Tiểu thương chợ truyền thống ở Đà Nẵng điêu đứng vì người dân “ngại đi chợ”

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Các tiểu thương chợ truyền thống ở Đà Nẵng điêu đứng vì nhập số hàng lớn về bán Tết, nhưng người dân “ngại“ vào chợ, sức mua rất kém.
Tiểu thương chợ truyền thống ở Đà Nẵng điêu đứng vì người dân “ngại đi chợ”
Chợ vắng người mua, tiểu thương ở Đà Nẵng như ngồi trên đống lửa. Ảnh: Thanh Chung

Chợ vắng người mua

Dù chỉ còn 2 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần nhưng so với mọi năm thì giai đoạn này sức mua của người dân tại các chợ truyền thống ở Đà Nẵng rất yếu.

Chị Võ Thị Bạch Tuyết – tiểu thương ở chợ Hàn, phường Hải Châu 1, quận Hải Châu cho biết, hiện nay chị đã chuẩn bị đầy đủ thực phẩm nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm Tết Nguyên đán. Tuy nhiên dịch bệnh diễn biến phức tạp nên chị không nhập hàng về nhiều.

 Tại chợ Hàn, người mua thì ít, người bán thì nhiều.

“Tôi bán hàng thực phẩm chủ yếu để phục vụ nhu cầu mua sắm Tết. Biết là dịch bệnh người dân sẽ mua ít nên chỉ lấy 70% so với năm ngoái, tuy nhiên, việc mua sắm cũng rất ít. Sức mua của người dân chỉ đạt khoảng 30%, nếu kéo dài thì các tiểu thương chúng tôi sẽ rất khó khăn” – chị Tuyết nói.

Tại chợ Cồn, nhiều tiểu thương bắt đầu dọn hàng hóa về nhà bán vì sau khi ghi nhận nhiều ca mắc COVID-19 khiến người dân e ngại vào chợ.

Chị Trần Thị Sanh - tiểu thương chợ Cồn, quận Hải Châu, Đà Nẵng cho hay, năm nay chị nhập khá nhiều hàng về để chuẩn bị bán Tết Nguyên đán, tuy nhiên, đến nay lượng người mua không có. Chợ Cồn là một trong những chợ truyền thống lớn nhất Đà Nẵng nhưng năm nay tình hình buôn bán gặp rất nhiều khó khăn vì dịch bùng phát, hàng loạt tiểu thương mắc COVID-19 nên người dân rất hạn chế mua sắm ở chợ. Nhiều người đã đóng của ki-ốt tại chợ để chuyển về nhà bán.

“Liên tiếp ghi nhận những ca mắc COVID-19 là tiểu thương nên người dân rất ngại đến chợ mua sắm. Hàng hóa phục vụ Tết dù nhiều mẫu mã, giá cả cũng hợp lý nhưng mỗi ngày quầy hàng của tôi cũng chỉ có khoảng trên dưới 20 người mua sắm” - chị Sanh cho hay.

Anh Thuận - tiểu thương bán quần áo chợ Đống Đa, chia sẻ, mỗi ngày, thành phố ghi nhân gần 1.000 ca COVID-19, trong đó có nhiều tiểu thương tại các chợ khiến mọi thứ đảo lộn. Hàng Tết đã nhập về khá nhiều nhưng vẫn chất đống chứ chưa bán được bao nhiêu.

“dịch bệnh, ngại tiếp xúc nên đa phần người dân mua hàng qua mạng, dù có thể không như ý muốn nhưng họ vẫn chấp nhận. Việc kinh doanh rất khó khăn và dự báo sẽ có thêm một cái Tết buồn” – anh Thuận nói.

Dân ngại đi chợ, mua hàng trực tuyến

Chị Nguyễn Thị Hoa (trú phường Hải Châu 1) cho hay, dịch bệnh diễn biến phức tạp nên chị đi chợ 1 lần để ăn cả tuần. Tết năm nay kinh tế gia đình cũng khó khăn nên sẽ không mua sắm gì nhiều.

"Tôi cũng thường hay mua hàng online, có thể chưa ưng ý nhưng đảm bảo an toàn hơn. Tâm lý mình cũng hơi ngại đến nơi đông người" - chị Hòa nói.

Ông Hoàng Cung thượng Đức – Phó trưởng Ban quản lý chợ Hàn cho hay, để phục vụ Tết Nhâm Dần thì các tiểu thương chuẩn bị dồi dào hàng hóa, chất lượng đảm bảo cung ứng cho người dân. Đối với các hộ kinh doanh ở chợ phải test COVID-19 3 ngày/lần. Mặc dù hàng hóa thì nhiều tuy nhiên lượng người mua thì vắng. Nguyên nhân là tình dịch diễn biến phức tạp nên người dân ngại đi chợ nên đa phần mua hàng trực tuyến.

Vừa qua, Sở Công Thương đề nghị UBND các quận, huyện thông tin rộng rãi đến người dân trên địa bàn về chủ trương của thành phố “không ngăn sông cấm chợ”, đảm bảo hoạt động của các siêu thị, chợ truyền thống nhằm cân đối cung cầu một số mặt hàng thực phẩm thiết yếu, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong dịp Tết.

Trong trường hợp cần thiết, UBND các quận, huyện tổ chức các điểm bán hàng cố định, lưu động đã được thiết lập theo phương án cung ứng lương thực, thực phẩm và một số mặt hàng thiết yếu theo các cấp độ “Thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.

Sở Công Thương yêu cầu Công ty Quản lý và Phát triển các chợ Đà Nẵng, Ban Quản lý các chợ trên địa bàn thành phố duy trì hoạt động của các chợ. Đặc biệt, chỉ áp dụng phương án đóng quầy hàng có tiểu thương F0 và các F liên quan có nguy cơ lây nhiễm cao, không đóng cửa cả chợ.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật