Chuyện những ngã ba, ngã tư...

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thường thì các ngã ba, ngã tư hay trở thành những vị trí nổi tiếng. Gia Lai cũng có những ngã ba ngã tư đáng nhớ, ghi vào ký ức nhiều người.
Chuyện những ngã ba, ngã tư...
  Ngã ba Hoa Lư (TP. Pleiku). Ảnh: internet

Trong số bản thảo gửi về mà tôi đọc hàng ngày lại có bài thơ “Ngã tư Biển Hồ” của tác giả Mai Thanh Chương làm tôi chú ý. Bài thơ tả cảnh cả tuần ngồi ngong ngóng để đợi đến chiều thứ bảy được ra ngã tư Biển Hồ gặp nhau. Lúc ấy, nơi này trở thành điểm tụ họp của nhiều con người đến từ nhiều vùng đất nước: “Ngã tư Biển Hồ thành nỗi nhớ mênh mông”.

Hóa ra sau này mới biết, thời ấy các đơn vị bộ đội được chuyển sang làm kinh tế, đóng chân trên địa bàn mấy huyện khu vực giáp Biển Hồ và những người lính hẹn nhau chiều thứ bảy sẽ tụ về ngã tư ấy để gặp nhau, thỏa nỗi nhớ... người. Tôi có gặp anh Mai Thanh Chương, sau này anh chuyển về công tác tại Đak Lak. Anh bảo, nỗi nhớ ngã tư Biển Hồ là nỗi nhớ rất con người, bởi cả tuần trong rừng trong núi, chỉ chờ chủ nhật để gặp nhau. Mà hồi ấy Biển Hồ còn hoang sơ, dăm cái quán cóc chỉ sập tối là nghỉ chứ đâu lung linh như bây giờ. Những cái quán tù mù đèn dầu trở thành nơi gặp gỡ một thời. Và cả những cuộc hẹn hò tình nhân nữa...

Xích vào mươi cây là ngã ba Hoa Lư. Thời mới lên Pleiku nhận công tác, tôi có nghe bạn bè nói với nhau là mỗi buổi chiều không được đi quá... ngã ba Hoa Lư, mà phòng tôi làm việc chỉ cách ngã ba Hoa Lư chừng... 50 bước chân. Giờ thì nó thành một cái ngã... rất nhiều đường xuyên qua, nhưng một thời nó đúng là ngã ba.

Cơ quan tôi ở sát ngã ba Hoa Lư, lũ độc thân chúng tôi một tuần thì đến 5 tối loanh quanh ở đấy.

Cũng chưa có gì ngoài mấy chỗ bán bắp nướng, chuối chiên, một bà cụ bán vịt lộn đựng trong cái thúng với cây đèn hột vịt. Ấy là buổi tối. Chếch lên một chút, ban ngày có một cái cửa hàng ăn uống, trước là của Công ty dịch vụ ăn uống, sau chuyển cho Hợp tác xã Ăn uống Hoa Lư, có bán phở, cà phê và bia kèm... bò xào. Tức là muốn uống bia phải kèm đĩa bò. Mùa khô thì khu này cực vui vì có các đoàn cải lương về diễn ở sân khấu ngoài trời, đoạn giờ là Quảng trường Đại Đoàn Kết, phía trước chùa Hộ Quốc. Mỗi khi có cải lương thì đường Trần Hưng Đạo như ngày hội. Người xem nghìn nghịt, chen lấn mua vé và tranh nhau vào cửa. Hàng quán cũng tập trung về đây và lại vẫn cũng chỉ bắp nướng, vịt lộn, chuối chiên. Mấy anh em cán bộ chúng tôi nghĩ cách... kinh doanh bằng việc giữ xe cho người đi xem cải lương. Thực ra, giữ xe cũng phải có nghề chứ không phải ai làm cũng được. Chúng tôi là dân tay mơ nên mỗi lần khách vào xem hết để lại bãi xe ngàn ngạt là chúng tôi run rẩy đi đếm xe đối chiếu với vé. Chưa bị mất xe lần nào nhưng mất các phụ tùng xe thì có, nhất là phao xăng xe 67. Mấy năm liền giữ xe như thế, giữ xong xe thì sáng mai là vừa... hết tiền, vì trong lúc ngồi chờ thì chúng tôi đã kêu cả thúng vịt lộn đến ăn và uống rượu, mai còn bao nhiêu lại tô ly điếu cho bằng hết, rồi tối lại giữ tiếp. Sau đấy thì... chuyển giao cho Công đoàn, chúng tôi... thất nghiệp.

Một cái ngã ba lừng danh nữa ở Pleiku là ngã ba Diệp Kính. Tên gọi ăn theo cái rạp Diệp Kính của ông chủ cùng tên. Rạp phim ngày chiếu bốn năm suất, muốn mua vé phải xếp hàng dằng dặc hoặc có giấy giới thiệu. Một thời đây là trung tâm thị xã, là trái tim, dạ dày và cả cái... rốn của thị xã. Muốn ăn muốn chơi thì ra ngã ba Diệp Kính. Nơi đây có quán ăn Mỹ Tâm, có mấy quán phở, tiệm chụp ảnh, quán cà phê, có rất nhiều các ngọn đèn dầu bán các thứ cần... đèn dầu.

Phàm đã là dân Pleiku thì hầu như không ai không biết, không nghe Diệp Kính, dẫu bây giờ, có vẻ như nó lại không nổi tiếng bằng ngày xưa. Giải thích được điều này sẽ khá tốn đất của báo, nhưng điều dễ nhận thấy nhất, ấy là, bây giờ, nhiều khu khác sầm uất hơn và Diệp Kính không còn rạp phim, cũng không có chỗ cho liêu xiêu quán cóc nữa dẫu nó có một cái siêu thị sách.

Cheo Reo là một ngã ba lịch sử. Có lần tôi đã được dự một cuộc họp bàn để dựng nơi đây một bức tượng hoặc bia ghi lại sự kiện lịch sử đường 7 năm 1975 bắt đầu từ đây. Ngã ba này như cái miệng túi “đón” những đoàn quân tháo chạy từ Buôn Ma Thuột, Kon Tum, Pleiku... xuống Tuy Hòa và bị quân giải phóng chặn lại làm nên một cuộc đánh chặn nổi tiếng trong lịch sử chiến tranh Việt Nam. Chỗ ngã ba ấy, giờ người quen đường như tôi mà chạy về Ayun Pa có khi còn... nhầm, bởi nó chả có biển chỉ dẫn gì cả, cũng không có cái gì đánh dấu.

Rồi ngã ba cây Xoài, ngã ba Mỹ Thạch, ngã ba Hàm Rồng... Kể thế, để thấy, chuyện về những ngã ba, ngã tư ở Gia Lai ta là còn nhiều, khá nhiều.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật