Cảnh giác với “bóng ma” dịch cúm gia cầm “trỗi dậy” ở nhiều nơi trên thế giới

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Việc nhiều nơi trên thế giới từ Mỹ tới châu Âu và nhiều quốc gia Đông Nam Á ghi nhận các trường hợp cúm gia cầm H5N1 khiến nỗi ám ảnh về dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có tỷ lệ t‌ử von‌g tới trên 50% số người nhiễm bệnh này một lần nữa ’trỗi dậy’ ở nhiều nơi trên thế giới.
Cảnh giác với “bóng ma” dịch cúm gia cầm “trỗi dậy” ở nhiều nơi trên thế giới
dịch cúm gia cầm đã xuất hiện tại nhiều nơi trên thế giới từ đầu năm tới nay

dịch cúm gia cầm tiềm ẩn nguy cơ đe dọa nghiêm trọng

Trong diễn biến mới nhất về dịch cúm gia cầm, Chính phủ Mỹ cho biết, sau một đàn bò sữa ở bang Ohio, cơ quan chức năng nước này tiếp tục phát hiện virus cúm gia cầm trên nhiều đàn bò sữa khác tại 2 bang Kansas và New Mexico. Điều đó cho thấy dịch bệnh đang lây truyền trên diện rộng và làm gia tăng quan ngại về nguy cơ virus cúm lây sang người.

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đồng thời xác nhận, các ca bò sữa nhiễm virus cúm gia cầm tại 6 bang trên cả nước kể từ khi ghi nhận những ca bệnh đầu tiên tại bang Texas và Kansas vào ngày 25-3 vừa qua, trong đó Texas nằm trong số 5 bang sản xuất sữa lớn nhất của nước này. Đáng lo ngại khi USDA nhấn mạnh, hiện chưa thể loại trừ được tình trạng lây lan mầm bệnh ở các đàn bò. Theo USDA, mầm bệnh gây những ca bệnh đầu tiên ở hai bang Texas và Kansas có thể là từ các loài chim hoang dã. Chủng virus gây bệnh cúm gia cầm được tìm thấy trong những trường hợp mới ở bang New Mexico, Michigan và Idaho cũng có trình tự gene tương tự. Giới chức chuyên môn tại bang Kansas cho biết, theo ghi nhận tại bang này, tất cả dữ liệu giải mã trình tự gene cho thấy dịch bệnh lây lan là do bò sữa tiếp xúc mầm bệnh từ chim hoang dã.

Trước Mỹ, nhiều quốc gia ở châu Âu cũng như châu Á đã phát hiện những trường hợp nhiễm cúm trong các đàn/trang trại gia cầm và cả người. Tại Đông Nam Á, các quốc gia láng giềng của Việt Nam như Lào, Campuchia, Philippines đều đã ghi nhận sự xuất hiện của dịch cúm gia cầm. Trong thông báo đưa ra ngày 4-4, Tổ chức Thú y Thế giới (WOAH) cho biết, Philippines đã ghi nhận đợt bùng phát dịch cúm gia cầm H5N1 độc lực cao tại một trang trại ở miền Trung nước này. Theo giới chuyên môn, cúm gia cầm lây truyền qua các loài chim hoang dã di cư và sau đó có thể lây truyền giữa các trang trại. Kể từ năm 2022, các loài chim di cư được xác định là nguồn mang mầm bệnh làm lây lan cúm gia cầm trên toàn cầu đối với gia cầm và nhiều loài động vật khác. Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedro Adhanom Ghebreyesus cùng ngày 4-4 lên tiếng cảnh báo, dịch bệnh lan rộng đang làm tăng nguy cơ virus cúm gia cầm lây sang người.

Trong báo cáo mới nhất, WHO cho biết, có khoảng 887 người nhiễm cúm gia cầm H5N1 trên toàn cầu kể từ tháng 1-2003 đến cuối tháng 2-2024. Trong số này có 462 ca t‌ử von‌g, chiếm tỷ lệ 52%. Phần lớn các trường hợp ở người được phát hiện nhiễm bệnh từng tiếp xúc với gia cầm bệnh hoặc chết, hoặc tới các chợ gia cầm sống hoặc tiếp xúc với môi trường có mầm bệnh. Đến nay chưa ghi nhận virus cúm gia cầm lây truyền từ người sang và số ca nhiễm cúm gia cầm từ động vật mắc bệnh sang người cũng rất hiếm. Tuy nhiên, những virus này tiếp tục phát triển trên toàn cầu và với việc các loài chim hoang dã di cư, có thể xuất hiện các chủng virus mới mang các đột biến tiềm tàng, gây hại cho động vật có v‌ú.

Nếu virus cúm A/H5N1 đột biến, có khả năng lây lan mạnh ở người, có thể xảy ra kịch bản dịch bệnh lây truyền trên quy mô lớn do con người thiếu khả năng miễn dịch với loại virus đột biến này. Vì thế, sau khi bang Texas của Mỹ thông báo đã phát hiện virus cúm gia cầm H5N1 ở một người có tiếp xúc với bò sữa được cho là nhiễm virus này. Cơ quan An toàn Thực phẩm của Liên minh châu Âu (EFSA) đã cảnh báo về một đại dịch cúm gia cầm quy mô lớn nếu virus có khả năng lây truyền từ người sang người, do con người thiếu miễn dịch với loại virus như vậy. Việc dịch cúm gia cầm lây lan với số lượng ngày càng nhiều sang động vật có v‌ú đã làm tăng nguy cơ dịch bệnh diễn tiến thành mối đe dọa lớn hơn đối với con người.

Chủ động ngăn chặn dịch cúm gia cầm xâm nhập Việt Nam

Tại nước ta mới đây đã ghi nhận trường hợp mắc và t‌ử von‌g vì cúm gia cầm vào ngày 22-3 vừa qua. Ca mắc và t‌ử von‌g vì mắc cúm A/H5N1 là một nam thanh niên 21 tuổi, trú tại xã Ninh Trung, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Theo kết quả điều tra dịch tễ, dịp trước và sau Tết Nguyên đán 2024, nam bệnh nhân có đi bẫy chim hoang dã ở gần khu vực mình sinh sống; xung quanh khu vực gia đình bệnh nhân sinh sống không có hiện tượng gia cầm bệnh, chết. Đây là ca t‌ử von‌g vì mắc cúm A/H5N1 thứ 2 ở nước ta kể từ năm 2014. Trước đó, tháng 10-2022, tại tỉnh Phú Thọ đã ghi nhận một trường hợp mắc cúm A/H5N1 trên người nhưng đã được điều trị khỏi. Tích lũy từ năm 2003 đến nay, cả nước đã ghi nhận 128 người nhiễm cúm gia cầm A/H5N1, trong đó có 65 người t‌ử von‌g (tỷ lệ 50,8%).

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, trên thế giới, từ cuối năm 2023 đến nay đã ghi nhận nhiều đợt bùng phát cúm gia cầm trên động vật ở tất cả các khu vực, chủ yếu do chủng virus cúm A/H5N1. Trong khi đó, từ đầu năm 2024 đến nay đã ghi nhận 6 ổ dịch cúm gia cầm tại 6 địa phương gồm: Bắc Ninh, Ninh Bình, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An và Tiền Giang. Thời điểm này đang là giai đoạn chuyển mùa ở nước ta và việc thời tiết thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển. Bộ Y tế nhận định trong thời gian tới vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người. bệnh cúm gia cầm trên người hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, cũng như chưa có vaccine phòng bệnh. Hiện tại chưa có bằng chứng cho thấy cúm A/H5N1 lây từ người sang người. Virus cúm gia cầm A/H5N1 là chủng cúm độc lực cao, người bị nhiễm thường diễn tiến nặng và t‌ử von‌g với tỉ lệ cao (khoảng 50%).

Theo các chuyên gia, virus cúm gia cầm lây qua đường hô hấp, qua tiếp xúc với vật dụng bị nhiễm mầm bệnh; tiếp xúc và sử dụng gia cầm bệnh, chết do nhiễm cúm gia cầm; hít phải hoặc tiếp xúc với chất tiết và không khí có chứa bụi phân gia cầm bệnh; xử lý gia cầm bệnh không đảm bảo an toàn. Ngoài ra, thói quen ăn tiết canh, sử dụng trứng sống, gia cầm chưa được nấu chín cũng làm tăng nguy cơ nhiễm cúm gia cầm. Bộ Y tế do đó khuyến cáo, người dân không ăn, giết mổ gia cầm và các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống chín; không vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.

Nhằm chủ động ngăn chặn bệnh cúm gia cầm xâm nhập vào Việt Nam và lây nhiễm sang người, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị khẩn trương tăng cường giám sát chặt chẽ người nhập cảnh, nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ/mắc bệnh, nhất là người giết mổ, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm sống, người có tiền sử đến từ khu vực đang có dịch (gồm dịch trên gia cầm và ở người). Đồng thời, kịp thời lấy mẫu xét nghiệm gửi về các viện vệ sinh dịch tễ/Pasteur để xét nghiệm chẩn đoán xác định; quản lý ca bệnh (nếu có) và xử lý không để bệnh lây lan ra cộng đồng.

Các địa phương cần tăng cường giám sát các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính, hội chứng viêm phổi nặng do virus và hội chứng cúm, để phát hiện kịp thời ca bệnh cúm A/H5N1; các bệnh viện sẵn sàng thu dung, cách ly, điều trị theo quy định của Bộ Y tế và thông báo kịp thời cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật để có các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời. Bên cạnh đó, các cơ quan y tế, cơ quan thú y và chính quyền địa phương phải tăng cường phối hợp chặt chẽ trong việc giám sát, phát hiện dịch cúm trên gia cầm, đặc biệt tại các cửa khẩu và các chợ gia cầm sống, kịp thời chia sẻ thông tin và xử lý triệt để ổ dịch.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật