Lạc cha mẹ lúc di tản, bé 9t xin ăn qua ngày được Thiếu tá cưu mang: 33 năm sau thành bộ đội Hải quân

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nỗi tha thiết tìm về cội nguồn đã giúp cậu bé lạc gia đình từ khi 9 tuổi có cuộc đoàn tụ xúc động và đầy nước mắt với máu mủ của mình sau 33 năm xa cách.
Lạc cha mẹ lúc di tản, bé 9t xin ăn qua ngày được Thiếu tá cưu mang: 33 năm sau thành bộ đội Hải quân
Lạc cha mẹ lúc di tản, bé 9t xin ăn qua ngày được Thiếu tá cưu mang: 33 năm sau thành bộ đội Hải quân (Ảnh: Như Chưa Hề Có Cuộc Chia Ly/ Vietgiaitri)

Là một khán giả trung thành của chương trình truyền hình "Như Chưa Hề Có Cuộc Chia Ly", thật mà nói với mỗi số phát sóng của chương trình, tôi đã đều rất xúc động trước những hoàn cảnh ly biệt đầy ngang trái cũng như khoảnh khắc được nhìn thấy những gia đình sau bao năm xa cách bằng một "phép màu" nào đó mà đã tìm lại được nhau. Nhiệm màu vô cùng...

Bài viết dưới đây cũng là một câu chuyện trùng phùng đầy xúc động mà tôi muốn gửi đến quý độc giả tại cộng đồng Ngẫm chuyện đời, câu chuyện về một cậu bé lạc gia đình khi chỉ mới 9 tuổi trong lúc cả nhà cùng nhau đi di tản vào miền Nam. Cuộc đoàn tụ sau 33 năm xa cách trên sóng truyền hình khiến nhiều người phải vỡ òa nước mắt.

Đó là câu chuyện của anh  Lê Văn Duy (SN 1966), ngụ tại P. Thọ Quang, Q. Sơn Trà, TP Đà Nẵng và đang công tác tại Hải quân vùng 3 (Đà Nẵng). Chia sẻ trong chương trình, anh Duy kể rằng vào năm 1975, anh theo gia đình di tản vào miền Nam. Khi đến cảng Tiên Sa (Đà Nẵng), anh bị lạc cha mẹ trong quá trình chuyển tàu, rời bến.

"Trước năm 1975, tôi nhớ quê tôi ở Thừa Thiên. Đến năm 1975, chiến tranh xảy ra, cha đưa mẹ tôi đi trên một chuyến xe máy cày đi từ Huế vào Đà Nẵng. Khi đến cảng Tiên Sa, chuẩn bị xuống tàu nhỏ ra khơi để chuyển sang tàu lớn, lúc đó ba tôi bảo rằng ngồi ở đó với em Chi để ba đưa mẹ và 2 em sang trước.

Trong lúc đợi cha mẹ đưa các em đi, tàu của tôi bất ngờ cập bến ở một sà lan khác gần đó. Thế là tôi dắt em theo dòng người hối hả chạy lên sà. Đêm hôm đó, 2 anh em khóc nức nở vì không tìm thấy cha mẹ. Tôi vì mệt quá mà ngủ thiếp đi rồi em Chi bỏ đi mất. Lúc đó tôi không biết em đi đâu vì người quá đông. Sáng hôm sau chiếc tàu rời bến rồi cứ đi... còn mình tôi ở trên sà lan với mọi người", anh Duy nhớ lại.

Sau khi tàu cập cảng Cam Ranh, cậu bé 9 tuổi chỉ đành biết lang thang xin ăn qua ngày. May mắn sau đó, anh Duy được các chiến sĩ bộ đội giải phóng cưu mang. Được một thời gian anh được mang gửi gắm cho Hội Liên hiệp Phụ nữ cho cô Nguyễn Thị Bình nuôi dưỡng. Đến năm 1987, một vị thiếu tá Anh hùng Lực lượng Vũ trang tên Trần Ngọc Thái - Chính ủy X50 Hải quân đi công tác tại Cam Ranh đã nhận xin anh Duy về nuôi. Sau đó ông đưa con về lại Đà nẵng, đổi tên anh thành Trần Ngọc Di.

Được biết trong suốt 33 năm qua, anh Duy đã được người cha nuôi hết lòng yêu thương và chăm sóc. Năm 1986, chàng trai khoác lên mình chiếc áo lính theo nguyện vọng của cha nuôi. Năm 1994, anh lập gia đình, có một mái ấm mới hạnh phúc. Tuy nhiên nỗi đau về cội nguồn vẫn canh cánh trong lòng, giúp anh có thêm động lực viết đơn gửi chương trình "Như chưa hề có cuộc chia ly", kèm theo một bản vẽ kỹ thuật phác họa lại khung cảnh làng quê cũ theo trí nhớ mơ hồ của cậu bé 9 tuổi.


Cậu bé lạc gia đình năm 9 tuổi được Thiếu tướng cưu mang, 33 năm sau thành bộ đội Hải quân (Ảnh: Như chưa hề có cuộc chia ly/ Vietgiaitri)


Bản vẽ kỹ thuật được anh Duy phác họa lại khung cảnh làng quê cũ có một con sông to được ba đặt máy bơm nước. Tuổi thơ của anh Duy được ngụp lặn trong dòng sông tuổi thơ với nhiều hồi ức đẹp (Ảnh: Như chưa hề có cuộc chia ly/ Vietgiaitri)

Trùng hợp là sau 8 năm phát sóng, gia đình ông Lê Văn Cả (SN 1942) cùng bà Đoàn Thị Ái (SN 1948), hiện đang sống ở Ninh Thuận cũng gửi một lá thư có nhiều điểm trùng hợp với anh Duy nên phía chương trình đã nhanh chóng kết nối.

"Kính gửi chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly, tên tôi là Lê Văn Cả, vợ tôi là Đoàn Thị Ái. Chúng tôi muốn tìm con trai đầu lòng của chúng tôi, trong lúc chạy loạn ở cảng Tiên Sa (Đà Nẵng), tên con là Lê Văn Duy, sinh năm 1966. Cho đến hôm nay, gia đình chúng tôi tìm con đã đuối sức rồi, vì nhiều năm tìm kiếm không có tia hy vọng nào cả, thật là đau xót...", trích một đoạn trong bức thư của ông Cả và bà Ái tìm đứa con thất lạc.

Theo như ông bà chia sẻ, nhiều năm thất lạc con trai khiến hai vợ chồng đau đớn vô cùng, cứ hễ nghe đâu có tin về trẻ em thất lạc, ông bà lại lên đường đi tìm. Ròng rã mấy chục năm trời tìm con, có lúc kinh tế gia đình kiệt quệ nhưng ông bà quyết không bỏ cuộc.

So sánh với bản vẽ kỹ thuật anh Duy gửi về chương trình cùng với việc sử dụng một số phương pháp y học, kết quả xác định anh Trần Ngọc Di chính là anh Lê Văn Duy, cả gia đình sau 33 năm xa cách đã có một cuộc đoàn tụ đầy xúc động khiến ai nấy cũng đều phải vỡ òa.


Cuộc trùng phùng sau 33 năm xa cách của anh Duy và gia đình như một phép màu diệu kỳ (Ảnh: Như chưa hề có cuộc chia ly/ Vietgiaitri)

Quả thật, những câu chuyện đoàn tụ sau nhiều năm xa cách được phát sóng trong chương trình "Như chưa hề có cuộc chia ly" giống như “truyện cổ tích thời hiện đại”, mọi người nhỉ? Nó không đơn thuần chỉ khiến người xem cảm thấy xúc động trước các hoàn cảnh bi thương mà qua đó còn đề cao mạnh mẽ sức sống mãnh liệt của tình cảm máu mủ, cội nguồn nữa.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật