Vẫn là cái chết của tiki-taka

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Dưới sự dẫn dắt của một ’tín đồ’ tiki-taka như Luis Enrique tại World Cup 2022, những người hâm mộ đội tuyển Tây Ban Nha rất kỳ vọng lối đá này sẽ trở lại thời kỳ đỉnh cao, giai đoạn mà đội tuyển này đã thống trị cả thế giới.
Vẫn là cái chết của tiki-taka
Ảnh minh họa

Nhưng dù có được một sự khởi đầu cực kỳ thuận lợi, tạo nên những ấn tượng tốt đến mức được xem là một trong những ứng cử viên hàng đầu cho chức vô địch tại kỳ World Cup này, thì một lần nữa thực tế lại chứng minh sự lỗi thời của tiki-taka, một lần nữa người ta lại phải xem một ’cái chết’ đầy tức tưởi của một lối chơi đẹp trước sự tàn nhẫn của thực dụng.

Đội tuyển Tây Ban Nha đã thất bại trên chấm phạt đền trước đội tuyển Ma Rốc ở vòng 1/8 World Cup 2022.

Bước vào vòng chung kết World Cup 2022 với thành tích đứng đầu bảng B vòng loại World Cup khu vực châu Âu, đội tuyển Tây Ban Nha của huấn luyện viên Luis Enrique được đánh giá khá cao như là một ứng cử viên cho chức vô địch kỳ World Cup này. Đánh giá này càng cao hơn khi họ khởi đầu World Cup với chiến thắng hủy diệt 7-0 trước đội tuyển Costa Rica, với một thế trận mà thời gian kiểm soát bóng của đội tuyển Tây Ban Nha lên tới 82%. Lối chơi mà huấn luyện viên Luis Enrique giúp đội tuyển Tây Ban Nha tiến tới World Cup 2022, cũng như tiếp tục thể hiện ở giải đấu này vẫn là những biến thể của tiki-taka, một lối chơi đề cao sự kiểm soát bóng với rất nhiều đường chuyền được thực hiện để đưa quả bóng đến gần với khung thành của đối phương. Số đường chuyền của đội tuyển Tây Ban Nha trong trận đấu với Costa Rica lên tới 1.061 đường chuyền, một con số khủng khiếp. Cho dù đối thủ là đội tuyển Đức hùng mạnh, số đường chuyền của đội tuyển Tây Ban Nha cũng lên tới 647 đường chuyền, gần gấp đôi so với đội tuyển Đức; thậm chí trong trận thua 1-2 trước đội tuyển Nhật Bản, thời lượng kiểm soát bóng của đội tuyển Tây Ban Nha vẫn lên tới 82% với 1070 đường chuyền.

Nhưng sau vòng đấu bảng World Cup 2022, dù đã có thể đi tiếp vào vòng đấu loại trực tiếp, nhưng người ta lại không quá khó để nhận thấy đội tuyển Tây Ban Nha không phải là quá mạnh, quá khó để đánh bại. Có 2 khuyết điểm đã bật lên sau những lượt đấu tại bảng E của đội tuyển này, đó chính là sự khuyết thiếu sự sắc bén nơi hàng công khi mà đội tuyển này không có bất cứ tiền đạo cắm nào thực sự xuất sắc. Ngoài ra, tiki-taka cũng không phải là chiến thuật gì quá lạ lẫm, đã có không ít phương án khắc chế lối chơi này kể từ khi nó ra đời, và hiển nhiên sẽ khiến cho đối thủ của đội tuyển Tây Ban Nha dễ bắt bài lối chơi của đội tuyển này. Và trên thực tế đó là những gì mà đội tuyển Ma Rốc đã làm.

Không khó để thấy những gì mà đội tuyển Ma Rốc làm trước đội tuyển Tây Ban Nha ở vòng 1/8 vừa qua không phải là tự nhiên, mà là những phương án đã được chuẩn bị trước rất kỹ chuyên đối phó lối chơi tiki-taka của đội tuyển Tây Ban Nha. Đó là đội hình 4-5-1 thiên hẳn về phòng ngự phản công, nhưng lại đặt khu vực gây áp lực chính là ở tầm trung, tập trung pressing ở phần sân nhà khu vực giữa sân, cộng thêm khả năng bắt người 1-1 rất tốt của các cầu thủ Ma Rốc, đội tuyển này hướng tới việc khóa những đường lên bóng của đội tuyển Tây Ban Nha, không cho phép các cầu thủ đội tuyển Tây Ban Nha tự do chuyền bóng một khi vượt qua đường giữa sân. Lối chơi này khiến cho các cầu thủ Tây Ban Nha có thể chuyền bóng thoải mái cho tới khi xâm nhập vào 1/3 phần sân đối phương, sau đó sẽ bị pressing cường độ cao khiến cho họ không thể hoạt động như ý.

Có thể thấy một khi gặp phải một đối thủ có khả năng tổ chức đội hình tốt trong phạm vi hẹp, đội tuyển Tây Ban Nha có “thêu hoa dệt gấm” như thế nào thì cũng rất khó tìm được lối vào vòng cấm địa đối phương. Mà có tìm được đường vào vòng cấm địa đối phương, thì vẫn phải cần một tiền đạo sát thủ vòng cấm để chuyển hóa những cơ hội như vậy thành bàn thắng, mà đó lại là vị trí mà huấn luyện viên Luis Enrique không có bất cứ lựa chọn nào vừa ý. Đó cũng là nguyên nhân khiến huấn luyện viên Luis Enrique sử dụng một đội hình không tiền đạo cắm trước đội tuyển Ma Rốc, với những Ferran Torres, Marco Asensio, Dani Olmo… trên hàng công. Lối chơi của đội tuyển Tây Ban Nha chỉ sáng nước hơn khi xuất hiện một tiền đạo thực thụ như Alvaro Morata, nhưng rõ ràng như vậy là chưa đủ để có được bàn thắng, và họ phải trả giá trên chấm phạt đền.

Trận thua của đội tuyển Tây Ban Nha trước đội tuyển Ma Rốc một lần nữa cho thấy tiki-taka không phải là vạn năng, và họ phải biết biến hóa cho phù hợp với nhân sự đang có, chứ không phải cứ bám vào một lối chơi đã cũ kỹ và có quá nhiều phương án khắc chế như vậy. Nếu không thể thay đổi, Tây Ban Nha sẽ rất khó quay lại đỉnh cao mà họ từng có khi vô địch World Cup năm 2010.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật