Thẩm tra về tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2%, Ủy ban Tài chính ngân sách bày tỏ sự đồng tình, nhưng lưu ý: Một số ý kiến trong Ủy ban này còn băn khoăn về các nội dung giải trình của Chính phủ khi đề xuất việc giảm thuế GTGT trong 6 tháng cuối năm 2023.
Việc đánh giá tình hình thực hiện chính sách giảm thuế GTGT trong năm 2022 để làm căn cứ cho việc tiếp tục đề xuất ban hành chính sách giảm thuế GTGT thể hiện trong Báo cáo đánh giá tác động số 226/BC-CP của Chính phủ có thể còn chưa thật sự phù hợp với thực tế.
Chính phủ cho rằng giải pháp giảm thuế GTGT theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 đã gián tiếp kích cầu tiêu dùng nội địa tăng cao, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 tăng 19,8% so với năm trước, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô với nhiều điểm sáng về các chỉ tiêu phát triển kinh tế năm 2022.
Việc giảm thuế GTGT sẽ hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, sức mua và tiêu dùng vào giai đoạn hiện nay đã khác so với bối cảnh năm 2022. Trong năm 2022 sức mua và tiêu dùng của người dân đã bung ra và tăng trưởng cao sau một thời gian bị kìm nén bởi dịch bệnh, tới giai đoạn này, cả người dân và các doanh nghiệp đều đã và đang rất khó khăn.
Vì vậy, một số ý kiến trong Ủy ban Tài chính ngân sách cho rằng, chính sách giảm thuế GTGT vào giai đoạn nửa cuối 2023 khó có thể phát huy được tác dụng kích cầu và thúc đẩy tăng trưởng như trong năm 2022. Theo đó, đề nghị các biện pháp kích cầu trong năm 2023 tập trung vào tháo gỡ các nút thắt để tăng cường giải ngân và phát huy hiệu quả của chi đầu tư công trong gói phục hồi kinh tế hơn là tiếp tục các chính sách giảm thu ngân sách.
Cũng có ý kiến cho rằng chính sách giảm thuế GTGT 2% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 hết hiệu lực thi hành từ 31/12/2022. Từ đầu năm 2023, các nhóm hàng hóa đã áp dụng trở lại mức thuế 10% theo quy định của Luật Thuế GTGT. Tại thời điểm cuối năm 2022 đã có nhiều hiệp hội, địa phương đề nghị được tiếp tục gia hạn Nghị quyết số 43/2022/QH15.
Nếu như giải pháp này được tiếp tục thực hiện ngay từ đầu tháng 1/2023 thì sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho khu vực sản xuất kinh doanh. Việc Chính phủ đề xuất giảm thuế GTGT từ thời điểm 1/7/2023 là tương đối muộn và việc giảm thuế không được thực hiện một cách liên tục nên chính sách không phát huy được nhiều tác dụng cho các doanh nghiệp.
"Sự ngắt quãng trong thực hiện chính sách còn dẫn đến những hạn chế và phí tổn khác trong quản lý và thực hiện, phức tạp trong xử lý chuyển tiếp cho các doanh nghiệp và ảnh hưởng đến việc khấu trừ thuế GTGT đầu vào", Ủy ban Tài chính ngân sách chia sẻ.
Đa số ý kiến trong Ủy ban nhất trí về thời gian áp dụng chính sách giảm thuế GTGT là từ 1/7/2023 đến hết 31/12/2023.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, việc thực hiện chính sách trong 6 tháng cuối năm 2023 có thể chưa đủ thời gian để chính sách phát huy tác dụng, làm cho chính sách khó đạt được các mục tiêu đặt ra. Do đó, đề nghị cân nhắc kéo dài thời gian áp dụng chính sách so với đề xuất của Chính phủ để bảo đảm sự ổn định, chủ động trong thực hiện và đủ thời gian để chính sách phát huy hiệu quả.
Kéo dài qua Tết sẽ kích cầu tốt hơn
Trao đổi với PV.VietNamNet, nhiều doanh nghiệp, hiệp hội cũng cho rằng cần tính toán lại chu kỳ áp dụng.
Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ & Chế biến gỗ TP.HCM (Hawa) đánh giá, động giảm thuế VAT 2% là rất tốt, nhưng, cần thực hiện sớm hơn.
Theo ông, ngày từ thời điểm tháng 10,11/2022, các Hiệp hội, doanh nghiệp lớn đã đề xuất vấn đề này và có sự chuẩn bị sẵn sàng cho việc giảm VAT 2% ngay lúc đó.
“Chúng ta đã bỏ lỡ cho kích cầu tại hai thời điểm tiêu dùng cao là Tết Nguyên đán 2023 và kỳ nghỉ lễ dài 30/4, 1/5 vừa qua”, Phó Chủ tịch Hawa nói và cho rằng, hiện nay, nếu đề xuất giảm thuế VAT 2% được thông qua, thì chu kỳ hợp lý hơn là kéo dài từ 1/9/2023-1/3/2024, bao trọn mùa tiêu dùng Tết Nguyên đán năm 2024.
Theo ông, có thể có quy định, việc điều chỉnh thuế phải theo chu kỳ nửa năm đối với năm tài chính nhưng một chu kỳ giảm thuế VAT hợp lý, phục vụ tốt cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là quyết định táo bạo, cần xem xét. Nên kích cầu ở thời điểm người dân tập trung cho hoạt động mua sắm.
Ông Phương ví dụ, tại một số nền kinh tế mở, nhà chức trách cho doanh nghiệp tự chủ động xếp chu kỳ giảm thuế để hợp lý với ngành hàng kinh doanh của họ. Có ngành hàng tiêu dùng Tết, có ngành hàng lại tập trung các dịp khác. Chuyện hạch toán là của doanh nghiệp, doanh nghiệp tự quản lý vòng chu kỳ đó, cơ quan thuế cứ theo tổng thời gian chu kỳ để giám sát.
Đồng quan điểm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, ông Nguyễn Ngọc Hòa cho hay, chu kỳ giảm thuế VAT 2% nên kéo dài hơn để tăng độ lan tỏa của chính sách. Chính sách ban hành có độ trễ, cần thời gian để thẩm thấu vào giá thành sản phẩm, giá bán hàng hóa. Nếu được, chính sách giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% nên kéo dài qua Tết Nguyên đán 2024, thời điểm đó, cầu tiêu dùng nội địa tăng.
Ngoài ra, các cơ quan quản lý cũng cần xem xét các sắc thuế khác có thể miễn, giảm giai đoạn này, đơn cử như giảm thuế trước bạ. Kinh tế khó khăn nhưng vẫn có những nhóm khách hàng có đủ điều kiện mua nhà, mua xe, cần kích cầu họ trong chi tiêu.
Ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch Hội Da giày TP.HCM cũng cho rằng, chính sách này sẽ phần nào kích cầu tiêu dùng song chu kỳ áp dụng cần kéo dài hơn, chứ nếu chỉ đến hết năm là ngắn.