Số ca mắc COVID-19 tăng trở lại, người dân cần làm gì?

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Dịch bệnh truyền nhiễm hiện nay vẫn diễn biến rất phức tạp, trong nước đã ghi nhận gia tăng trở lại các ca mắc COVID-19, nhiều bệnh nhân phải nhập viện điều trị và nhiều ca bệnh chuyển nặng.
Số ca mắc COVID-19 tăng trở lại, người dân cần làm gì?
Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho hay công tác phòng chống dịch thời gian qua vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Ảnh: BYT

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã cảnh báo về tình hình dịch bệnh truyền nhiễm đang diễn biến rất phức tạp tại Hội nghị trực tuyến đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vaccine COVID-19 và tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh diễn ra sáng 2-8.

Ca mắc COVID-19 tăng trở lại ở cả hai miền Nam - Bắc

Theo Bộ Y tế, trong bảy tháng đầu năm 2022, nhiều quốc gia tiếp tục ghi nhận số mắc và t‌ử von‌g do các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi, nhất là đại dịch COVID-19 với sự xuất hiện của những biến chủng mới có tốc độ lây lan nhanh.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nhấn mạnh trong nước đã ghi nhận gia tăng trở lại các ca mắc COVID-19, nhiều bệnh nhân phải nhập viện điều trị và nhiều ca bệnh chuyển nặng trong thời gian gần đây.

Sự xuất hiện của các biến thể phụ mới của biến thể Omicron như BA.4, BA.5 lây lan nhanh hơn các biến thể trước và mới nhất là các biến thể BA.2.12.1, BA.2.75 gây nhiều khó khăn cho công tác phòng chống dịch.

Tại hai bệnh viện (BV) về bệnh nhiệt đới lớn nhất của cả nước là BV bệnh nhiệt đới TP.HCM và BV bệnh nhiệt đới trung ương (Cơ sở Đông Anh, Hà Nội) đều ghi nhận số ca mắc COVID-19 tăng trở lại.

Theo BS Nguyễn Thanh Phong, Trưởng Khoa nhiễm D BV bệnh nhiệt đới TP.HCM, hiện khoa đang có 20 ca COVID-19 nặng điều trị. Số ca mắc tăng gấp đôi so với các tuần trước.

Tình trạng người dân chủ quan, lơ là phòng dịch bệnh

Theo PGS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho rằng số ca mắc tăng trở lại có thể liên quan tới biến chủng BA.4, BA.5 và do người dân chủ quan, lơ là thực hiện phòng bệnh khi cuộc sống dần trở lại bình thường. Họ không đeo khẩu trang, người có triệu chứng bệnh không cách ly, không xét nghiệm...

Các bệnh nhân nặng chủ yếu có bệnh nền như cao huyết áp, đái tháo đường, thận mạn, người lớn tuổi, một số có bệnh lý rối loạn miễn dịch, ung thư, HIV. Trong số này cũng có người chưa tiêm vaccine.

Tại khu vực phía Bắc, lãnh đạo BV bệnh nhiệt đới trung ương cho hay những ngày gần đây, cơ sở này liên tục tiếp nhận các ca bệnh COVID-19 nặng và nguy kịch chuyển về viện.

Theo lãnh đạo Khoa hồi sức tích cực, hiện khoa đang điều trị cho hơn 20 bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch. Trong số này có nhiều bệnh nhân phải thở máy, số còn lại phải thở ôxy mask hoặc HFNC (ôxy dòng cao).

Theo các bác sĩ, các bệnh nhân chuyển nặng hầu hết đều là người cao tuổi, nhiều bệnh nền. Ngoài ra, những ca trung niên có bệnh nền nặng như HIV, ung thư. Tiên lượng của các bệnh nhân này đều xấu, nhiều ca có nguy cơ t‌ử von‌g do bản thân bệnh nền phức tạp và yếu tố tuổi tác.

Thực hiện nghiêm khuyến cáo 2K

Quán triệt quan điểm đặt tính mạng của người dân lên trên hết, thực hiện hiệu quả việc kiểm soát dịch bệnh trên quan điểm phòng dịch từ sớm, từ xa, từ cơ sở, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đề nghị các cấp, các ngành, địa phương quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm những giải pháp phòng chống dịch COVID-19 theo khuyến cáo “2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vaccine + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác” với các trụ cột cách ly, xét nghiệm, điều trị.

Vaccine chính là cứu cánh để đời sống được trở về bình thường. Ảnh: NHƯ LOAN

Chỉ đạo theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, nhất là sự xuất hiện các biến thể mới; chủ động có các giải pháp ứng phó với các dịch bệnh có nguy cơ bùng phát trên địa bàn và ngăn chặn, kiểm soát ngay tại cửa khẩu với các dịch bệnh mới; chỉ đạo các cơ sở điều trị thực hiện tốt việc phân tuyến, phân luồng khám, sàng lọc bệnh.

Tập trung đẩy nhanh hơn nữa tốc độ tiêm vaccine phòng COVID-19 theo chỉ đạo của Chính phủ, hoàn thành sớm nhất kế hoạch đề ra; đặc biệt chú trọng việc tiêm vaccine mũi 3, mũi 4 cho từng nhóm đối tượng, tiêm vaccine cho trẻ em từ năm đến dưới 12 tuổi theo hướng dẫn của Bộ Y tế và không để vaccine không được sử dụng kịp thời, gây lãng phí; khẩn trương rà soát kế hoạch tiêm sáu tháng cuối năm 2022 và xây dựng kế hoạch tiêm năm 2023.

Bà Lan cũng lưu ý các địa phương tập trung đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine COVID-19, hoàn thành sớm nhất kế hoạch, nhất là việc tiêm mũi 3, mũi 4 cho từng nhóm đối tượng và tiêm chủng cho trẻ 5-11 tuổi.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế nói: “Không để vaccine không được sử dụng kịp thời, gây lãng phí”.

Nhấn mạnh vai trò của tiêm vaccine ngừa COVID-19 trong việc hạn chế khả năng và tình trạng tăng nặng nếu nhiễm virus. Trước đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết các nghiên cứu trên thế giới cho thấy hiệu quả của vaccine COVID-19 giảm dần theo thời gian, khoảng sáu tháng sau khi tiêm. Vì vậy, WHO và CDC Mỹ đã khuyến cáo tiêm mũi 3, mũi 4 để phòng chống dịch. Nhiều nước đã tiêm mũi 3, mũi 4 cho người lớn và trẻ v‌ị thà‌nh niê‌n.

“Nguy cơ dịch chồng dịch là hiện hữu!”

Từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước ghi nhận 136.075 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, trong đó 45 bệnh nhân t‌ử von‌g.

Các bệnh tay-chân-miệng, sốt rét, sởi, dại có số ca mắc giảm so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, bệnh tay-chân-miệng gia tăng cục bộ tại một số địa phương, bệnh sởi rải rác tại một số nơi.

Bộ Y tế đánh giá nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam của bệnh đậu mùa khỉ và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới nổi khác là hiện hữu khi dịch bệnh đã lây lan nhanh ở nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới.

Các bệnh truyền nhiễm lưu hành trong nước như sốt xuất huyết, tay-chân-miệng, cúm… đang trong mùa cao điểm bùng phát dịch, làm tăng nguy cơ dịch chồng dịch và ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, sự phát triển kinh tế - xã hội.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đề nghị các cấp, các ngành, địa phương thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chủ động, quyết liệt trong phòng chống dịch bệnh.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật