Chỉ tồn tại trên quần đảo Cát Bà, đàn voọc Cát Bà có khoảng 70 cá thể. Đây là loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam và Danh mục đỏ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế, có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất thế giới. Chúng có đặc trưng là lông tóc trên đầu có màu vàng.
Voọc mông trắng là loài đặc hữu của Việt Nam, không có ở bất kỳ nơi nào khác trên Trái Đất, có tên trong Sách đỏ Việt Nam (2007) và thế giới, xếp hạng CR-rất nguy cấp (Critically Endangered).
Theo Hội Bảo vệ Động vật Frankfurt (Đức), tại Việt Nam, số lượng voọc mông trắng chỉ còn khoảng 200 cá thể. Chúng được phân bố ở 18 điểm tách biệt nhau thuộc các tỉnh: Ninh Bình, Hà Nam, Hòa Bình và Thanh Hóa. Hiện nay voọc mông trắng được tập trung bảo tồn ở 3 nơi: Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, Vườn quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình) và Khu bảo tồn loài và sinh cảnh voọc mông trắng Kim Bảng (Hà Nam).
Voọc mũi hếch là một trong những loài linh trưởng quý hiếm nhất trên thế giới và hiện chỉ còn khoảng 200 cá thể. Trong số đó có khoảng 160 cá thể đang sinh sống ở vùng rừng núi Hà Giang.
Do vậy, voọc mũi hếch là loài động vật cực kỳ quý hiếm, là một trong 25 loài linh trưởng cực kỳ nguy cấp của thế giới đang bị đe dọa tuyệt chủng bởi nạn săn bắt trái phép và môi trường sống bị thu hẹp do diện tích rừng bị tàn phá.
Vào năm 2020, Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Pù Hoạt công bố kết quả nghiên cứu cho thấy 10 loài cây dược liệu quý có nguy cơ tuyệt chủng. Trong số này, 2 loài là Ngũ gia bì gai (Acanthopanax trifoliatus) (trong ảnh) và Lan kim tuyến (Anoectochilus setaceus Blume) ở mức Nguy cấp (EN).
Ở mức Sẽ nguy cấp (VU) có 8 loài là gồm: Khôi tía, Đẳng sâm, Hoàng tinh cách, Hà thủ ô đỏ, Du sam núi đất, Ba gạc vòng, Ba gạc cam bốt và Hồi nước. Đây cũng là các loài cây thuốc quý đang bị người dân khai thác mạnh.
Những loài thực vật trên đang bị đe dọa và sẽ tuyệt chủng nếu cơ quan chức năng không sớm có những biện pháp ngăn chặn hiệu quả và bảo tồn chúng. Trong ảnh là lá cây khôi tía.