Hà Nội: Ứng dụng công nghệ xử lý rác thải, hướng đi bền vững cho môi trường xanh

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nhận thức rõ tầm quan trọng của kinh tế xanh với phát triển bền vững, TP. Hà Nội đã ban hành nhiều chính sách thuận lợi để thu hút đầu tư, đẩy mạnh chủ trương xã hội hoá, hỗ trợ các HTX cùng chung tay giải quyết, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Hà Nội: Ứng dụng công nghệ xử lý rác thải, hướng đi bền vững cho môi trường xanh
Hà Nội đang đẩy mạnh xã hội hoá, hỗ trợ các HTX cùng chung tay giải quyết, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Theo thống kê của Sở TN&MT Hà Nội, hiện nay, trung bình mỗi ngày trên địa bàn TP phát sinh hơn 6.500 tấn rác thải sinh hoạt. Ngoài ra, còn một lượng lớn rác thải công nghiệp từ các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp. Với đà này, mỗi năm, số rác thải của Hà Nội tăng thêm khoảng 5%. Dự tính đến năm 2030, mỗi ngày, TP sẽ phải xử lý số rác thải gấp gần 1,5 lần con số hiện tại.

Lượng lớn vẫn xử lý bằng chôn lấp

Thực tế trên đang tồn tại mâu thuẫn đáng lo ngại, đó là lượng rác thải của TP Hà Nội ngày càng tăng, trong khi công nghệ, hạ tầng, quy mô xử lý rác thì dường như vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu.

Ngoài các khu xử lý rác nhỏ lẻ, Hà Nội hiện chỉ có 3 khu vực xử lý rác chính là Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (Sóc Sơn), Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn (Sơn Tây) và Khu xử lý chất thải Cầu Diễn (Nam Từ Liêm). Trong đó, Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn có công suất lớn nhất, với gần 4.000 tấn rác mỗi ngày.

Phương thức xử lý rác thải ở các khu xử lý trên hiện chủ yếu vẫn là chôn lấp, lạc hậu, chưa ứng dụng công nghệ tiên tiến vào xử lý, như: Công nghệ đốt rác, công nghệ chuyển đổi rác thành năng lượng.

Chính vì thế mà qua thời gian, diện tích dùng để chôn lấp bị thu hẹp, hạ tầng quá tải dẫn đến phát sinh các sự cố. Những lần như vậy, việc thu gom, xử lý rác bị gián đoạn, gây tồn đọng rác ngoài môi trường nhiều ngày.

PGS.TS Phạm Văn Lợi, viện Khoa học Môi trường cho biết: Ứng dụng tiến bộ và đổi mới công nghệ, kỹ thuật vào xử lý chất thải là tạo ra một môi trường sản xuất sạch hơn, giảm thiểu phát thải ô nhiễm.

Chất thải được thu gom sản xuất thành các dạng sản phẩm hữu ích, khí sinh học, sản xuất điện, gạch không nung… Để lựa chọn được mô hình quản lý và công nghệ phù hợp cần đẩy mạnh tìm hiểu và ứng dụng công nghệ, giải pháp tiên tiến, hiện đại vào xử lý rác thải, tăng cường xúc tiến thương mại, chuyển giao công nghệ giữa các doanh nghiệp, HTX trong nước với các đối tác nước ngoài.

Thực tế, trong nhiều năm qua, TP Hà Nội đã rất quan tâm đến hoạt động thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, tuy nhiên công tác này vẫn còn nhiều bất cập.

Điều này đòi hỏi Hà Nội cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp theo hướng ứng dụng khoa học - công nghệ trong quá trình xử lý rác thải, góp phần tích cực vào việc giảm thiểu ô nhiễm, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Công nghệ đốt rác hiện đại

Tại thị xã Sơn Tây, Nhà máy Xuân Sơn được xây dựng bằng 100% nguồn vốn của HTX Thành Công tự huy động, toàn bộ hệ thống máy móc, trang thiết bị đã được các sở, ngành của Hà Nội thẩm định.

Nhà máy đã đáp ứng đầy đủ các thủ tục theo quy định hiện hành như: Đầu tư, công nghệ, báo cáo đánh giá tác động môi trường, phương án phòng cháy chữa cháy, nghiệm thu đưa vào sử dụng, quản lý phân luồng tiếp nhận rác.

Với việc khuyến khích các doanh nghiệp, HTX đầu tư công nghệ xử lý rác thải sẽ giúp Thủ đô giải quyết được bài toán về xử lý môi trường.

Theo đó, hệ thống tổ hợp lò đốt của nhà máy hiện nay gồm 4 lò, tổng công suất vận hành tối đa 300 tấn/ngày/đêm. Hiện tại, 4 hệ thống lò đốt của HTX đã hoạt động ổn định và đạt kết quả tốt. Công suất  xử lý khoảng gần 250 tấn/ngày/đêm.

Về nguyên lý phân loại, rác được đổ vào khu chứa, sau đó được cầu trục ngoạm phân phối cho các dây chuyền phân loại. Trong quá trình phân phối, các loại rác cồng kềnh, kích cỡ lớn sẽ được gắp sang hành lang công tác và chuyển đến máy cắt rác trước khi đến khu chờ đốt. Việc này sẽ loại bỏ và lưu giữ các thành phần rác nguy hại tại một khu riêng, chờ đơn vị đủ chức năng xử lý theo quy định.

Về hiệu suất của lò đốt, ông Phạm Thiện Lộc - Chủ tịch HĐQT HTX Thành Công cho biết: "Nhiệt độ lò đốt theo tiêu chuẩn lò sơ cấp là hơn 500 độ C, lò thứ cấp là hơn 800 độ C, thì cả hai cấp độ trên của nhà máy đều đạt (trong đó sơ cấp dao động từ 900 - 1.100 độ C, lò thứ cấp 1.000 - 1.300 độ C). Từ các ngưỡng nhiệt lượng lý tưởng trên, hiệu suất đốt thiêu hủy rác của các lò đang đạt ở mức 80%; 20% còn lại là các chất trơ không đốt được (gạch, đá, đất, than tổ ong) và trong số này chỉ có 5-7% là tro xỉ. Kết quả này đã góp phần giảm thiểu tối đa khối lượng phải đem đi chôn lấp".

Bên cạnh đó, với quy trình khép kín, các nguồn cấp khí cho lò đốt sẽ được dẫn lưu trực tiếp từ kho chứa rác. Ưu điểm của việc này là tận dụng được các khí gas phát sinh trong quá trình phân hủy rác, giảm thiểu được sự phát tán của các khí phát sinh ra môi trường.

Từ hoạt động của HTX Thành Công, để định hướng trong thời gian tới, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Thế Công cho hay, UBND TP định hướng trong giai đoạn 2021-2025 sẽ đẩy mạnh việc xử lý rác thải áp dụng công nghệ hiện đại, công nghệ tiên tiến, thành phố đã ban hành 5 tiêu chí chính, 5 tiêu chí phụ lựa chọn nhà đầu tư quản lý, xử lý rác thải.

Cùng với giải pháp công nghệ, Sở Xây dựng Hà Nội cũng kiến nghị UBND TP các giải pháp đồng bộ về quản lý chất thải rắn sinh hoạt trong giai đoạn tới. Cụ thể, Sở Xây dựng rà soát, điều chỉnh cục bộ Quy hoạch xử lý chất thải rắn, xây dựng các giải pháp về quản lý, vận hành các khu xử lý tập trung. Trong đó, tối ưu hóa quá trình thu gom, vận chuyển, xây dựng các trạm trung chuyển, điểm tập kết, thực hiện giảm thiểu và phân loại rác tại nguồn.

Có thể nói, đây là những giải pháp tổng thể, bài bản, giúp TP giải quyết vấn đề xử lý rác thải theo hướng tối ưu về môi trường, phù hợp với đô thị văn minh, hiện đại.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật