Mở rộng diện bảo hiểm xã hội tự nguyện đối với khu vực phi chính thức tại Việt Nam

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Bài viết nghiên cứu chính sách, cũng như kết quả mở rộng bảo hiểm xã hội tự nguyện đối với lao động khu vực phi chính thức, từ đó đề xuất giải pháp tiếp tục mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội tự nguyện đối với người lao động khu vực phi chính thức ở Việt Nam trong thời gian tới.
Mở rộng diện bảo hiểm xã hội tự nguyện đối với khu vực phi chính thức tại Việt Nam
Mở rộng diện bảo hiểm xã hội tự nguyện đối với khu vực phi chính thức tại Việt Nam

Chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện

Ở Việt Nam, tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) được xác định là nguyện vọng chính đáng của mọi người lao động (NLĐ). Xuất phát từ nguyện vọng chính đáng của người dân, NLĐ tự do, lao động tự tạo việc làm, Quốc hội đã ban hành Luật BHXH số 71/2006/QH11 ngày 29/6/2006 quy định về chính sách BHXH tự nguyện, bắt đầu thực hiện từ ngày 01/01/2008, mở ra cơ hội lớn cho NLĐ tự do, nông dân hưởng lương hưu khi tuổi già, hướng tới BHXH toàn dân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Quá trình triển khai thực hiện Pháp Luật BHXH tự nguyện đã đạt được một số kết quả nhất định như: Số người tham gia BHXH tự nguyện không ngừng tăng lên qua các năm, từ trên 6 nghìn người tham gia năm 2008 đến hết tháng 4/2021, số người tham gia BHXH tự nguyện đạt 1,12 triệu người, tăng 527.000 người so với cùng kỳ năm 2020.

Nghị quyết số 15/NQ-TW ngày 1/6/2012, Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI), về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012 - 2020 và Nghị quyết số 21/NQ-TW ngày 22/11/2012, của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với chính sách BHXH và bảo hiểm y tế giai đoạn 2012 - 2020 đã khẳng định: “Mở rộng và hoàn thiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT có bước đi, lộ trình phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Phát triển hệ thống BHXH, BHYT đồng bộ với phát triển các dịch vụ xã hội, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của nhân dân; tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người tham gia và thụ hưởng các chế độ BHXH, bảo hiểm y tế”. Các nghị quyết đặt ra mục tiêu cụ thể là: Thực hiện có hiệu quả các chính sách, chế độ BHXH, bảo hiểm y tế; tăng nhanh diện bao phủ đối tượng tham gia BHXH, nhất là BHXH tự nguyện; tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân.

Ngày 20/11/2014, Quốc hội khóa 13 thông qua Luật BHXH sửa đổi, bổ sung (Luật BHXH năm 2014), trong đó dành riêng Chương IV (từ Điều 72 đến Điều 81) và một số điều, khoản có liên quan để quy định về BHXH tự nguyện. Luật BHXH năm 2014 chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2016 và được hướng dẫn thi hành tại Nghị định số 134/2015/NĐ-CP ngày 29/12/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện và Thông tư số 01/2016/TT-BLĐTBXH ngày 18/02/2016 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH tự nguyện.

Gần đây nhất, Nghị quyết số 28/NQ-TW ngày 23/5/2018, Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về cải cách chính sách BHXH, đã chủ trương xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, theo đó BHXH cơ bản bao gồm BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện. BHXH tự nguyện với các chế độ hưu trí, tử tuất hiện nay từng bước mở rộng sang các chế độ khác dựa trên đóng góp của NLĐ không có quan hệ lao động; Có sự hỗ trợ phù hợp từ ngân sách nhà nước cho nông dân, người nghèo, người có thu nhập thấp, lao động khu vực phi chính thức để mở rộng diện bao phủ BHXH; Nâng cao ý thức, trách nhiệm của NLĐ đối với việc tự bảo đảm an sinh cho bản thân…

Kết quả mở rộng bảo hiểm xã hội tự nguyện đối với lao động khu vực phi chính thức

Nhìn chung, hệ thống Pháp Luật quy định về BHXH tự nguyện đã được xây dựng một cách đầy đủ và chi tiết tạo hành lang pháp lý quan trọng cho việc tổ chức triển khai thực hiện. Nhiều nội dung chính sách được bổ sung, sửa đổi (đặc biệt là đối với BHXH tự nguyện) đã tạo cơ hội thuận lợi cho NLĐ trong khu vực chính thức và phi chính thức tham gia BHXH và số người tham gia BHXH. Quá trình triển khai thực hiện Pháp Luật BHXH tự nguyện đã đạt được một số kết quả nhất định như: Số người tham gia BHXH tự nguyện không ngừng tăng lên qua các năm, từ trên 6 nghìn người tham gia năm 2008 đến hết tháng 4/2021, số người tham gia BHXH tự nguyện đạt 1,12 triệu người, tăng 527.000 người so với cùng kỳ năm 2020.

BHXH tự nguyện bước đầu đáp ứng được nhu cầu bảo đảm các chế độ dài hạn, như hưu trí và tử tuất cho khối lao động thuộc khu vực phi chính thức; công tác quản lý và tổ chức thực hiện cũng đã được chú trọng, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin nhằm bảo đảm tính hiệu quả áp dụng của loại hình BHXH này.

Tuy nhiên, ở cả 2 góc độ quy định của Pháp Luật và thực tiễn áp dụng BHXH tự nguyện tại Việt Nam hiện nay còn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế. Số người tham gia BHXH tự nguyện chỉ bằng 1,7% so với BHXH bắt buộc và 2% so với bảo hiểm thất nghiệp và chiếm chưa đầy 0,6% so với lực lượng lao động thuộc diện tham gia, điều này cho thấy mức độ bao phủ của BHXH tự nguyện là rất thấp và vẫn còn trên 99% lực lượng lao động chưa tham gia, họ là những đối tượng tiềm năng cần khai thác. Với số thu bình quân mỗi năm đạt trên 642 tỷ đồng, nếu chia đều bình quân cho các tỉnh/thành phố thì mới ở mức 10,2 tỷ/năm, số này là chưa đáng kể so với số nguồn thu bảo hiểm khác và còn rất khiêm tốn. Tốc độ tăng trưởng qua các năm của BHXH tự nguyện chưa ổn định, số người tham gia tăng nhanh vào các năm 2012 và 2013 lần lượt 38% và 26% nhưng từ năm 2014 trở đi lại giảm dần.

Nguyên nhân dẫn tới những tồn tại, hạn chế trên, một mặt chủ yếu là do nhận thức của NLĐ về BHXH còn hạn chế; mặt khác là do chế độ BHXH tự nguyện hiện nay chưa hấp dẫn đối với NLĐ; công tác tuyên truyền, phổ biến Pháp Luật cũng chưa được tiến hành đồng bộ, hiệu quả… Cụ thể:

Thứ nhất, Luật BHXH chưa bao phủ hết đối tượng có khả năng tham gia BHXH bắt buộc: (i) Chủ hộ kinh doanh không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; (ii) Người quản lý doanh nghiệp, người quản lý, điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương.

Thứ hai, trong thời gian dài, Việt Nam chưa có chính sách hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện. Bắt đầu từ năm 2018 mới có chính sách hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện từ ngân sách nhà nước, đây cũng là lý do số lượng người tham gia BHXH tự nguyện tăng chậm.

Thứ ba, các quy định về điều kiện được hưởng lương hưu khá khắt khe: Về thời gian, phải tham gia 20 năm mới được được hưởng lương hưu dẫn đến tình trạng nhiều người có thời gian đóng BHXH dài, thậm chí đến 18-19 năm nhưng vẫn rời khỏi hệ thống, hưởng BHXH một lần thay vì được hưởng lương hưu.

Thứ tư, chính sách BHXH tự nguyện chưa thật hấp dẫn do chỉ thực hiện 2 chế độ là hưu trí và tử tuất, trong khi nhiều người dân có nhu cầu tham gia nhiều chế độ hơn nhưng chưa được đáp ứng.

Thứ sáu, chưa thực hiện giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH phù hợp với tình hình thực tế tại các địa phương chưa có đối tượng tham gia loại hình bảo hiểm này. Cách giao chỉ tiêu hiện nay là giao chỉ tiêu tổng thu, giao về mặt tài chính, không phải giao về phát triển đối tượng.

Thứ bảy, tính tuân thủ Pháp Luật BHXH chưa cao: Nhiều đơn vị, doanh nghiệp cố tình trốn đóng, đóng không đủ số người thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; Công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách BHXH đã được tăng cường nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện...

Giải pháp mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội tự nguyện đối với lao động khu vực phi chính thức

Nhìn chung việc mở rộng chính sách BHXH đối với lao động khu vực phi chính thức đang là một vấn đề rất được xã hội quan tâm hiện nay, không chỉ thể chế hóa các quan điểm của Đảng và Nhà nước về lĩnh vực này, mà còn góp phần bảo đảm an sinh xã hội đối với lao động khu vực phi chính thức. Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách BHXH đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2030 như sau:

- Giai đoạn đến năm 2021: Phấn đấu đạt khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện, chiếm khoảng 1% lực lượng lao động trong độ tuổi; khoảng 28% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp; có khoảng 45% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội.

- Giai đoạn đến năm 2025: Phấn đấu đạt khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện, chiếm khoảng 2,5% lực lượng lao động trong độ tuổi; khoảng 35% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp; có khoảng 55% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia bảo hiểm xã hội đạt mức 85%.

- Giai đoạn đến năm 2030: Phấn đấu đạt khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện chiếm khoảng 5% lực lượng lao động trong độ tuổi; khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, BHXH hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội...

Để hoàn tốt thành mục tiêu đề ra, góp phần mở rộng diện bao phủ BHXH, nhất là đối với lao động khu vực phi chính thức, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để hướng đến cả 2 mục tiêu là phát triển thêm đối tượng mới và duy trì, hạn chế đối tượng đang tham gia rời khỏi hệ thống. Cụ thể:

Một là, phát triển các đối tượng tham gia mới đối với các nhóm chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý, điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương, NLĐ làm việc theo chế độ linh hoạt. Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chính sách theo hướng tăng tính hấp dẫn, linh hoạt của chế độ BHXH tự nguyện, như có sự hỗ trợ phù hợp từ ngân sách nhà nước cho nông dân, người nghèo, người có thu nhập thấp, lao động khu vực phi chính thức để mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội; thiết kế các gói BHXH tự nguyện ngắn hạn linh hoạt để NLĐ có nhiều sự lựa chọn tham gia và thụ hưởng.

Hai là, mở rộng các chế độ BHXH tự nguyện, tạo điều kiện chuyển đổi thuận lợi giữa BHXH tự nguyện và BHXH bắt buộc. Sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp, nhằm tạo điều kiện cho NLĐ cao tuổi, có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH.

Ba là, đổi mới phương pháp tuyên truyền cho phù hợp với đặc điểm, tính chất, đặc thù của từng nhóm đối tượng, vùng, miền; chú trọng, phát huy vai trò của những tổ chức, cá nhân có uy tín trong cộng đồng dân cư để vận động nhân dân tham gia BHXH tự nguyện.

Bốn là, đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa các quy trình, thủ tục đăng ký, đóng, hưởng BHXH, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ BHXH theo hướng thân thiện, công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Năm là, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho NLĐ trong việc tiếp cận dịch vụ BHXH, đặc biệt đối với việc tham gia BHXH tự nguyện với việc đa dạng các dịch vụ đóng, hưởng thông qua hệ thống dịch vụ viễn thông, dịch vụ ngân hàng...

Sáu là, tăng cường thanh tra, kiểm tra về BHXH, trong đó tập trung thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm đối với các đơn vị, doanh nghiệp cố tình trốn đóng, nợ đóng BHXH. 

Tài liệu tham khảo:

1. Quốc hội, Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 ngày 20/11/2014;

2. Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội;

3. Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Báo cáo kết quả công tác năm 2016, 2017, 2018, 2019, 2020;

4. Hoàng Bích Hồng (2021), Thực trạng và giải pháp phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, Tạp chí Tài chính;

5. Bùi Sỹ Lợi (2019), Đề nghị tiếp tục nâng mức hỗ trợ cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, Trang thông tin điện tử Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tháng 10/2019;

6. LSSA và HSF, (2012), Đánh giá kết quảthực hiện chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện trong khu vực phi chính thức.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật