Theo The Information, những chiếc iPhone màn hình gập đang trong giai đoạn phát triển ban đầu và không nằm trong kế hoạch sản xuất hàng loạt của công ty vào năm 2024 hoặc 2025.
Báo cáo cho biết gần đây Apple đã tiếp cận ít nhất một nhà sản xuất ở châu Á để được cung cấp các linh kiện liên quan đến hai chiếc iPhone màn hình gập có kích cỡ khác nhau.
Apple không trả lời ngay lập tức khi được Reuters đề nghị bình luận.
Hầu hết hãng lớn đều đã bán ra những chiếc smartphone màn hình gập. Điều này khiến cho người dùng đặt câu hỏi rằng khi nào Apple mới phát hành iPhone có thể gập?
Apple thường định vị sản phẩm của hãng sẽ trở thành giải pháp cho một vấn đề nào đó. Apple cũng đề cao chất lượng và sự đổi mới trên mỗi thiết bị. Có vẻ như đây là nguyên nhân chính khiến Apple chưa vội ra mắt iPhone màn hình gập.
Hiện smartphone màn hình gập còn tương đối nhiều hạn chế về thời lượng pin, thiết kế công thái học, trải nghiệm phần mềm và giá cả. Nếu phát hành một chiếc iPhone màn hình gập, Apple sẽ phải tìm cách giải quyết những vấn đề này.
Vào năm 2021, nhà báo công nghệ nổi tiếng Mark Gurman từ trang Bloomberg tiết lộ Apple đã bắt đầu làm việc trên một mẫu iPhone màn hình gập.
Apple đã bán được hàng trăm triệu chiếc iPhone mỗi năm. Nếu phát hành một chiếc iPhone màn hình gập, Apple sẽ phải đối mặt với nhu cầu vô cùng lớn từ thị trường. Công ty sẽ phải tìm giải pháp tối ưu dây chuyền sản xuất để vừa đảm bảo sản lượng cũng như chất lượng phần cứng của thiết bị.
Ngoài ra, phần mềm cũng là một yếu tố quan trọng mà Apple cần thực hiện. Đây cũng là điểm hạn chế lớn nhất trên đa số smartphone màn hình gập ở thời điểm hiện tại.
Theo trang Nikkei Asia, Apple đã tham gia vào việc sản xuất hàng loạt màn hình thế hệ tiếp theo để giảm bớt sự phụ thuộc vào đối thủ Samsung Electronics (Hàn Quốc) và tăng khả năng kiểm soát riêng của mình với nguồn cung cấp một thành phần quan trọng.
Việc Apple tham gia trực tiếp vào quá trình sản xuất màn hình cho thấy sự thay đổi rõ rệt so với phương pháp thông thường của hãng. Trước đây, Apple cung cấp thông số kỹ thuật màn hình cho các đối tác (chẳng hạn Samsung Display, LG Display hay BOE Technology) và để lại việc sản xuất thực tế cho họ.
Apple đã chi rất nhiều cho việc phát triển màn hình micro-LED trong thập kỷ qua và khi quá trình sản xuất bắt đầu, hãng dự định sẽ thực hiện bước mass transfer của quy trình này, theo các nguồn tin liên quan đến dự án.
Mass transfer ám chỉ quá trình chuyển đổi khối lượng các thành phần quan trọng của màn hình từ một giai đoạn sản xuất này sang giai đoạn khác.
Màn hình micro-LED ít ngốn điện hơn và có thể được làm mỏng hơn OLED (màn hình đi-ốt phát sáng hữu cơ), công nghệ tiên tiến nhất hiện nay. Theo những người trong ngành, màn hình micro-LED cũng cung cấp hiệu suất độ sáng ngoài trời tốt hơn và có thể được sử dụng trên các bề mặt cong hoặc gập lại.
Bước mass transfer liên quan đến việc di chuyển ít nhất hàng chục ngàn chip LED siêu nhỏ lên các chất nền. Quá trình này sẽ được thực hiện tại các cơ sở R&D (nghiên cứu & phát triển) bí mật của Apple ở quận Long Đàm, thành phố Đào Viên, phía bắc Đài Loan, theo nhiều người có kiến thức trực tiếp về dự án.
Màn hình là một trong những thành phần đắt nhất trong tất cả thiết bị của Apple. Kể từ khi công ty Mỹ lần đầu tiên giới thiệu màn hình OLED trên iPhone vào năm 2017, sự phụ thuộc vào Samsung Display cho màn hình ngày càng tăng.
Để giảm bớt sự phụ thuộc đó và đạt được khả năng thương lượng về giá, Apple đã hợp tác với nhà cung cấp khác, cụ thể là LG Display (Hàn Quốc) và BOE Technology (Trung Quốc), nhưng họ thua kém Samsung Display về công nghệ và sự ổn định trong chất lượng, theo nhiều nguồn tin thân cận.
Một trong những người đã trực tiếp tham gia dự án trong nhiều năm cho biết: “Apple đã chi ít nhất 1 tỉ USD cho R&D và các mẫu cho công nghệ micro-LED trong gần 10 năm qua. Họ muốn đảm bảo quyền kiểm soát nhiều hơn với các công nghệ màn hình thế hệ tiếp theo cho sản phẩm trong tương lai của mình".
Các chip micro-LED nhỏ hơn ít nhất 100 lần so với các thành phần được sử dụng trong các sản phẩm chiếu sáng LED. Một phương pháp sản xuất chip micro-LED liên quan đến việc chế tạo chúng trực tiếp trên các wafer (đĩa bán dẫn).
Với dự án, Apple đang hợp tác với các nhà cung cấp như ams Osram (Áo) cho các thành phần micro-LED, LG Display cho chất nền và TSMC cho các wafer 12 inch. TSMC là nhà sản xuất chip theo hợp đồng số 1 thế giới, có trụ sở ở thành phố Tân Trúc, Đài Loan.
Ngoài việc thiết kế các mạch tích hợp trình điều khiển cho màn hình micro-LED, Apple thậm chí còn tự thiết kế một số thiết bị sản xuất để kiểm soát tốt hơn quá trình mass transfer, theo hai trong số những người quen thuộc với vấn đề này.
"Điều đó không đồng nghĩa Apple sẽ luôn tự mình thực hiện việc mass transfer, song cho thấy công ty quyết tâm phân bổ nguồn lực như thế nào để có nhiều quyền kiểm soát hơn với những công nghệ màn hình thế hệ tiếp theo này trong tay mình", một trong những nguồn tin cho biết.
Nguồn tin của Nikkei Asia cho biết Apple có các nhóm R&D về màn hình ở Mỹ, Đài Loan và Nhật Bản. Đội ngũ tại Đài Loan có hơn 1.000 người và chính quyền nơi đây đã phê duyệt đơn xin mở rộng cơ sở R&D của Apple vào năm 2020. Ngoài công nghệ micro-LED, cơ sở ở quận Long Đàm còn là nơi Apple hợp tác với TSMC phát triển công nghệ màn hình micro-OLED cho các thiết bị thực tế tăng cường của mình, Nikkei Asia đưa tin trước đây.
Công nghệ micro-LED của Apple vẫn đang ở giai đoạn thử nghiệm và công ty có kế hoạch giới thiệu nó trên Apple Watch trước. Apple đặt mục tiêu công nghệ này sẽ sẵn sàng vào năm 2025, theo 5 nguồn tin của Nikkei Asia. Song vẫn còn nhiều thách thức với việc sản xuất hàng loạt màn hình micro-LED.
"Kế hoạch cuối cùng của Apple là giới thiệu công nghệ này trên iPhone, vốn là nguồn doanh thu chính và có khối lượng sản xuất lớn hơn nhiều, để chứng minh cho các khoản đầu tư nhiều năm qua", theo một trong những nguồn tin đã xem mẫu màn hình micro-LED của công ty.
Eric Chiou, nhà phân tích màn hình kỳ cựu tại hãng nghiên cứu TrendForce (Đài Loan), cho biết chip micro-LED cực kỳ nhỏ, nên có thể tích hợp thêm các cảm biến vào màn hình để cung cấp tính năng như nhận dạng vân tay hoặc chức năng cảm biến liên quan đến sức khỏe trên các sản phẩm đeo được, như đồng hồ thông minh. Ông nói thêm rằng công nghệ micro-LED cũng có thể được sử dụng trên smartphone gập.
"Apple đã đầu tư vào công nghệ micro-LED trong nhiều năm và dựa trên những động thái trước đây, công ty thường triển khai một công nghệ mới trên nhiều sản phẩm. Apple là một trong số ít thương hiệu chưa giới thiệu các thiết bị OLED có thể gập lại. Các đặc tính công nghệ của micro-LED đã thêm một tầng tưởng tượng cho ngành công nghiệp để xem những chiếc iPhone trong tương lai tích hợp công nghệ màn hình này", Eric Chiou nói với trang Nikkei Asia.