12 thầy giáo tiểu học cùng dạy trong một ngôi trường

Applecat Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đến với nghề ’gõ đầu trẻ’ bằng nhiều ngã rẽ, hàng chục năm trôi qua 12 thầy giáo ở trường Tiểu học Tân Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn luôn tận tụy với công việc ở cấp học thường ’dành cho các cô’.
12 thầy giáo tiểu học cùng dạy trong một ngôi trường
Thầy Lê Anh Vinh tâm sự, để trẻ hiểu được mình, nam giáo viên dạy tiểu học cần phải “mềm mỏng và nhẹ nhàng“. Ảnh: Đức Hùng

Thầy Hồ Văn Hoàn, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, thông thường khi tham gia dạy tiểu học, giáo viên nữ chiếm đa số, bởi đặc thù cô giáo dạy trẻ nhỏ phù hợp hơn. Tuy nhiên, tại trường Tân Lộc, nam giáo viên chiếm số lượng áp đảo, có thể nói là nhiều nhất trong tỉnh Hà Tĩnh ở cấp bậc tiểu học. Họ rất thân thiện, vui tính và được trẻ yêu quý hết mực. 

12 thầy giáo ở trường Tân Lộc có người đang đứng lớp, người đã lên lãnh đạo, nhưng làm ở cương vị nào, lửa nghề vẫn luôn cháy trong họ. Ngồi quây quần bên nhau tâm sự về chuyện đời, chuyện nghề, các thầy luôn cười đùa bảo rằng nghề chọn người, chứ không phải người chọn nghề. Ban đầu chập chững, gặp nhiều khó khăn, nhưng "càng gắn bó lại càng thấy yêu".

Với gần 10 người tham gia giảng dạy, so với hệ Tiểu học, trường Tân Lộc là một trong những ngôi trường có nhiều nam giáo viên nhất ở tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Đức Hùng

Dáng mảnh khảnh, thầy Bùi Văn Hạnh (giáo viên lớp 3) nhớ lại, khoảng 20 năm trước tốt nghiệp phổ thông với đầy hoài bão, thầy nộp đơn thi vào khoa Giáo dục tiểu học Đại học Huế. Ngày ra trường, tiếp xúc với lứa tuổi tiểu học, thầy Hạnh bỡ ngỡ, nhiều lúc thấy rất khó khăn trong việc làm quen với học sinh.

"Học sinh tiểu học khả năng tự phục vụ chưa có, thầy cô giáo phải làm thay. Mình là con trai, những việc chăm sóc cá nhân, chỉ bảo từng hành động cho trẻ không thể thuận tiện bằng con gái được, do vậy ban đầu thấy ngại, phải nhờ các cô truyền đạt kinh nghiệm", thầy Hạnh kể.

Thầy Lê Anh Vinh (giáo viên lớp 4) chia sẻ 15 năm qua luôn tâm niệm một điều trong môi trường sư phạm phải bình đẳng, không có gì phân biệt giáo viên nam - nữ. Nhưng thầy cũng phải thừa nhận "con gái mềm mỏng, tỉ mỉ hơn" nên thuận lợi hơn trong việc dỗ dành, vỗ về học trò nhỏ tuổi.

Xuất thân trong gia đình nghèo khó, thầy Vinh lựa chọn sư phạm với mong muốn sớm có việc làm để đỡ đần bố mẹ. Ngày ra trường, chàng trai lặn lội hơn 60 km từ huyện Hương Sơn xuống huyện Thạch Hà, nay tách thành huyện Lộc Hà để dạy học. Khó khăn, cách trở, đồng lương eo hẹp, nhiều lúc định bỏ nghề, nhưng nhớ tới nụ cười, ánh mắt hồn nhiên của học trò, thầy không nỡ rời xa.

Với thầy Bùi Quang Thế (giáo viên dạy Anh văn) việc chuyển sang dạy tiểu học là ngã rẽ bất ngờ nhưng đầy thú vị. Trước thầy dạy cấp hai, sau đó được điều xuống cấp một, việc chuyển đổi ban đầu cũng gặp không ít trắc trở. "Khi dạy các em nhỏ, mình phải uốn nắn từ từ, lứa tuổi này cần sự mới mẻ, thầy giáo phải hòa đồng, cách dạy phải lôi cuốn, kích thích sự sáng tạo của trẻ", thầy Thế nói.

Ngoài chuyện nghề, chuyện tình cảm của các thầy giáo cũng gắn liền với viên phấn, bục giảng. Thầy Hoàng Phong (dạy lớp 5) tâm sự ngày xưa khi tìm ý trung nhân gặp không ít khó khăn. "Trong môi trường này, chúng tôi chỉ gặp nữ giáo viên tiểu học và mầm non, không tìm hiểu họ thì biết tìm ai", thầy Phong tếu táo.

Các thầy giáo đa số lấy vợ cùng nghề, cùng trường. Sau đó phần đông người vợ đã chuyển công tác, hiện chỉ còn một cặp đang công tác chung. "Có hôm trời rét buốt, vợ chồng cùng đỏ đèn soạn giáo án. Ai cũng thấu hiểu những khó khăn, vất vả của nghề nên động viên nhau cố gắng để tiếp tục theo đuổi nghiệp trồng người, dù rằng đồng lương phải tằn tiện mới đủ chi tiêu", thầy Lê Sỹ Công, giáo viên lớp 5 tâm sự.

Tuy nhiều điểm không bằng phái nữ, nhưng với hoạt động ngoại khóa, các thầy đồng thanh bảo mình ’vô đối’ trong bậc tiểu học của huyện và tỉnh. Thầy Trần Anh Đàn, giáo viên thể dục thông tin do giáo viên nam nhiều nên các thầy chơi đủ ’10 môn phối hợp’, từ văn nghệ cho tới bóng đá, bóng chuyền, kéo co…

"Chúng tôi chia đủ hai đội bóng đá và bóng chuyền, năm nào tham gia hội thao toàn tỉnh cũng dành giải nhất khối tiểu học. Về văn nghệ, các thầy cũng là những giọng ca vàng, luôn giúp trường đạt thành tích cao", thầy Đàn nói.

Về khả năng múa, ca hát, thể dục, thể thao, các thầy giáo ở trường Tiểu học Tân Lộc luôn ’vô đối’. Ảnh: Đức Hùng

Trong nhiều năm đứng trên bục giảng, cứ đến những ngày lễ là 12 thầy giáo lại đong đầy cảm xúc. Thầy Hoàng Phong kể cách đây chục năm, trong ngày 8/3, các học trò mua rất nhiều hoa tặng cô giáo, lúc ấy đi ngang lớp thấy thầy đứng nhìn, các em liền mang tất cả hoa lại tặng thầy. Thầy giáo trẻ bảo mình là nam giới, các em hồn nhiên trả lời từ lâu xem thầy vừa là người bố, vừa là mẹ, nên bắt phải nhận hoa. "Lúc ấy xúc động, nước mắt ướt khóe mi", thầy Phong kể.

Ngày 20/11, các thầy thường gặp lại học sinh cũ để ôn lại kỷ niệm. Có những người bây giờ đã thành đạt, trở về trường gặp lại thầy giáo dạy cấp tiểu học với mái tóc đã pha sương vẫn luôn thầm cảm ơn. "Nhờ thầy mà chúng em mới biết bảng cửu chương", câu nói của một học sinh cách đây 15 năm vẫn luôn được thầy Phong nhớ mãi.

"Hàng chục năm gắn bó với nghề, nhưng tay chúng tôi chưa mỏi, chân vẫn đứng vững. Dạy tiểu học vui lắm, nay đều gần tuổi ngũ tuần rồi, nhưng tất cả đều rất trẻ trung, bởi tiếp xúc với trẻ con nhiều, tâm hồn cảm thấy thoải mái, yêu đời", thầy Hạnh nói và mong muốn luôn tràn đầy sức khỏe để trái tim nhiệt huyết tiếp tục cống hiến với sự nghiệp trồng nghiệp, ươm những mầm xanh cho đất nước.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật