Đánh giá Lenovo ThinkCentre Neo 50s Gen 3: Chiếc máy tính văn phòng “trong mơ” bạn sẽ muốn sếp mua

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thế nào là một chiếc máy tính văn phòng hoàn hảo? Với cá nhân mình, nó phải thật gọn nhẹ vì không gian làm việc của mình luôn bừa bộn với những món đồ công nghệ mới, tiện lợi trong quá trình sử dụng và sở hữu hiệu năng mạnh đủ đáp ứng đa dạng nhu cầu.
Đánh giá Lenovo ThinkCentre Neo 50s Gen 3: Chiếc máy tính văn phòng “trong mơ” bạn sẽ muốn sếp mua
Ảnh minh họa

Gần đây, mình đã được trải nghiệm chiếc ThinkCentre Neo 50s Gen 3 của Lenovo và có thể nói là mình ưng sản phẩm này vì nó có đủ hết những thứ có trong “checklist” của mình đã đề ra.

ThinkCentre Neo 50s nằm trong loạt sản phẩm máy tính để bàn mới nhất của Lenovo định hướng dành cho khách hàng văn phòng và doanh nghiệp. Tuỳ thuộc vào nhu cầu của bạn, ThinkCentre Neo 50s cung cấp tuỳ chọn lên tới vi xử lý Intel Core i9 16 nhân thế hệ 12 mới nhất, 64GB RAM DDR4 và có thể nâng cấp SSD, card đồ hoạ Intel DG1. Chiếc máy mình trải nghiệm có cấu hình Intel Core i7-12700, RAM 8GB và SSD 256GB, giá bán khoảng 17 triệu đồng.

Sản phẩm được hưởng chế độ bảo hành 1 năm (có thể nâng cấp lên đến 3 năm) kèm gói bảo hành cao cấp Lenovo Premier Support với các lợi ích hấp dẫn như: hỗ trợ toàn diện phần cứng và phần mềm, bảo hành tận nơi, linh kiện được ưu tiên, có kênh báo sự cố riêng cũng như có người chuyên trách cho mọi khiếu nại, giải quyết các sự cố nhanh nhất. Chi tiết hơn, bạn có thể liên hệ hotline: 1800 6178.

Thiết kế Small Form Factor cực gọn gàng, thân thiện với môi trường và cả người dùng

Được định hướng cho văn phòng hiện đại với nhu cầu tối ưu hoá không gian nhất có thể, ThinkCentre Neo 50s có kích thước chuẩn Small Form Factor (SFF) lần lượt 308 x 100 x 274.8 mm cùng trọng lượng chỉ 4,5 kg. Nếu bạn sở hữu không gian rộng rãi hơn, Lenovo còn có model ThinkCentre Neo 50t thiết kế dạng tháp (tower).

 

Với phương châm “Green is the new Black”, ThinkCentre Neo 50s góp phần hướng người dùng đến lối sống xanh bảo vệ môi trường và trái đất, khi cỗ máy được làm từ vật liệu tái chế và không sơn vỏ. Ngay cả lớp bao bì đóng gói sản phẩm cũng được tái chế từ nhựa đến từ đại dương nhằm hạn chế ô nhiễm. Ngoài ra, máy cũng đi kèm với một số chứng nhận xanh khác bao gồm Energy Star 8.0 và EPEAT Gold.

 

Thiết kế bề mặt máy chia hai phần rõ rệt, với phía bên trái là mặt phẳng ôm trọn các phần hình khối vuông vắn, còn bề mặt phía bên phải chứa các rãnh song song tạo cảm giác hiện đại. Tông màu đen xám của máy hạn chế tối đa sự xao nhãng khi làm việc. Bạn có thể đặt máy đứng thẳng hoặc nằm ngang tuỳ theo không gian làm việc, nhưng cần lưu ý là chỉ có tư thế đứng thẳng thì ThinkCentre Neo 50s mới có các chân cao su chống trơn trượt và trầy xước cho thân máy.

 

Các cổng kết nối là điểm mà mình yêu thích ở ThinkCentre Neo 50s. Tất cả các cổng kết nối cần thiết cho công việc hàng ngày đều được Lenovo đặt ở phía trước cùng với nút nguồn giúp dễ tiếp cận dù bạn đặt máy thẳng đứng hay nằm ngang. Tại đây, chúng ta có 2 cổng USB-A 3.2 Gen 1, 1 cổng USB-C 3.2 Gen 1 (hỗ trợ chuyển đổi dữ liệu và sạc 5V-3A), 1 cổng headphone và 1 cổng microphone cùng 3.5mm, khay đĩa DVD cũng có luôn nếu ai có nhu cầu. Ở phiên bản Neo 50t, phía trước còn có thêm một cổng USB-C 3.2 Gen 2.

 

Phía sau của ThinkCenTre Neo 50s là 2 cổng USB 2.0, 2 cổng USB 3.2 Gen 1 (1 cổng có hỗ trợ Smart Power), đủ 3 loại cổng xuất hình ảnh VGA, HDMI 2.1 TMDS và DisplayPort 1.4 cho mọi màn hình và nhu cầu làm việc đa màn hình, 1 cổng mạng Ethernet RJ45 và 1 cổng kết nối âm thanh line-out 3.5mm.

Một tính năng rất hay ho về khả năng kết nối của ThinkCentre Neo 50s nhưng mình không có điều kiện trải nghiệm là Smart Cable. Về cơ bản, bạn có thể dùng một sợi cáp thích hợp để kết nối thêm một PC nữa hoạt động đồng thời với ThinkCentre Neo 50s trên một màn hình duy nhất. Về kết nối không dây, máy có đầy đủ cả Wi-Fi 6 và Bluetooth 5.0.

 

Với sự an toàn dữ liệu của người dùng là ưu tiên hàng đầu, ThinkCentre Neo 50s trang bị hàng loạt tính năng bảo mật như chip mã hoá dTPM 2.0 (yêu cầu bắt buộc để được cài đặt/hỗ trợ Windows 11) đồng bộ với ThinkShield. Ngoài ra, máy còn có khoá móc, khoá Kensington để ngăn chặn kẻ gian đánh cắp, cũng như tính năng Smart USB Protection chặn khả năng truyền dữ liệu qua thiết bị USD. Có thể nói, ThinkCentre Neo 50s được bảo vệ “từ trong ra ngoài”.

 

Lenovo có gợi ý một số màn hình phù hợp với ThinkCentre Neo 50s, một trong số đó mình có ở đây là chiếc ThinkVision S27e-20. Mình nghĩ rằng 27 inch là kích thước màn hình phù hợp nhất cho dân văn phòng, không quá to mà vẫn có diện tích đa nhiệm thoải mái. ThinkVision S27e-20 là một mẫu màn hình văn phòng “chuẩn chỉ” với thiết kế vuông vức nghiêm túc và viền màn hình mỏng. Tấm nền IPS Full HD, độ sáng 250 nit cùng độ rộng dải màu 72% NTSC giúp ThinkVision S27e-20 đáp ứng các tác vụ văn phòng một cách dễ dàng, và mức giá hợp lý chỉ trên 4 triệu khiến đây là combo bạn không nên bỏ qua.

Hiệu năng nhanh nhẹn nhờ vi xử lý Intel Core Gen 12

 

Cấu hình đầy đủ của chiếc ThinkCentre Neo 50s mà mình trải nghiệm gồm:

- Vi xử lý Intel Core i7-12700 (12 nhân/20 luồng, Turbo Boost tối đa 4.90 GHz)

- RAM 8GB DDR4 3200MHz, hỗ trợ nâng cấp tối đa 64GB

- SSD 256 GB NVMe PCIe Gen 4

- Xử lý đồ hoạ Intel UHD Graphics 770

- Hệ điều hành: Windows 11

Thế hệ vi xử lý Intel Core thế hệ 12 đánh dấu nhiều sự cải tiến lớn của gã khổng lồ chip đến từ nước Mỹ. Cơ chế nhân hiệu năng cao (P-cores) kết hợp cùng nhân tiết kiệm năng lượng (E-cores) giúp vi xử lý phân bổ sức mạnh tốt hơn, đồng thời tiết kiệm năng lượng cho hệ thống. Sản xuất trên tiến trình Intel 7 (trước đây là 10nm Enhanced Super Fin), Core i7-12700 là một trong những vi xử lý tích hợp tính năng Intel Thread Director nhằm phân loại công việc – chức năng phù hợp để hệ điều hành đưa ra quyết định về mức độ ưu tiên cũng như thời gian yêu cầu hoàn thành tác vụ.

Dưới đây là kết quả của ThinkCentre Neo 50s. Do phiên bản máy mình trải nghiệm không có GPU rời, mình sẽ chỉ tập trung vào những phần mềm tối đa hoá hiệu năng xử lý của CPU

 

Với Cinebench R23 mô phỏng tác vụ render, Core i7-12700 trên ThinkCentre Neo 50s đạt 1.827 điểm đơn nhân và 18.158 điểm đa nhân. Để so sánh, con chip Core i7-12700H trên laptop Lenovo Legion 5i đạt 1.607 điểm đơn nhân và 14.930 điểm đa nhân.

 

GeekBench 5 ứng dụng đo hiệu năng đa nền tảng của Primate Lab. ThinkCentre Neo 50s đạt 1.734 điểm đơn nhân và 8.589 điểm đa nhân.

 

Tuy là GPU tích hợp, Intel UHD Graphic 770 vẫn đạt 8.096 điểm GeekBench 5 OpenGL.

 

PCMark 10 mô phỏng sát sao các tác vụ văn phòng hàng ngày như lướt web, chỉnh sửa ảnh, xử lý dữ liệu văn phòng,… ThinkCentre Neo 50s đạt điểm trung bình là 5.678, nếu có card đồ hoạ rời thì điểm sẽ cao hơn.

 

V-ray Benchmark được tạo ra bởi Chaos Group có vai trò xác định khả năng xử lý hình ảnh cũng như tốc độ render của sản phẩm khi chạy V-ray. Qua đó người dùng có thể xác định được hiệu năng của CPU cũng như card màn hình có phù hợp với nhu cầu của mình không. ThinkCentre Neo 50s đạt 11.148 điểm

 

Được cập nhật vào năm 2021, bài benchmark CPU Profile của 3DMark kiểm tra điểm chuẩn CPU với các mức tối đa, 16 luồng, 8 luồng, 4 luồng, 2 luồng và 1 luồng, với mục đích cho người dùng biết được hoạt động của 1 bộ vi xử lý nhất định ra sao với số luồng tải khác nhau. ThinkCentre Neo 50s đạt 8.375 điểm ở hiệu suất tối đa (max threads) và 1.030 điểm ở 1 luồng (1 thread).

 

Trong sử dụng thực tế, miễn không phải là tác vụ đòi hỏi sức mạnh xử lý đồ hoạ cao, gần như không có gì có thể làm khó được ThinkCentre Neo 50s. Từ lướt web đến xử lý nhiều bảng dữ liệu, cao hơn là chỉnh sửa ảnh và video, làm việc với ThinkCentre Neo 50s là một cái gì đó rất mượt mà và nhẹ nhàng. Với những ai có nhu cầu đa nhiệm khắt khe hơn, cỗ máy hỗ trợ nâng cấp tối đa tới 64GB RAM, rất thoải mái.

 

ThinkCentre Neo 50s sử dụng SSD 256GB của Kioxia.

 

Với tốc độ đọc/ghi tuần tự là 3249 MB/s và 1989 MB/s.

Về lưu trữ, 256GB SSD có thể nói là vẫn khá thoải mái với người dùng phổ thông, nhất là khi có rất nhiều ứng dụng lưu trữ đám mây mà chúng ta có thể tận dụng. Chiếc SSD tích hợp bên trong ThinkCentre Neo 50s là của Kioxia, với tốc độ đọc/ghi lần lượt theo Crystal Disk Mark là 3249 MB/s và 1989 MB/s, quá đủ cho công việc hàng ngày. Do hỗ trợ giao thức PCIe 4.0, nếu cảm thấy tốc độ này là chưa đủ, bạn vẫn có thể thay thế và nâng cấp lên SSD có tốc độ nhanh hơn.

 

Ngay cả với những ứng dụng nặng như Photoshop và Lightroom, ThinkCentre Neo 50s vẫn đáp ứng tốt.

Chơi game không phải mục đích chính của ThinkCenTre Neo 50s, nhưng chip đồ hoạ tích hợp Intel UHD Graphics 770 đủ đáp ứng chơi những tựa game online nhẹ nhàng như Liên Minh Huyền Thoại (thiết lập đồ hoạ cao nhất, fps trung bình trên 100) và Counter Strike: Global Offensive (thiết lập đồ hoạ trung bình, fps trung bình 30-40).

ThinkCentre Neo 50s có được tích hợp công nghệ làm mát thông minh có tên là Intelligent Cooling Engine 5.0, về cơ bản thì hiệu năng hệ thống sẽ được tối ưu dựa trên khối lượng công việc, giúp tiết kiệm tới hơn 40 kWh (40 số điện) mỗi năm. Tất nhiên, mình chưa dùng đủ lâu để kiểm chứng điều này.

 

Mang thiết kế nhỏ gọn SFF, mình khá ngạc nhiên khi ThinkCentre Neo 50s hoạt động mát mẻ và gần như không phát ra tiếng ồn lớn, ngoại trừ lúc benchmark. Qua theo dõi, sau khi cho chạy Cinebench R23 liên tục trong 15 phút, cỗ máy chỉ ghi nhận nhiệt độ tối đa 76 độ C trên bo mạch và 89 độ C trên vi xử lý. Khi dừng tác vụ nặng thì máy cũng nguội đi nhanh chóng.

Tổng kết

Những kỳ vọng của mình vào một cỗ máy văn phòng “trong mơ”, ThinkCentre Neo 50s đều đáp ứng được. Nhỏ gọn, hiệu năng cao và dễ nâng cấp nếu có nhu cầu, điều bạn cần làm bây giờ là hãy thuyết phục sếp của mình sắm ngay cỗ máy này đi thôi!

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật