“Người đưa đò” tâm huyết với nghề

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đó là nhà giáo, thạc sỹ Trần Thị Thanh Liêm (quê xã Văn Hóa, huyện Tuyên Hóa), nguyên Trưởng ngành tiếng Trung tại Trường đại học (ĐH) Quốc tế châu Á, ĐH Hà Nội, ĐH Đại Nam, Trưởng khoa Ngôn ngữ, Trường cao đẳng Quốc tế Hà Nội... Mặc dù đã nghỉ hưu nhưng bà vẫn để lại cho các thế hệ sinh viên những ấn tượng tốt đẹp về một người thầy, một nhà nghiên cứu khoa học đã hết lòng vì sự nghiệp giáo dục của nước nhà.
“Người đưa đò” tâm huyết với nghề
ảnh minh họa

Quá trình phấn đấu trưởng thành

Nhà giáo Trần Thị Thanh Liêm (SN 1950) trong một gia đình có truyền thống hiếu học ở xã Văn Hóa. Tuổi thơ của bà gắn liền với những năm tháng chiến tranh. Năm 1969, rời ghế nhà trường cấp 3 ở quê nhà, bà thi đậu vào Trường đại học Ngoại ngữ (nay là Trường ĐH Hà Nội). Sau 4 năm đèn sách, năm 1973, bà tốt nghiệp xuất sắc ngành tiếng Trung và được nhà trường giữ lại làm giảng viên.

Nhà giáo Trần Thị Thanh Liêm.Giai đoạn 1983-1985, bà tham gia học tập thêm và tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ Việt (hàm thụ) tại Trường ĐH Ngoại ngữ và có 1 năm làm chuyên gia tiếng Việt tại Trường ĐH Ngoại ngữ Phnompenh, Campuchia. Sau khi trở về nước, bà lại tiếp tục tham gia giảng dạy tiếng Trung tại Trường ĐH Ngoại ngữ (1985-1994). Năm 1995, bà được mời làm chuyên gia tiếng Việt tại Hàn Quốc, một vinh dự lớn và cũng là cơ hội để bà thể hiện khả năng, phương pháp giảng dạy xuất sắc của mình ở nước bạn.

Từ năm 1995-1997, bà tham gia khóa học thạc sỹ và đảm nhận chức vụ Trưởng ngành tiếng Trung tại Trường ĐH Quốc tế châu Á (ĐHQTCA). Năm 1998, bà được mời tham gia giảng dạy chuyên đề văn hóa Trung Quốc tại Tokyo, Nhật Bản, sau đó quay trở về giảng dạy tiếng Trung tại Trường ĐH Hà Nội cho đến năm 2005 thì được nghỉ hưu theo chế độ.

Mặc dù đã nghỉ hưu nhưng với trình độ, năng lực và uy tín của mình, nhà giáo Trần Thị Thanh Liêm được nhiều trường ĐH mời tham gia giảng dạy và giữ nhiều cương vị khác nhau...

Những cống hiến cho nghề, cho đời

Suốt nhiều năm giảng dạy, học tập và công tác, nhà giáo Trần Thị Thanh Liêm đã có nhiều cống hiến cho nghề và cho đời. Vừa giảng dạy, vừa nghiên cứu khoa học, bà đã có nhiều bài viết nghiên cứu khoa học về tiếng Việt, tiếng Hán và phương pháp dịch Việt Hán-Hán Việt, tham gia hội thảo tại Học viện Sư phạm Liễu Châu, Quảng Tây (năm 2009). Ngoài ra, bà còn được mời tham dự rất nhiều hội thảo, hội nghị trong nước, ngoài nước về ngôn ngữ.

Bà đã có nhiều cống hiến to lớn cho ngành tiếng Hán Việt Nam, đã viết rất nhiều sách, biên soạn, biên soạn bổ sung hoặc biên dịch nhiều bộ giáo trình  và có nhiều công trình nghiên cứu từ việc tích lũy kinh nghiệm, kiến thức của bản thân hoặc từ việc hợp tác với các bạn đồng nghiệp, với chuyên gia nước ngoài... để có thể đáp ứng nhu cầu người học cũng như bạn đọc gần xa ở trong nước và cả ở nước ngoài.

Bà là tác giả, đồng tác giả, chủ biên, chủ biên dịch của gần 100 đầu sách. Những cuốn sách, giáo trình, từ điển do bà biên soạn đã giúp ích cho đồng nghiệp, sinh viên trong và ngoài nước trong quá trình giảng dạy và học tập Hán ngữ.    

Trong cuộc đời làm nhà giáo của mình bà còn có vinh dự to lớn là được tham gia dịch thuật cho các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước: Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, cố Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đàm Quang Trung, nguyên Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ...

Tháng -2021, trong chương trình phỏng vấn của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc với học giả 5 nước (Nga, Việt Nam, Pháp, Ai Cập, Mỹ), bà là học giả Việt Nam duy nhất được chọn trả lời phỏng vấn về nội dung hợp tác của Trung Quốc với nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục. Có thể nói, những cống hiến, những thành tích của bà là viên gạch nhỏ góp phần xây dựng nên cầu nối về tình hữu nghị truyền thống Việt-Trung.

Mặc dầu bộn bề với công việc nhưng bà vẫn còn dành thời gian sáng tác thơ. Bà đã xuất bản nhiều tập thơ, trong đó có nhiều bài viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Trước những cống hiến to lớn cho ngành, cho đời, nhà giáo Trần Thị Thanh Liêm đã vinh dự nhận được nhiều bằng khen, giấy khen, huy chương và giải thưởng ở các cuộc thi chuyên ngành và thi thơ. Với bà, phần thưởng đáng quý hơn cả là tình cảm, sự kính trọng, khâm phục và lòng biết ơn mà các thế hệ sinh viên đã dành tặng cho bà.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật