Hồi sáng đi chợ, tình cờ gặp cô chủ nhiệm ngày xưa của con trai, cô hỏi thăm thằng nhỏ sắp về chưa, chị cười hi hi, còn lâu mới tới Tết mà cô. Cô bảo cũng tại hôm kia, tự dưng ổng nhắn tin hỏi thăm, rồi hẹn Tết về sẽ sang cô nên giờ mới nôn nao chờ Tết nè. Cô cười, chị cũng cười, hồn nhiên đợi Tết như những đứa trẻ.
*
Cô giáo chủ nhiệm lại điện. Chị thiện chí nghe, nhẫn nại mềm mỏng “dạ, cảm ơn cô đã báo, để em uốn nắn cháu” nhưng khi tắt điện thoại, chị xụi lơ luôn. Mệt! Chị cũng biết cái tính nóng tợ hỏa diệm sơn của mình, thua buồn, chị đánh con quá xá. Nhưng thằng nhỏ hình như hết sợ roi, cứ trơn tuột như trái bóng bị thả rơi từ chiếc cầu trượt. Tê tái với sự bất lực, nhưng kỳ lạ, chị cũng chẳng buồn khóc.
Năm nay nhà gặp kỳ đại hạn rồi. Con trai từ nhỏ học hành sáng dạ, tính nết ngoan hiền, có ai dè bước lên lớp sáu trổ sừng trổ ngạnh, giờ lên lớp bảy mỗi ngày một chuyện. Chọc đứa này, khịa đứa kia, lại thêm bài vở không chép, dò bài chỉ đứng gãi đầu, kiểm tra có khi nộp giấy trắng, tệ hơn còn bỏ tiết, trốn học, có lần còn đánh bạn nữa. Cô thầy nói nhỏ nói to đều rảy ngoài tai. Mẹ căng như dây đờn cũng không ngán ngẩm. Thiệt buồn thấu trời thấu đất. Con đã vậy, lại thêm ông chồng giờ cũng bị mấy con gà đá tha hóa. Có bữa nổi điên, chị muốn hét ầm lên, hay tui chết quách rồi cha con ông muốn gì muốn!
Chị cũng không rõ duyên cớ từ đâu. Thằng con đang yên đang lành tự dưng nổi loạn, ông chồng trước nay chăm chỉ rựa rìu, nhưng từ cái Tết năm ngoái, sau một buổi ta tụ với bạn bè, chị thấy hai tay ôm về một con gà đá. Vậy là từ đấy chỉ biết có gà.
Từ thích sang mê rồi bay qua nghiện nhanh lắm, mà đã nghiện là dứt khoát bệnh. Bây giờ, anh không màng chuyện nhà cửa, rừng rẫy, giao tất tật cho vợ. Ban đầu, chị nghĩ tính chồng xưa giờ chịu thương chịu khó, nay chắc say mê trong thoáng chốc nên không ca cẩm. Có mấy sào mì, ít sào mía chị ra sức làm, không kham hết thì kêu công – coi như bù đắp những tháng ngày chị bệnh đau sinh nở anh ôm sô hết. Chồng đã làm việc gần như tối đa, giờ chị cũng muốn để anh hưởng thụ chút chút, kẻo rồi chết xuống mồ lại không siêu thoát – lời anh.
Cuối đông, trời bớt mưa nhưng không khí lạnh tràn vào. Và dịch cũng theo đến, lũ gà cỏ của chị rủ nhau lờ đờ, gật gù. Chị xác xơ buồn rầu khi thấy từng con gà để dành Tết lần lượt ra đi. Vợ đau lòng tái mặt còn chồng vẫn tỏ ra đắc chí. Anh bảo gà chọi khó dịch. Vì chế độ chăm sóc rất kỳ công. Chủ nhân phải kiên nhẫn, từ ăn uống đến luyện tập, bóp rượu nên thể lực gà đá rất tốt.
Anh chủ quan, hay bị quả báo, hay tới buổi xui rủi? Tóm lại, vì cái gì không biết, những con gà đang đêm khỏe mạnh, sáng dậy nằm chết ngay đuôi. Chết liên tục mấy con. Bạn bảo bệnh tụ huyết trùng.
Trơ trọi. Hàng ngày, như một quán tính, anh cứ ra vào chuồng gà. Vẫn không thể bỏ ngang, anh cố sục sạo để có một con gà chọi khác. Nhưng mùa đã sắp Tết, ít ai chịu nhường lại một con gà đá háo chiến lại biết cách tung đòn áp đảo. Mà đem về đội mình một con gà tầm tầm cho có thì anh lại không ham.
Một tên trong sòng gà mách: một chú gà rừng đẹp thì chọi rất tốt. Ồ, thú vị đấy, vậy mà lâu nay không biết. Anh quyết định đi bẫy gà. Rong ruổi cả ngày trên rừng, chiều về… tay không. Mấy ngày liền nhưng anh không nản. Ngày xưa, khi anh còn đi học, gà rừng ở xứ núi này nhiều vô kể. Có ngày thấy chúng nó ngang nhiên kéo cả đàn, dàn hàng ngang đi xuống đường lớn trong xóm như chỗ không người. Bây giờ khác quá. Rừng không còn là những lùm cây sum suê, rậm rịt chằng chéo những dây leo to bằng cổ tay nữa mà thay vào đó là những đám mía, mì dài đến ngút mắt. Những khu đất chuẩn bị trồng mì anh nhìn mà ngớ người, không một cọng cỏ, còn sạch hơn cả khu vườn sau nhà anh. Không một con gà nào lảng vảng. Anh vào sâu hơn để mai phục. Cuối cùng cũng có một chú gà rừng vừa trổ mã dính bẫy.
Ok quá rồi. Chú gà có tướng mạo đẹp. Nhìn những cái vuốt ở chân, anh đoán sẽ là “đỉnh của nòi”. Bộ lông óng mượt, vàng rực, tướng đi vững chãi… khiến anh khoái chí. Anh lại bận bịu với gà. Những ngày cuối năm, vợ làm mửa máu. Nhưng anh không thấy (hay không quan tâm đôi mắt trách hờn của chị). Anh sung sướng với cái được của mình. Tết này sân chọi gà trước cửa sẽ lại đông vui, cỡ như năm ngoái thì nhằm nhò gì. Anh đã giao kèo với “đồng đội” rồi, sân nhà anh sẽ đăng cai nguyên Tết. Lũ nhỏ xóm núi chẳng biết đi đâu. Sân chọi sẽ là nơi cho bọn nhỏ khoe áo mới. Mấy cô mấy thím đem nước và cóc ổi tới bán trước đường, tự dưng anh thấy mình như thiên sứ mùa xuân.
*
Sáng ngủ dậy, cũng như mọi ngày, anh hối hả ra chuồng gà. Hình như đang có cái gì không ổn. Mặt anh biến sắc từ đỏ sang tái. Dùng tiếng gọi quen thuộc nhưng không một tín hiệu đáp lại. Anh đi tìm, vườn nhà ai cũng tới. Tìm mãi không có; chẳng lẽ vợ bắt? Bán? Không bao giờ. Anh ngồi khó chịu như cổ bị nghẹn hạt cóc vậy, lòng như lửa đốt trong cái lạnh cuối năm. Hay bị cuỗm? Nếu bắt trộm, chỉ có một khả năng… Sự hoài nghi đã nảy nở trong anh.
Xóm núi hắt hiu này, bác Hai Răng nghèo nhất. Vợ mất sớm, không con cái nên thui thủi một mình. Lúc vợ lâm bệnh, bác đã đổ hết vốn liếng. Tiền mất, người đi, bác tay trắng. Ba mươi Tết năm ngoái, vợ còn sai thằng con đem bịch đồ ăn cho ngoại Hai mà. Nhưng sức ổng đã gần chín mươi, sao bắt nổi con gà chiến? Khi người ta đói thì việc có một con gà để bắt là chuyện… nhỏ. Nghĩ thông, anh leo lên xe đạp, bộ như ra trường đón con (nhà bác Hai gần trường). Lúc đi ngang, cố tình như đang đua xe đạp chậm, hai con mắt đâm thọc, nhìn thấu vào căn buồng tối om của bác. Đi qua đi lại, vẫn không có dấu vết gì. Thím Loan bán đồ ăn vặt gần trường, thấy anh trong bộ dạng ngó trước nhìn sau bèn quan tâm hỏi:
- Chú đánh rơi cái gì hả?
- Không chị. Chỉ là ra thăm chừng anh nhỏ, coi học hành có nên cơm cháo gì không.
Thím bảo:
- Nay thấy chàng trai đàng hoàng nghiêm túc lắm. Yên tâm nha. Chắc hết đốt quậy rồi. Biết thương người lắm.
Anh còn muốn đi thám thính nữa nhưng thấy khó coi quá nên buồn bã về, nằm vật ra, như người làm kinh doanh bị phá sản. Anh nói với vợ mai sẽ tiếp tục hành trình đi bẫy gà. Nước đã làm bờ vỡ rồi, chị bực quá, nói phang:
- Tết nhứt tới nơi rồi mà cứ nằm ườn ra đấy rồi gà với vịt. Hay Tết này cả nhà mình dắt lên rừng ở với gà luôn đi! Chồng con kiểu này, chắc tui cũng tụ huyết trùng chết luôn!
Chưa bao giờ anh nghe tiếng vợ bi thiết đến thế. Chiều đó, bốc điện thoại hỏi bạn bè, lên kế hoạch đi làm.
*
Hai tám Tết anh về. Vui vẻ khoe vợ đi làm phụ hồ cùng đứa bạn. Công việc nhiều, làm mệt nhưng tiền chắc cũng đủ cho một cái Tết ấm cúng.
Bữa cơm hôm ấy, chị vui vẻ như cái thời mới về làm vợ anh, nghèo chút mà nồng ấm chứa chan. Cơm đang dọn thì nghe tiếng già ngoài ngõ:
- Cho già ăn ké bữa cơm với chú thím được không?
Chị liền niềm nở mời bác vào nhà. Bác chưa vội vào, đứng tại hè nói:
- Tui sang đặng cảm ơn chú thím.
Chị còn chưa hiểu chuyện gì, cũng cười nhưng rất phải đạo, vẻ bối rối.
- Bữa trước thẳng nhỏ đem tới con gà, bảo ba mẹ con sai đem sang cho ngoại. Tui biểu đem về mà nó cũng bỏ đấy. Tui bệnh, nhờ thím Loan đem trả nhưng thím vẫn bán mua thuốc giùm, thím nói mình mượn tạm rồi tìm cách trả sau.
Từ trong phòng, đang loay hoay cắm nhành mai vào chậu, anh phủi tay ra chào bác Hai. Bác cầm mu bàn tay, vuốt vuốt nói cảm ơn chú hiền từ đức độ, đẻ thằng con biết giúp người lúc khốn đốn. Tui xin lỗi vì không giữ được con gà cho chú, giờ đành gửi ít tiền gọi là...
Thấy ông Hai run rẩy thò vào túi áo móc tiền, biết là mới lãnh tiền già ăn Tết, vợ chồng anh đều xua tay xin từ chối. Mong bác có cái Tết khỏe mạnh bình an là tụi con vui rồi. Chú gà đó chồng con may mắn bẫy được nên bác đừng ngại – anh tiếp lời vợ: Con cũng xin lỗi bác! Cả ba nhìn nhau, một sự im lặng bối rối dễ chịu đang diễn ra. Bác Hai chúc Tết sớm rồi xin phép về ăn cơm uống thuốc.
*
Cu con đợi ngoại Hai ra khỏi cửa thì chạy ngay vào hốc nhà, đứng úp mặt. Anh ngồi xuống mâm cơm đã dọn sẵn, kêu: thằng cu đâu, sao không ra ăn luôn thể. Thằng nhỏ: dạ, con mắc chịu phạt. Phạt vậy đủ rồi, ra đây!
- Lâu lắm rồi gia đình mình mới có bữa cơm chiều ăn miết mà hổng thấy no! – chị ngậm một miệng cơm mà vừa cười vừa nói. Chồng “hét”: nuốt đi rồi nói chứ có ai giành đâu mà…