Chú trọng đổi mới hình thức giáo dục chính trị, tư tưởng

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Giáo dục chính trị, tư tưởng là mặt công tác vốn khô khan và nhiều lý thuyết, không dễ tiếp nhận đối với chiến sĩ mới. Để tạo tính hấp dẫn, Đảng ủy, Ban Chỉ huy Tiểu đoàn Huấn luyện-Cơ động, BĐBP Quảng Ninh đã triển khai nhiều cách làm hiệu quả nhằm đổi mới hình thức giáo dục chính trị, tư tưởng. Nhờ đó, chiến sĩ mới dễ tiếp thu, dễ nhớ, giúp nâng cao nhận thức, bồi dưỡng lí tưởng cách mạng cho chiến sĩ mới.
Chú trọng đổi mới hình thức giáo dục chính trị, tư tưởng
Chiến sĩ mới tham quan, viếng Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Pò Hèn tại xã Hải Sơn, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Tạ Viết Phong

Khơi dậy lòng tự hào về truyền thống lịch sử

Đã thành thông lệ, hàng năm, vào đầu hè, khi mỗi lứa tân binh vào Tiểu đoàn Huấn luyện-Cơ động, BĐBP Quảng Ninh, Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Ninh phối hợp với đơn vị tổ chức học tập ngoại khóa tìm hiểu về lịch sử, truyền thống, đường biên, mốc giới... cho chiến sĩ mới. Dư âm của chuyến học tập kéo dài 3 ngày vẫn còn đọng lại trong tâm trí của Binh nhì Lê Thanh Hải, Tiểu đội 10, Trung đội 3, Đại đội Huấn luyện, Tiểu đoàn Huấn luyện-Cơ động, BĐBP Quảng Ninh.

Trong chuyến đi vào tháng 6 vừa qua, Hải cùng đồng đội của mình được tìm hiểu về lịch sử, quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của BĐBP Quảng Ninh, được tham quan Nhà truyền thống tại Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Ninh. Gần 100 chiến sĩ mới trong chuyến học tập còn được tham quan, viếng Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Pò Hèn tại xã Hải Sơn, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh.

Trong chuyến học tập này, gây ấn tượng, xúc động sâu sắc nhất đối với Hải đó là em cùng đồng đội được lắng nghe lãnh đạo Đồn Biên phòng Pò Hèn, BĐBP Quảng Ninh giới thiệu về lịch sử hình thành và những chiến công oanh liệt của cán bộ, chiến sĩ Đồn 209 Công an nhân dân vũ trang (nay là Đồn Biên phòng Pò Hèn) trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Còn điểm thú vị nhất của chuyến đi, đối với Hải, đó là được tìm hiểu thực tế về hệ thống đường biên, mốc giới, cửa khẩu tại biên giới tuyến Móng Cái, Quảng Ninh.

Xúc động chia sẻ sau chuyến đi, Binh nhì Lê Thanh Hải cho biết: “Qua chuyến học tập, chúng em đã hiểu và nắm rõ hơn về nhiệm vụ của BĐBP nơi biên cương Tổ quốc và được nhìn, được thấy nỗi gian nan, vất vả của các anh. Đặc biệt, chúng em được tìm hiểu về lịch sử, truyền thống, quá trình chiến đấu và trưởng thành của lớp lớp thế hệ cán bộ, chiến sĩ BĐBP Quảng Ninh. Chuyến đi học tập rất bổ ích và thú vị, làm em càng thêm yêu màu xanh áo lính. Nếu có cơ hội được gắn bó lâu dài với lực lượng Biên phòng thì đó là một điều rất tuyệt vời”.

Bên cạnh các hình thức giáo dục chính trị với những câu chuyện lịch sử, tham quan các di tích lịch sử truyền thống cách mạng, Tiểu đoàn Huấn luyện-Cơ động, BĐBP Quảng Ninh còn lồng ghép nội dung giáo dục chính trị vào các hoạt động như sinh hoạt tại đơn vị, giờ nghỉ, khi tăng gia sản xuất... Tại buổi sinh hoạt, chiến sĩ sẽ được thông tin về tình hình thời sự, chính trị, xã hội trong và ngoài nước; trao đổi, tư vấn tâm tư, tình cảm, nguyện vọng; giải đáp, tư vấn Pháp Luật...

Không dừng lại ở đó, vào thứ 7, Chủ nhật hàng tuần, ngoài hoạt động “Ngày Chủ nhật xanh”, “Thứ 7 tình nguyện”, đơn vị cũng tổ chức cho chiến sĩ mới xem tư liệu, hình ảnh, video các nội dung theo định hướng. Vào giờ nghỉ, khi tăng gia sản xuất, đơn vị sử dụng loa phát thanh nội bộ để tuyên truyền gương người tốt, việc tốt... đến các chiến sĩ. Trên thao trường, đơn vị duy trì “Tổ báo thao trường” với các loại báo phục vụ các chiến sĩ đọc trong giờ giải lao.

Gần gũi, kịp thời động viên chiến sĩ an tâm tư tưởng

Chiến sĩ Đỗ Xuân Lụ, quê thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh có hoàn cảnh gia đình khá đặc biệt. Bố em mất sớm, mẹ mắc bệnh ung thư. Là người con duy nhất trong gia đình, từ ngày còn bé, Lụ đã là một cậu bé hiểu chuyện, chăm ngoan và rất thương mẹ. Để có tiền điều trị cho mẹ, tài sản có giá trị lớn nhất của hai mẹ con là ngôi nhà cũng đành mang bán.

Không lâu sau đó, theo tiếng gọi của Tổ quốc, Lụ lên đường nhập ngũ và mang theo nỗi nhớ thương, lo lắng về mẹ. Với tấm lòng san sẻ yêu thương, phát huy truyền thống quý báu “Lá lành đùm lá rách” của dân tộc, Đảng ủy, Ban Chỉ huy Tiểu đoàn Huấn luyện-Cơ động, BĐBP Quảng Ninh đã phát động, kêu gọi cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị, mỗi người ủng hộ một ngày lương cho mẹ Lụ trả chi phí điều trị căn bệnh hiểm nghèo.

Cảm động trước tấm lòng của cấp ủy, chỉ huy đơn vị và đồng đội, Đỗ Xuân Lụ không khỏi xúc động nói: “Em vô cùng cảm ơn cấp ủy, chỉ huy đơn vị và đồng đội đã giúp đỡ em lúc khó khăn nhất. Được sự quan tâm, động viên cả về vật chất và tinh thần này, em sẽ tiếp tục vững tâm hơn trong học tập, rèn luyện và cuộc sống sau này”.

Thượng tá Nguyễn Hữu Trí, Chính trị viên Tiểu đoàn Huấn luyện-Cơ động, BĐBP Quảng Ninh cho biết: “Ngay khi tiếp nhận chiến sĩ mới, cấp ủy, chỉ huy đơn vị đã xác định việc giáo dục chính trị, tư tưởng cho chiến sĩ mới là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, quyết định đến kết quả hoàn thành nhiệm vụ được giao”.

Nhờ chú trọng điều này mà đơn vị đã duy trì hiệu quả mô hình “Tổ ba người”, “Tổ tư vấn tâm lý, Pháp Luật”... Đồng thời, đơn vị thường xuyên tổ chức “Sinh nhật đồng đội” cho chiến sĩ mới trong tháng, từ đó, tạo sự gắn bó, đoàn kết, thân thiết với nhau; tổ chức các hoạt động diễn đàn thanh niên, văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao..., thu hút đông đảo cán bộ, chiến sĩ tham gia.

Những hoạt động phong trào phong phú, gần gũi với tuổi trẻ đã tạo được bầu không khí gần gũi, ấm áp trong Tiểu đoàn Huấn luyện-Cơ động, BĐBP Quảng Ninh. Từ đó, chiến sĩ mới đã mạnh dạn chia sẻ tâm tư, tình cảm, mong muốn, nguyện vọng của mình về tình cảm, hoàn cảnh, đời sống, quá trình học tập, rèn luyện, công tác. Đồng thời, người chỉ huy đơn vị cũng nắm bắt được tình cảm, tâm tư nguyện vọng thể tháo gỡ những vướng mắc cho chiến sĩ mới.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật