Não trẻ già đi nhanh do căng thẳng trong đại dịch

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đại dịch khiến tốc độ lão hóa não ở trẻ bị đẩy nhanh, vùng đồi hải mã và hạch hạnh nhân phát triển trong khi vỏ não lại mỏng đi nhanh hơn.
Não trẻ già đi nhanh do căng thẳng trong đại dịch
Sức khỏe tâm thần của trẻ em bị ảnh hưởng do đại dịch. Ảnh: Alamy.

Một nghiên cứu mới của Đại học Stanford cho thấy các yếu tố gây căng thẳng trong đại dịch đã làm thay đổi bộ não của thanh, thiếu niên, khiến cấu trúc não của các em có vẻ già hơn vài tuổi so với cấu trúc não của những người bạn cùng tuổi trước khi dịch Covid-19 bùng phát, theo Stanford News.

Kết quả nghiên cứu này được công bố trên tạp chí Biological Psychiatry: Global Open Science. Đây là một phần được trích ra từ một nghiên cứu lớn hơn nhằm tìm hiểu về chứng trầm cảm ở thanh, thiếu niên.

Từ 8 năm trước, các nhà nghiên cứu đã lên kế hoạch chụp cộng hưởng từ cho 220 trẻ từ 9 đến 13 tuổi với tần suất hai năm một lần. Nhóm nghiên cứu đã thực hiện được 2 lần chụp. Đại dịch làm gián đoạn kế hoạch cho đến cuối năm 2020.

Trong thời gian nghiên cứu bị gián đoạn, các nhà nghiên cứu nảy ra ý tưởng nghiên cứu những tác động của đại dịch đối với não bộ đang phát triển của trẻ. Họ đã nghiên cứu, so sánh những đối tượng có cùng giới tính, tuổi tác, mức độ căng thẳng và tình trạng kinh tế xã hội.

Giáo sư Tâm lý học Ian Gotlib, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết những thay đổi trong cấu trúc não diễn ra tự nhiên khi chúng ta già đi. Trong giai đoạn dậ‌y th‌ì và đầu tuổi v‌ị thà‌nh niê‌n, đồi hải mã và hạch hạnh nhân của trẻ sẽ phát triển nhằm giúp các em tiếp cận ký ức và điều chỉnh cảm xúc. Đồng thời, các mô ở vỏ não - khu vực liên quan chức năng điều hành - sẽ mỏng đi.

Khi so sánh bản chụp cộng hưởng từ của 128 trẻ trước và sau đại dịch, nhóm nghiên cứu phát hiện những sự phát triển này ở trẻ đã "tăng tốc" khi các em trải qua những căng thẳng khi dịch Covid-19 bùng phát.

Sự lão hóa sớm của bộ não trẻ em không phải một dấu hiệu tích cực. Trước đại dịch, trường hợp lão hóa sớm thường là những em bị căng thẳng mạn tính, chấn thương tinh thần, bị lạ‌m dụn‌g hoặc bỏ bê.

Những trải nghiệm bất lợi thời thơ ấu khiến con người dễ bị trầm cảm, lo âu, rơi vào nghiện ngập và làm tăng nguy cơ mắc ung thư, tiểu đường, bệnh tim mạch, theo Wall Street Journal.

Những phát hiện trên có thể có ý nghĩa quan trọng đối với các nghiên cứu dài hạn khác. Nếu bộ não của những đứa trẻ trải qua đại dịch phát triển với tốc độ nhanh hơn, các nhà khoa học sẽ phải tính đến tốc độ phát triển bất thường đó trong những nghiên cứu tương lai.

Giáo sư Gotlib không rõ liệu những thay đổi này có kéo dài vĩnh viễn hay không. Ông cũng đặt câu hỏi liệu tuổi thật của trẻ có "bắt kịp" tuổi não của các em hay không, và nếu trẻ bị lão hóa não sớm, các em sẽ gặp những vấn đề gì trong tương lai.

Trong bài nghiên cứu, các tác giả thừa nhận họ chưa thể xác định liệu những thay đổi ở bộ não của trẻ có tiếp diễn hay không. Do đó, họ dự định sẽ tiếp tục chụp cộng hưởng từ định kỳ hai năm một lần để thu thập thêm dữ liệu. Nhóm nghiên cứu cũng dự định so sánh cấu trúc não của những người từng nhiễm Covid-19 với những người chưa nhiễm để tìm thêm sự khác biệt.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật