trống rỗng, cô đơn. Ánh đèn đêm đỏ quạch như cũng mắc lỗi gì đó trước vong linh của mẹ: Con lớn lên rồi xa xóm, xa làng/ Xa mẹ mịt mù, quê hương tít tắp/ Cứ mải miết với những gì to tát/ Lại quên đi chút hơi ấm mẹ cần/ Để bây giờ khi mẹ đã ngàn năm/ Mới thảng thốt giật mình trong nhang khói.
Cám ơn mẹ đã nuôi dưỡng tâm hồn con bằng tình làng, nghĩa xóm; bằng những khích lệ, niềm tin yêu vô bờ bến và cả lam lũ cuộc đời mình.
Hãy yên lòng nhé mẹ ơi!