Ngành sản xuất kẹo dừa Bến Tre hối hả vào mùa Tết

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Kẹo dừa Bến Tre từ lâu là một trong những thức quà đặc sản của miền Tây nước ta. Không chỉ phổ biến trong nước, kẹo dừa còn được xuất khẩu sang nhiều quốc gia trên thế giới như Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Thái Lan... và đều được người dân quốc tế vô cùng thích thú. Những ai lần đầu ăn kẹo dừa sẽ bị quyến luyến, nhớ nhung bởi hương vị ngọt ngào, mùi thơm dễ chịu. Còn người miền Tây, họ yêu chiếc kẹo giản dị này bởi nó chứa đựng một phần linh hồn của quê hương mình.
Ngành sản xuất kẹo dừa Bến Tre hối hả vào mùa Tết
Ảnh minh họa

Kẹo dừa Bến Tre từng gắn bó với ký ức tuổi thơ của biết bao người ở miền Tây nói riêng và cả miền Nam nước ta nói chung. Trước đây, cứ đến gần Tết là các bà, các mẹ lại rục rịch hái dừa, phơi củi, mua đường và chuẩn bị nhóm lửa để làm bánh mứt, trong đó không thể thiếu món kẹo dừa mềm ngọt, béo thơm. Trong hộp bánh mứt và trên bàn thờ gia đình nào cũng có xen lẫn những chiếc kẹo dừa để trước là dâng cúng ông bà tiên tổ, sau là mời đãi khách tới nhà thăm chơi, chúc Tết.

Ngay đến tận bây giờ cũng vậy, mặc dù thị trường có vô số các loại bánh kẹo hảo hạng, nhưng không thể thay thế được hình ảnh của chiếc kẹo dừa trong đời sống của người dân Bến Tre cũng như các tỉnh, thành lân cận trong vùng. Không đơn giản chỉ là thói quen, kẹo dừa là niềm tự hào của người Bến Tre, là một phần thân thương mà họ gọi là linh hồn của quê hương máu thịt… Cây dừa có vai trò rất lớn trong đời sống cộng đồng, cây có giá trị kinh tế và tất cả các sản phẩm từ cây dừa đều hữu ích cho con người.

Bến Tre xác định cây dừa là “cây của sự sống”, cây chiến lược công - nông nghiệp, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bến Tre. Thực tế cũng cho thấy, sản phẩm từ dừa là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực, đóng góp quan trọng trong chương trình giảm nghèo, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nâng cao thu nhập và đóng góp đáng kể vào ngân sách.

Nghề trồng dừa ở Bến Tre được xem như một sắc thái văn minh miệt vườn và ngành dừa Bến Tre có diện tích dừa chiếm 50% diện tích dừa cả nước, với diện tích hơn 71.000ha, 163.000 hộ dân trồng dừa, sản lượng hàng năm đạt gần 800 triệu trái, kim ngạch xuất khẩu khoảng 200 triệu USD, giá trị các sản phẩm chế biến từ dừa chiếm 20% giá trị sản xuất công nghiệp, 25% giá trị xuất khẩu của tỉnh. Trong 13 tỉnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Bến Tre hiện đứng ở vị trí thứ 3 về số lượng sản phẩm trong Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (tên tiếng Anh là One Commune One Product, gọi tắt là Chương trình OCOP).

Sản phẩm OCOP của Bến Tre chủ yếu thuộc ngành thực phẩm và thảo dược: mặt nạ dưỡng da từ nước dừa của Công ty TNHH chế biến sản phẩm dừa Cửu Long; kẹo dừa sầu riêng và kẹo dừa béo nguyên chất của Công ty TNHH sản xuất, kinh doanh tổng hợp Đông Á; kẹo sữa dừa nguyên chất Yến Hoàng và bánh hoa dừa Tiến Đạt của Công ty TNHH Vĩnh Tiến; sầu riêng và trái sầu riêng cấp đông của Công ty TNHH XNK trái cây Chánh Thu; nước cốt dừa, nước cốt dừa đậm đặc và creamer dừa béo đặc của Công ty cổ phần đầu tư dừa Bến Tre...

Năm nay, khi mà đại dịch Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát, nhịp sống đã trở lại gần như bình thường, vì thế mà nguồn hàng xuất khẩu của nước ta nói chung, trong đó có mặt hàng kẹo dừa được “khơi thông” tiêu thụ tăng mạnh trở lại. Đến hẹn lại tới, hễ cứ bước vào khoảng thời gian 3 tháng cuối năm là các cơ sở sản xuất kẹo dừa của cả tư nhân và tập thể tại tỉnh Bến Tre lại hối hả, nhộn nhịp bước vào mùa làm hàng chuẩn bị cho bán Tết. Những ngày này, khi Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 chỉ còn cách chừng khoảng gần 2 tháng nữa là tới, dạo quanh thành phố và các huyện, thị của Bến Tre, chúng tôi bắt gặp không khí lao động khá khẩn trương của nhân công các cơ sở sản xuất kẹo dừa, để kịp hoàn thành sản phẩm giao cho bạn hàng.

Anh Lê Văn Tuấn, chủ một cơ sở sản xuất kẹo dừa, có thâm niên gần 10 năm tại huyện Bình Đại chia sẻ, không riêng gia đình anh, hầu hết các cơ sở làm kẹo dừa tại Bến Tre, trong những tháng cuối năm luôn rất bận rộn bởi số lượng đơn hàng đặt nhiều hơn bình thường. Nguồn hàng vào siêu thị, đi các tỉnh, thành khác rất lớn, vì thế mà các cơ sở nhân công “đỏ lửa” nấu kẹo liên tục…

Việc luyện mật, trộn nguyên liệu giờ đây được nhiều chủ lò kẹo dừa cơ giới hóa bằng máy. Ảnh: Nguyễn Việt Hưng

Tham quan một số chủ cơ sở sản xuất kẹo dừa tại thành phố Bến Tre, cũng như các huyện Bình Đại, Ba Tri, Mỏ Cày Bắc, Châu Thành…, chúng tôi thấy cơ sở nào cũng thường tuyển thêm nhân công vào dịp này để làm cho kịp hàng bán Tết. Chị Trần Thị Lan, chủ cơ sở kẹo dừa Lan Anh, tại huyện Châu Thành cho hay: “Cơ sở nhà tôi bình thường chỉ có 5 nhân công làm việc, nhưng 3 tháng cuối năm phải tuyển thêm 10 nhân công nữa mới đáp ứng đủ nhân lực cho việc làm hàng Tết… Ấy vậy mà nhiều dịp vẫn “quay” không kịp vì bất ngờ bạn hàng gọi điện báo thêm số lượng…”. Cũng theo chị Lan, không chỉ tuyển dụng thêm nhân công, mà hầu như cơ sở nào cũng “bắt” nhân công tăng ca, thậm chí làm thêm ca đêm mới kịp đơn của bạn hàng đặt…

Được biết, để có được một chiếc kẹo dừa nhỏ xinh, ngon ngọt thì phải trải qua nhiều công đoạn, qua bao bàn tay khéo léo của thợ thủ công, từ bào cơm dừa, luyện nấu mật, nhào trộn nguyên liệu, dàn lên khuôn, cắt kẹo, gói kẹo… Quy trình sản xuất kẹo dừa khá cầu kỳ, tỉ mỉ và lâu công. Ngoài một vài công đoạn được máy móc hỗ trợ, như đảo luyện mật, nhào trộn nguyên liệu…, thì vẫn có không ít các khâu trong quy trình sản xuất kẹo phải làm thủ công bằng tay, như cắt thanh, gói kẹo, đóng gói sản phẩm...

Có một hình thức được xem là khá mới mẻ so với trước kia, thông qua lời kể của các chủ cơ sở sản xuất, đó là những năm gần đây, có không ít cơ sở luôn mở cửa phục vụ khách du lịch viếng thăm, mua sản phẩm, để họ tận mắt biết được quy trình sản xuất làm ra chiếc kẹo dừa ngon và hợp vệ sinh là như thế nào. Hình thức này không chỉ khuếch trương, quảng bá để phát triển du lịch của địa phương hiệu quả; mà nó còn khiến du khách thích thú, khi họ được trực tiếp quan sát mọi quy trình làm ra sản phẩm, để rồi mua mang về ăn, làm quà biếu với sự hài lòng, yên tâm về chất lượng thơm ngon, cũng như đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật