Đánh giá “Bullet Train”: giải trí hoàn toàn ổn, âm nhạc đã tai, phản diện “ăn hại”

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nếu bạn đang muốn tìm 1 bộ phim giải trí đơn giản, không nặng tâm lý, không đau đầu hack não, thì đây có thể là lựa chọn rất thích hợp hiện nay.
Đánh giá “Bullet Train”: giải trí hoàn toàn ổn, âm nhạc đã tai, phản diện “ăn hại”
Bộ đôi sát thủ Quýt - Chanh lấy được nhiều cảm tình của người xem 

Bullet Train (Sát thủ đối đầu) là dự án hợp tác tiếp theo giữa Sony Pictures và ngôi sao Brad Pitt, sau Once Upon a Time in Hollywood của đạo diễn Quentin Taratino. Lần này, dự án được cầm trịch bởi David Leitch, người đã tạo nên những tác phẩm giải trí thành công như Deadpool 2, Atomic Blonde, Hobb & Shaw, đồng thời tham gia sản xuất John Wick. Chính vì vậy, ngay từ khâu quảng cáo, nhà phát hành đã nhấn mạnh vào 2 yếu tố là hành động và hài hước.

Sau khi xem xong phim, mình nhận định đây là 1 tác phẩm giải trí hoàn toàn ổn, nổi bật nhất phần âm nhạc và đa số các phân đoạn chọc cười. Dù vậy, vẫn còn 1 số điểm yếu về cốt truyện và xây dựng nhân vật. Nhìn chung, phim không tệ như những gì mà giới phê bình phương Tây đã khắt khe trước đó. Hiện tại, Sát thủ đối đầu của Brad Pitt đang bị gán nhãn “cà chua ủng” trên Rotten Tomatoes với 54%, 49 điểm trên Metacritic.

Cảnh báo: Bài viết tiết lộ một phần nội dung phim. Nểu chưa xem thì bạn nên quay xe ngay kẻo không bị spoil! Nhắc lại: phần bên dưới có spoil trước tình tiết phim!

Cả rạp cười rất sảng khoái

Vì đây là phim hành động pha yếu tố hài hước, mục tiêu quan trọng nhất là bạn cười sảng khoái, chứ không phải truyền tải thông điệp nhân văn sâu sắc hay plot twist xoắn hết cả não. Phần hành động được làm tốt, tuy không quá sáng tạo nhưng đủ để cộp mác hành động chất lượng.

Các cảnh chiến đấu được dàn dựng cẩn thận, đôi khi gợi lên hình ảnh của Thành Long, khi mà nhân vật chính Ladybug (Brad Pitt) tuân theo nguyên tắc “không dùng súng”, thay vào đó là tận dụng các đồ vật xung quanh để đáp trả đối thủ. Vì nhấn mạnh yếu tố hài, nhiều pha kết liễu hay trả đòn rất cợt nhả, đầy vô lý.

Phần pha trò trong phim thì đúng như mong đợi, khán giả trong rạp mình cười rất nhiều. Thậm chí đến tận cuối cùng, nhà làm phim còn cố tình chọc cười liên tục bằng các cảnh slow-motion Brad Pitt, câu chuyện của nhân vật chai nước hay màn tông xe đầy bất ngờ. Nếu đơn giản là muốn thư giãn bằng những tiếng cười sảng khoái, mình nhắc lại 1 lần nữa - Sát thủ đối đầu chắc chắn là 1 lựa chọn đáng để ra rạp lúc này.

Nhạc phim phê lòi

Phần hình ảnh, góc quay, hiệu ứng, tông màu và âm thanh trong phim làm tốt nhiệm vụ của nó. Với bối cảnh nhỏ hẹp trong các toa tàu, các cảnh chiến đấu đem lại hiệu ứng thị giác tốt, đôi khi có hiệu ứng thị giác rất hay. Nhìn chung, không phải vì là phim giải trí mà dàn dựng cẩu thả, hình ảnh trong phim vẫn có chất điện ảnh nhất định. Mình thấy còn xuất sắc hơn Venom trước đây cũng của Sony, với cùng mức kinh phí sản xuất.

Song, trong các hạng mục kỹ thuật thì ấn tượng nhất là âm nhạc. Mình tin là nhiều bài review khác các bạn đọc cũng khen âm nhạc hay. Album sountrack được phát hành bởi nhãn đĩa trực thuộc Sony Music, hãng thu âm lớn thứ 2 thế giới chung tập đoàn với đơn vị sản xuất Sony Pictures. Không ngạc nhiên khi họ sử dụng 1 số bài mà Sony Music nắm bản quyền. 

Lấy ví dụ các ca khúc nổi tiếng trong quá khứ như Holding Out for a Hero (Bonnie Tyler), Five Hundred Miles (Bobby Bare) được lấy làm bản gốc và phối lại, do ca sĩ Nhật trình bày và âm hưởng Nhật Bản, mang lại 1 phong cách hoàn toàn mới. Hay ở phần mở đầu, Sony chiêu đãi khán giả bằng bài hát Stayin’ Alive (Bee Gees) do chính vocalist Avu-chan của ban nhạc rock Queen Bee trình bày. Đây cũng là 1 ban nhạc trực thuộc hãng đĩa Sony Music tại Nhật Bản.

Âm nhạc được sử dụng khéo léo, hỗ trợ tối đa các cảnh hành động trở nên phấn khích hơn, cuốn cảm xúc khán giả vào nhịp phim dồn dập khi xảy ra giao tranh. Tóm lại, chắc chắn mình sẽ tìm lại album soundtrack của Sát thủ đối đầu để tận hưởng thêm. Các bạn cũng có thể nghe thêm album tại Apple Music và Spotify.

Màu sắc Nhật Bản

Được chuyển thể từ tiểu thuyết Nhật Bản của tác giả Kotaro Isaka, bối cảnh Nhật Bản vẫn được giữ nguyên nhưng dàn nhân vật bị thay đổi nhiều nhằm phù hợp với kế hoạch của nhà sản xuất Mĩ. Ban đầu, phim vấp phải chỉ trích “tẩy trắng” nhân vật khi chọn các diễn viên da trắng, song sau khi xem, mình lại thấy văn hóa Nhật Bản vẫn được đưa vào tinh tế chứ không hề biến mất.

Sony đã dựng các màn hình LED ở bên ngoài để chiếu các cảnh làng quê nông thôn Nhật, cũng như nhiều khu phố sầm uất, hay cảnh ngoại ô hùng vĩ. Một số nét đặc trưng như đao katana, mặt nạ quỷ setsubun, linh vật momomon đã cho thấy điều đó, nếu không tính phần âm nhạc đã “Nhật hóa” rất nhiều.

 

Rất nhiều chi tiết trong phim gợi nhắc khán giả đến nước Nhật

Cốt truyện bị chỉ trích nhiều

Song, bên cạnh các mặt tích cực đó, Sát thủ đối đầu vẫn đáng bị chê trách về câu chuyện. Chủ yếu các lời chê bai ở giới phê bình cũng tập trung vào cốt truyện, bị cho là nhảm nhí quá trớn. Dễ hiểu mà, vốn dĩ đây là phim có bầu không khí cợt nhả, thiếu nghiêm túc để đẩy cao tính hài hước.

Kịch bản kể chuyện theo lối phi tuyến tính, sắp đặt các nhân vật với những câu chuyện riêng lên 1 chuyến tàu. Tưởng như mỗi người lại có hành trình riêng rời rạc chẳng liên quan nhau, song đến cuối phim, tất cả được hội tụ lại và liên kết thành 1 chỉnh thể. Nghe giống Quentin Tarantino nhỉ? Đó là chưa kể 2 nhân vật Chanh và Quýt khá giống bộ đôi trong Pulp Fiction nữa đấy.

Mở đầu phim hơi nhiều và có thể khiến 1 số khán giả thiếu kiên nhẫn. tiết tấu được đẩy nhanh dần song 1 số quãng lại thoại quá nhiều nhằm cố pha trò, nếu cười được thì còn đáng giá chứ bạn mà thấy trôi tuột qua thì coi như đã thất bại. Cảm nhận lúc này sẽ chỉ là thoại nhảm tốn thời gian. Một số chỗ như này có thể bỏ đi mà không ảnh hưởng gì đến mạch phim hay câu chuyện.

Phản diện "đầu voi đuôi chuột"

Điểm đầu tiên khiến mình thất vọng là có 1 số nhân vật bị xử lý quá chóng vánh. Nhà sản xuất muốn chúng ta cười nên đã chọn 1 số cách kết liễu thực sự… nhảm đến vô lý. Ấy là khi tiếng cười dứt, chúng ta cảm thấy hơi hụt hẫng - Ơ thế c.h.ế.t thật rồi à? Vâng! Nhân vật sát thủ được giới thiệu chỉ để đến cuối phim kết nối câu chuyện, kết lãng xẹt khác hẳn phần giới thiệu khá ngầu.

Tiếp nữa, thất vọng thứ 2 là phản diện White Death. Biên kịch đã lặp lại sai lầm phổ biến trong rất nhiều bộ phim khi xây dựng tuyến phản diện - đầu voi đuôi chuột. Bộ dạng khi diện kiến thì hơi… buồn cười chứ không đáng sợ như những mô tả cài cắm suốt từ đầu phim. Khả năng gây nguy hiểm không có mấy, chủ yếu để thúc đẩy mạch phim qua các cuộc gọi rồi đến cuối đóng vai người kể chuyện. Còn bộ sậu lâu la thì thôi, thất vọng dã man.

Đây có lẽ là lựa chọn của biên kịch, biến tổ chức tội phạm nguy hiểm nhất thế giới thành những gã hề để tấu hài. Kì thực, mình đã tưởng là sẽ có màn đâm chém máu me kiểu Kill Bill của Tarantino cơ. Nếu so sánh hình ảnh flashback thì ông trùm trong quá khứ còn ngầu hơn nhiều, tạo cảm giác uy hiế‌p nhất định. Còn những tên côn đồ xuất hiện ở giữa các trạm dừng có lẽ còn ra dáng yakuza hơn.

Cuối cùng, chi tiết con rắn dường như để mang tính hù dọa trẻ con, bởi đến sau cùng thì nó cũng không có vai trò to lớn nào trong cốt truyện, trừ việc gây cười.

Kết luận

Tổng kết lại, Sát thủ đối đầu là 1 phim giải trí thích hợp để ra rạp lúc này, miễn là bạn hiểu rõ mình đang kì vọng điều gì và xác định thể loại yêu thích. Bạn thích xem phim nặng đô hơn, máu me chém giết kiểu Kill Bill thì dừng ngay. Thích xem phim tâm lí hay thông điệp nhân văn cũng thôi luôn. Chỉ đơn giản là 1 tác phẩm hành động hài hước, đậm chất giải trí và mang nặng màu sắc Nhật Bản. Ấn tượng nhất là âm thanh cực kì đã tai.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật