Đằng sau các “ca sốt” trong đợt bùng dịch tại Triều Tiên

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chia sẻ với Zing, các chuyên gia y tế nhận định Triều Tiên không nên chỉ tập trung vào “ca sốt”, đồng thời cảnh báo lệnh phong tỏa có thể khiến “cuộc khủng hoảng” thêm trầm trọng.
Đằng sau các “ca sốt” trong đợt bùng dịch tại Triều Tiên
Nhà lãnh đạo Triều Tiên đến kiểm tra một hiệu thuốc ở thủ đô Bình Nhưỡng. Ảnh: KCNA.

Khi được hỏi về nguyên nhân Triều Tiên sử dụng từ “ca sốt” trong đợt bùng dịch, giáo sư Jin Dong Yan, nhà virus học tại Đại học Hong Kong, chia sẻ “đó là cách duy nhất để họ xác định người bệnh”.

“Không ai có thể khẳng định liệu Triều Tiên có ca mắc trước (đợt bùng dịch này) hay không. Họ nhận ra đợt bùng dịch này khi đã có một số ca t‌ử von‌g”, giáo sư Jin nói với Zing.

Theo ông, khi Triều Tiên thực hiện xét nghiệm trên một nhóm nhỏ, nhiều người trong số họ cho kết quả dương tính với nCoV. Vì vậy, ông Jin cho rằng không loại trừ khả năng đợt bùng phát dịch đã xảy ra ở nước này trước đó, vì họ không thực hiện xét nghiệm Covid-19 thường xuyên.

Đồng tình với cách lý giải này, tiến sĩ Siddharth Sridhar, khoa vi sinh của Đại học Hong Kong, cho biết: “Từ những thông tin ít ỏi hiện có, dường như đợt dịch đã lây lan mạnh mẽ trong cộng đồng ở Triều Tiên. Rất có thể do không đủ năng lực xét nghiệm Covid-19, họ chỉ gọi đó là các ‘ca sốt’”.

Triều Tiên lần đầu ghi nhận đợt bung phát dịch Covid-19 vào ngày 12/5, sau hơn 2 năm không báo cáo ca mắc nào. Hôm 20/5, quốc gia này đã công bố hơn 260.000 "ca sốt", nâng tổng số trường hợp vượt mốc 2 triệu.

Không nên chỉ tập trung vào các “ca sốt”

Theo giáo sư Jin, Triều Tiên khó có thể ngăn chặn được đợt bùng phát dịch nghiêm trọng này nếu chỉ tập trung vào những “ca sốt”.

“Vì nhiều người không có triệu chứng và họ có thể đã lây truyền virus cho người khác, họ không bao giờ có thể ngăn dịch lây lan nếu chỉ tập trung vào những người bị sốt”, giáo sư Jin nói với Zing.

Bên cạnh đó, giáo sư Jin cho rằng khó có thể biết được Covid-19 đã lan truyền vào nước này bằng con đường nào. Nguyên nhân khả dĩ nhất có lẽ là những người vượt biên trái phép vào Triều Tiên. Trước đó, Triều Tiên đã đóng cửa biên giới từ đầu năm 2020 và chưa từng báo cáo ca nhiễm nào kể từ đầu đại dịch.

Trước đợt bùng dịch lây lan với “tốc độ bùng nổ”, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đang tìm mọi cách để đối phó. Sau khi Bình Nhưỡng công khai về đợt bùng phát vào ngày 12/5, ông Kim bắt đầu tham dự các cuộc họp khẩn cấp gần như mỗi ngày.

Ông ra lệnh phong tỏa trên toàn quốc, triển khai quân đội để cung cấp thuốc và công khai chỉ trích các quan chức vì phản ứng thiếu hiệu quả trong phòng chống dịch, đặc biệt là việc không mở cửa các hiệu thuốc 24/7.

Do nước này thiếu vắng chương trình tiêm chủng quốc gia và thuốc điều trị Covid-19, truyền thông Triều Tiên đã khuyến khích bệnh nhân bị “sốt” dùng thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh, cũng như những phương thuốc tại gia như nước súc họng, uống trà kim ngân hoa hay trà lá liễu.

Hãng thông tấn nhà nước Triều Tiên KCNA còn cho biết các nhà máy đang sản xuất thêm xilanh, thuốc, nhiệt kế và các vật tư y tế khác “với tốc độ chớp choáng” tại thủ đô Bình Nhưỡng và những vùng xung quanh, trong khi nhà chức trách đang dựng thêm nhiều khu cách ly và tăng cường khử khuẩn.

Tuy nhiên, cho đến nay, Triều Tiên đã từ chối đề nghị hỗ trợ từ Hàn Quốc và Mỹ, đồng thời từ chối đề nghị cung cấp thêm dữ liệu đại dịch từ WHO.

Tại Triều Tiên, đa số người dân vẫn chưa được tiêm chủng. Đề cập đến vấn đề này, giáo sư Jin cho rằng điều đó có thể khiến nhiều người cao tuổi ở Triều Tiên đối mặt với nguy cơ t‌ử von‌g.

Trao đổi với tờ Time, giới chuyên gia cũng cho rằng với khả năng xét nghiệm thấp, Triều Tiên sẽ khó xác nhận liệu tất cả “ca sốt” có mắc Covid-19. Với cơ sở hạ tầng y tế còn nhiều thiếu sót và tình trạng thiếu vaccine, cuộc khủng hoảng y tế của Triều Tiên có thể thêm trầm trọng nếu họ không yêu cầu sự giúp đỡ.

Khủng hoảng thêm trầm trọng

Trước tình hình dịch bệnh tại Triều Tiên hiện nay, tiến sĩ Siddharth Sridhar đã bày tỏ nhiều quan ngại.

“Sự lan truyền nhanh chóng của biến chủng Omicron ở một quốc gia mà hầu hết người dân chưa được tiêm chủng và chưa mắc Covid-19 trước đó, sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo”, ông nói với Zing.

“Người dân ở Triều Tiên sẽ phải chịu đựng nhiều khó khăn. Những người trẻ hơn sẽ sống sót nhưng phải đối mặt với khó khăn lớn về kinh tế và tình trạng mất an ninh lương thực do phong tỏa kéo dài. Trong khi đó, những người lớn tuổi hoặc có bệnh nền sẽ phải đối mặt với nguy cơ bệnh diễn tiến nặng hoặc t‌ử von‌g cao, vì hệ thống chăm sóc sức khỏe sẽ nhanh chóng bị quá tải”, vị tiến sĩ cho biết thêm.

Ông cũng cho rằng “tư tưởng tự cường (juche) của Triều Tiên cùng với các biện pháp trừng phạt tồn tại từ trước sẽ chỉ khiến mọi thứ khó khăn hơn”.

Thủ đô Bình Nhưỡng trong cảnh phong tỏa. Ảnh: KCNA.

Từ lâu, các vấn đề kinh tế như thiếu lương thực đã gây khó khăn cho Triều Tiên, trong bối cảnh chính quyền Bình Nhưỡng chi một phần đáng kể GDP cho các chương trình quân sự và hạt nhân quy mô lớn, thay vì các nguồn lực dân sự, theo Time.

Trong hai năm qua, đại dịch Covid-19 càng khiến tình hình trầm trọng hơn. Nền kinh tế Triều Tiên suy giảm 4,5% vào năm 2020 - mức giảm lớn nhất trong 23 năm, theo Ngân hàng trung ương Hàn Quốc.

Việc thiếu lương thực kéo đã dài dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng. Ở Triều Tiên, cứ 10 người sẽ có hơn 4 người không được đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày, theo báo cáo của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc.

Một báo cáo được Liên Hợp Quốc công bố vào năm 2019 cũng cho thấy gần 10 triệu người ở Triều Tiên không được tiếp cận với nước uống an toàn và 16% dân số không được tiếp cận với các thiết bị vệ sinh cơ bản, khiến họ có nguy cơ mắc bệnh nặng.

Chính quyền Bình Nhưỡng cũng từng thừa nhận tình trạng “thiếu nhân viên y tế có năng lực và các loại thuốc thiết yếu, cũng như trình độ kỹ thuật thấp của các nhà máy dược phẩm và thiết bị y tế”, trong một báo cáo đệ trình lên Liên Hợp Quốc vào năm 2021. Các hiệu thuốc cũng được báo cáo là thiếu vật tư y tế và phương tiện bảo quản, bệnh viện thiếu điện và thiếu hệ thống sưởi.

Đồng tình với quan điểm của tiến sĩ Sridhar, giáo sư Jin Dong Yan cho rằng Covid-19 sẽ làm trầm trọng thêm những khó khăn của Triều Tiên, quốc gia vốn đang phải đối mặt với các lệnh trừng phạt do chương trình hạt nhân của họ.

Ông cũng nhận định việc cung cấp thực phẩm và nhu yếu phẩm cho người dân trong thời gian bị phong tỏa nghiêm ngặt, có thể khiến hệ thống hậu cần của Triều Tiên bị quá tải.

“Điều đó có thể xảy ra. Hy vọng rằng Trung Quốc và Hàn Quốc có thể giúp cung cấp lương thực và các sản phẩm thiết yếu khác”, vị giáo sư nói với Zing.

Khi được hỏi về bài học từ chính sách chống dịch của Hong Kong và Trung Quốc đại lục đối với Bình Nhưỡng, vị giáo sư cho biết: “Hong Kong không phong tỏa và cũng không tiến hành xét nghiệm PCR bắt buộc trên diện rộng. Bài học lớn nhất từ Hong Kong là việc tiêm phòng cho người lớn tuổi”.

“Ngoài ra, cái khó nhất là làm yên lòng người dân. Sự hoang mang, ám ảnh và sợ hãi thậm chí còn tồi tệ hơn virus. Điều quan trọng là phải giáo dục công chúng và không phóng đại các thiệt hại”, ông Jin nói.

“Năm 1968, đại dịch cúm H3N2 bắt đầu ở Trung Quốc giống như (dịch Covid-19) ở Triều Tiên hiện nay. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn vượt qua. Triều Tiên cũng sẽ vượt qua, miễn là họ không mắc nhiều sai lầm”, vị giáo sư nói thêm.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật