Cổ phiếu bán lẻ chênh vênh vì mất nền tảng vững vàng về lợi nhuận

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thiếu vắng sự hỗ trợ lớn từ kết quả kinh doanh của doanh nghiệp, nhóm cổ phiếu bán lẻ dường như không giữ được đà tăng mạnh mẽ mà vội vã thoái trào trong tháng 10 vừa qua cùng đà ’lao dốc’ của VN-Index.
Cổ phiếu bán lẻ chênh vênh vì mất nền tảng vững vàng về lợi nhuận
Cổ phiếu MWG giảm hơn 28,3% trong vòng 1 tháng giao dịch sau giai đoạn hồi phục khá tốt. (Ảnh: Int)

Chỉ tính riêng tháng 10/2023, VN-Index giảm mạnh nhất kể từ tháng 9/2022. Cùng với đó, các chỉ số ngành đều giảm điểm, đặc biệt cổ phiếu ngành hàng tiêu dùng (VNCOND) giảm mạnh nhất khi rơi tới 20,22% giá trị. Theo đó, thị giá của những cổ phiếu bán lẻ cũng nằm trong “danh sách đen”.

Cổ phiếu diễn biến tiêu cực

Điển hình, cổ phiếu MWG của CTCP Thế giới Di động (TGDĐ) giảm từ mức 52.600 đồng/cp xuống 37.700 đồng/cp, tương đương mức giảm hơn 28,3% trong vòng 1 tháng.

Cụ thể, đóng cửa phiên 13/11, cổ phiếu MWG dừng ở mức giá 40.000 đồng/cp, giảm gần 50% so với mức đỉnh xác lập hồi tháng 4/2022. Từ tháng 11/2022 đến nay, cổ phiếu MWG đã nhiều lần rơi về vùng giá dưới 40.000 đồng/cp, với một phần áp lực từ việc khối ngoại bán ròng. Đáng chú ý, nhịp điều chỉnh mạnh từ vùng 69.x hồi giữa tháng 9 vừa qua đã kéo cổ phiếu MWG về vùng đáy 3 năm (ngưỡng 33.x - 35.x).

Tương tự, cổ phiếu DGW của CTCP Thế giới số (Digiworld) rớt từ mức giá 57.900 đồng/cp xuống 42.500 đồng/cp, tức giảm 26,6% trong 1 tháng.

Cùng thời gian, cổ phiếu MSN của CTCP Tập đoàn Masan giảm từ 76.300 đồng/cp về 58.200/cp, tương đương mức giảm 23,7%.

Nhẹ hơn, cổ phiếu PNJ của Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận giảm 8,7% từ 78.900 đồng/cp về 72.000 đồng/cp.

Mặc dù tỏ ra là cổ phiếu “khỏe nhất” trong nhóm bán lẻ hay so với toàn thị trường chung khi liên tục ghi nhận các phiên tăng đột biến, thậm chí còn vượt đỉnh lịch sử và gây chú ý đặc biệt với giới đầu tư nhưng cổ phiếu FRT của CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail) cũng không tránh khỏi xu hướng điều chỉnh giảm từ 90.000 đồng/cp về 87.000 đồng/cp trong tháng 10.

Có thể thấy, đà giảm của nhóm cổ phiếu bán lẻ dường như đã được dự báo từ trước đó khi mà sau nhịp bật tăng mạnh, toàn bộ cổ phiếu nhóm bán lẻ bao gồm MWG, FRT, PET, DGW… đều phát đi những tín hiệu kỹ thuật đáng lưu ý như giá không tăng nhưng thanh khoản gia tăng, chỉ báo RSI (tỷ lệ giữa mức tăng giá và giảm giá trung bình trong một khoảng thời gian nhất định) có xu hướng đi xuống và duy trì trên 70; và đặc biệt, dòng tiền chỉ chủ yếu tập trung vào câu chuyện kỳ vọng đi qua thời điểm khó khăn nhất và bỏ qua việc phản ánh hiệu quả kinh doanh đi xuống của nhóm doanh nghiệp bán lẻ.

Theo Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), ngành bán lẻ được hỗ trợ bởi các chính sách tài khóa và tiền tệ mở rộng của Chính phủ; kỳ vọng thu nhập cá nhân, tiêu dùng và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong nước dần hồi phục; các yếu tố hỗ trợ khác bao gồm mùa tựu trường cuối quý III, mùa ra mắt các sản phẩm mới trước Tết…

“Sức khỏe” doanh nghiệp vẫn yếu

Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của nhóm doanh nghiệp ngành bán lẻ không đáp ứng được sự kỳ vọng thực sự của các nhà đầu tư.

Nhìn chung, từ đầu năm đến nay, sức mua của người tiêu dùng vẫn tiếp tục sụt giảm, tỷ lệ chi phí cao hơn, việc thực hiện các chương trình khuyến mãi, cạnh tranh về giá và giảm hàng tồn kho đặc biệt… đã ảnh hưởng không nhỏ đến biên lợi nhuận của các công ty.

Chẳng hạn như TGDĐ - doanh nghiệp đầu ngành bán lẻ cùng cổ phiếu có vị thế lớn nhất ngành đang hiện hữu trong rổ VN30. Tình hình kinh doanh của công ty đã lao dốc kể từ đầu năm 2022 tới nay.

Quý III vừa qua, TGDĐ đạt doanh thu 30.287 tỷ đồng, giảm 5,5% so với cùng kỳ năm trước; lãi sau thuế công ty mẹ đạt gần 39 tỷ đồng, giảm 96% so với cùng kỳ và tiếp tục ở vùng đáy lịch sử.

Lũy kế 9 tháng, công ty đạt doanh thu gần 87.000 tỷ đồng, lãi ròng vỏn vẹn 77,4 tỷ, lần lượt giảm 15,5% và 97,8% so với cùng kỳ - cách rất xa mục tiêu lợi nhuận nghìn tỷ đã đề ra.

Dù đang sở hữu 3 chuỗi cửa hàng mang lại doanh thu chủ lực là Bách Hóa Xanh (BHX), TGDĐ và Điện Máy Xanh (ĐMX), tuy nhiên lợi nhuận của TGDĐ chủ yếu đến từ chuỗi TGDĐ và ĐMX, trong khi BHX vẫn đang chịu lỗ. Tuy nhiên, TGDĐ và ĐMX hiện đang chiếm lần lượt 55% và 60% thị phần và đang bước vào giai đoạn bão hòa.

Một "ông lớn" khác trong ngành bán lẻ ICT là FPT Retail (FRT) cũng có tình trạng không khá khẩm hơn. Trong quý III/2023, doanh nghiệp này báo lỗ sau thuế khoảng 13 tỷ đồng, trong khi vào cùng kỳ năm ngoái vẫn còn lãi 85 tỷ đồng.

Xét lũy kế 9 tháng qua, FPT Retail đạt doanh thu 23.160 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn lỗ sau thuế 225 tỷ đồng. Theo đó, việc tổng quan thị trường bán lẻ trong quý III/2023 vẫn chưa phục hồi so với cùng kỳ năm ngoái chính là nguyên nhân khiến kết quả kinh doanh của công ty không khả quan.

Trong báo cáo cập nhật ngành bán lẻ công bố đầu tháng 8/2023, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đưa ra dự báo, năm 2023, lợi nhuận ròng của TGDĐ đạt khoảng 1.231 tỷ đồng, giảm 70%; lợi nhuận của FPT Retail khoảng 80,2 tỷ đồng, giảm 79,5% so với năm 2022.

Còn Digiworld công bố kết quả kinh doanh quý III/2023 với doanh thu thuần 5,4 nghìn tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ; lãi ròng ở mức 102 tỷ đồng, giảm mạnh 43%. Lũy kế 9 tháng, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 13,9 nghìn tỷ đồng, giảm 22%; lãi ròng 265 tỷ đồng, giảm 50%.

Đáng chú ý, tại buổi họp nhà đầu tư vừa qua, Digiworld đã tiết lộ kế hoạch doanh thu quý IV/2023 là 6,2 nghìn tỷ đồng, tăng 52% so cùng kỳ, nhưng lợi nhuận sau thuế sẽ giảm 10% về còn 140 tỷ đồng.

Trong khi đó, Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận ghi nhận 313,3 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong quý III, giảm nhẹ 5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 253 tỷ đồng, tương đương với mức 252 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái trong bối cảnh nền kinh tế và thị trường tiêu dùng vẫn chưa khởi sắc rõ rệt.

Nhận định chung về toàn ngành bán lẻ, giới phân tích cho rằng thị trường sẽ phục hồi nhẹ vào nửa cuối năm 2023 và cải thiện rõ ràng hơn vào năm 2024. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lưu ý nhu cầu hiện tại của người dân vẫn đang ở mức rất thấp, đặc biệt đối với các mặt hàng không thiết yếu như các sản phẩm công nghệ, cho nên dự kiến tốc độ hồi phục sẽ tương đối chậm.

Theo đó, trong ngắn hạn, mảng ICT cần có thêm thời gian để hồi phục và nhóm doanh nghiệp bán lẻ chưa có dấu hiệu đã đi qua thời điểm khó khăn nhất, câu chuyện tăng trưởng trở lại chỉ là kỳ vọng từ năm 2024, nên hiện còn quá sớm để giá cổ phiếu tăng cao.

Do đó, nhà đầu tư cần cẩn trọng khi “xuống tiền” đối với nhóm cổ phiếu bán lẻ, nhất là khi chưa có kế hoạch dự phòng trong trường hợp đảo chiều phản ánh kết quả kinh doanh vẫn kém sáng.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật