Làm gì để giá lợn hơi ổn định, mang lại lợi nhuận cho các HTX?

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Giá lợn hơi duy trì ở mức dưới 60.000 đồng/kg trong thời gian dài trong khi chi phí chăn nuôi ở mức cao.
Làm gì để giá lợn hơi ổn định, mang lại lợi nhuận cho các HTX?
Ảnh minh họa

Giá lợn hơi duy trì ở mức dưới 60.000 đồng/kg trong thời gian dài trong khi chi phí chăn nuôi như cám, chuồng trại, nhân công luôn ở mức cao. Các HTX chăn nuôi mong đợi chính sách điều tiết của ngành chức năng để tiêu thu nhanh, đảm bảo người chăn nuôi có lãi dịp cuối năm.

Giá lợn cuối năm thường tăng cao tuy nhiên thời điểm cuối năm nay thị trường có dấu hiệu đi ngược lại. Hiện, giá lợn xuất chuồng tại các địa phương ở miền Nam chỉ dao động 48.000 - 53.000 đồng/kg trong khi hiện nay, giá thức ăn chăn nuôi, vật tư chăm sóc đang ở mức cao.

Anh Tòng Văn Toản, Giám đốc HTX Nông nghiệp Toản Duyên (Sơn La) cho biết, với giá lợn hơi xuất chuồng ở mức 53.000-54.000 đồng/kg, hầu hết các HTX chăn nuôi đang gặp khó khăn.

Về vấn đề đẩy mạnh xuất khẩu thịt lợn, ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT, giá bán và xây dựng vùng chăn nuôi an toàn vẫn đang là vấn đề lớn, đặt ra thách thức đối với thịt lợn xuất khẩu của Việt Nam.

Chưa kể, thịt lợn xuất khẩu của Việt Nam đang có giá thành cao, khoảng 3 USD/kg, trong khi giá thịt lợn ở Mỹ chỉ 1,1 USD/kg. Cạnh tranh về giá, thịt lợn nội khó có cửa xuất khẩu.

Nhiều dự báo cho thấy, dù giá lợn hơi có tăng cũng sẽ chỉ lên 10 -15% so với hiện tại vì sức mua yếu, nguồn cung dồi dào.

Việc giá lợn hơi vẫn không ngừng giảm ngay cả trong mùa cao điểm như hiện nay được các HTX cho là hết sức bất thường. Nếu đến cận Tết mà giá lợn hơi vẫn không tăng thì một mùa chăn nuôi khó khăn sắp đến.

Có ý kiến cho rằng vấn đề cần nhìn nhận hiện nay là các đô thị, tỉnh thành lớn ở cả miền Bắc và miền Nam luôn được đánh giá là có nhu cầu cao về thực phẩm trong dịp Tết, tuy nhiên các HTX, trang trại chăn nuôi ở những địa phương này vẫn chưa cân đối và mới chỉ tự cung ứng được khoảng 20 - 30% nhu cầu của thị trường.

Để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, các địa phương này vẫn phải nhập hàng hóa từ các tỉnh vệ tinh xung quanh. Chẳng hạn như TP.HCM hiện đang nhập đến 60-65% lượng thịt lợn từ Đồng Nai.

Vì vậy, điều nên làm lúc này là cần có giải pháp cắt ngắn chuỗi cung ứng lợn để giảm chi phí trong khâu vận chuyển giữa các địa phương, từ đó phần nào nâng cao nguồn thu cho những người trực tiếp chăn nuôi lợn, cụ thể là nông dân và thành viên HTX.

Ông Nguyễn Quốc Đạt, Phó Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam, cho rằng cần tăng cường liên kết thu mua lợn hơi trực tiếp từ các HTX, trang trại với giá hợp lý hơn.

Hiện, không chỉ các HTX, người chăn nuôi mà ngay cả các doanh nghiệp cũng đang trông chờ các cơ quan quản lý khẩn trương có giải pháp xử lý để điều tiết giá lợn hơi đang sụt giảm. Có như vậy mới có những chuyển biến về cung cầu trên thị trường.

Theo các chuyên gia nông nghiệp, nhiều quốc gia như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản là các nước có nền nông nghiệp phát triển nhưng nhà nước chỉ can thiệp khi giá nông sản dưới giá thành sản xuất thì sẽ có biện pháp hỗ trợ nông dân, HTX.

Như tại Nhật Bản, khi giá nông sản xuống dưới giá thành sản xuất, Nhà nước sẽ hỗ trợ 80% phần lỗ vốn đối với một số nông sản. Nguyên nhân đưa ra là sản xuất nông nghiệp có những đặc thù khác với các ngành công nghiệp. Năng suất và sản lượng sản xuất ra nhiều khi bị giới hạn bởi đặc tính sinh học của cây trồng, vật nuôi, do đó không thể tăng sản lượng trong thời gian ngắn.

Mặt khác, nông sản tươi sống khó bảo quản lâu dài, nuôi lợn đến lứa người chăn nuôi cũng buộc phải xuất chuồng để không bị thua lỗ.

Chính vì vậy, các ngành chức năng cần xác định rõ những khó khăn trong chăn nuôi lợn hiện nay để có những chỉ đạo kịp thời giúp HTX, người chăn nuôi đẩy mạnh thị trường tiêu thụ, tạo nên chuỗi cung cầu hiệu quả.

Các HTX cũng không nên om hàng chờ thời điểm cận Tết để bán giá cao bởi nguồn cung ồ ạt vào một thời điểm càng dễ khiến giá giảm, ùn ứ.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật