Vị vua “Vạn Thắng” quét sạch loạn quần hùng, đặt tên gọi kiêu hùng cho nước Việt

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Xuất phát từ đứa trẻ chăn trâu nơi động Hoa Lư, cùng chí lớn khởi phát ở tuổi ấu thơ với cờ lau tập trận, con đường tiến lên ngôi hoàng đế của Đinh Bộ Lĩnh là xông pha nơi sa trường, để rồi trở thành người tạo dựng vương triều mới với những việc làm tỏ rõ sự chính danh của một ông vua nước Nam tự chủ.
Vị vua “Vạn Thắng” quét sạch loạn quần hùng, đặt tên gọi kiêu hùng cho nước Việt
Tượng Đinh Bộ Lĩnh lúc nhỏ đặt tại Công viên văn hóa Tao Đàn với chú thích “Cờ lau Đinh Bộ Lĩnh“. Ảnh: Trần Đình Ba

Hồn thiêng sông núi, Hồn thiêng dân tộc

Đạo lý "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc Việt Nam đã được kết tinh thành một nét đẹp văn hóa qua hàng nghìn năm lịch sử. Lời dặn của Bác "Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam" và "Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước", hay những tư tưởng trong "Di chúc", chính là lời nhắc vô cùng sâu sắc về đạo lý ấy.

Mà đã là đạo lý thì ở thời đại nào, thế hệ nào cũng luôn đúng, bao gồm cả "thời đại 4.0" với "thế hệ Gen Z", hay cho đến mãi về sau.

Đó là lý do chúng tôi mở tuyến bài "Hồn thiêng sông núi, Hồn thiêng dân tộc". Từng bài trong tuyến sẽ như một nén tâm hương nhắc mỗi người hãy nhớ đến anh linh của các vị vua hiền, các danh tướng tài ba, các danh nhân khoa bảng, trạng nguyên đầu triều… cho đến các dũng sĩ, liệt sĩ vô danh đã nằm xuống để góp xây nên nền văn hiến hàng nghìn năm dựng nước - giữ nước.

Chúng tôi cũng xin mời quý độc giả khi đọc những bài này hãy lắng lại, để bày tỏ lòng tưởng nhớ, biết ơn của mình đối với các Hồn thiêng sông núi, Hồn thiêng dân tộc - để chúng ta được tròn đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" như lời Bác căn dặn.

Trong Đại Nam quốc sử diễn ca có đoạn viết như sau:

Có ông Bộ Lĩnh họ Đinh,
Con quan Thứ sử ở thành Hoa Lư.
Khác thường từ thuở còn thơ,
Rủ đoàn mục thụ mở cờ bông lau.
Dập dìu kẻ trước người sau,

Trần ai đã thấy vương hầu uy dung.

Miêu tả trên là nói về Đinh Bộ Lĩnh thuở chưa dựng nên nghiệp đế, chưa xông pha nơi sa trường. Thuở ấy, là thuở chú bé họ Đinh còn tóc ba trái đào nơi thôn dã Hoa Lư nhưng đã tỏ ra là một kẻ khác người rồi. Bởi vậy nên Khâm định Việt sử thông giám cương mục khi chép về thiên tư của kẻ xuất chúng nơi Đinh Bộ Lĩnh dạo nhỏ, có đoạn:

"Chăn trâu ngoài nội, chơi với đám trẻ con, ngài được chúng chịu phục cả. Hễ ngài đi đâu, chúng cứ phải tréo tay làm kiệu rước đi, giống như kiệu thật; lại lấy bông lau làm cờ rước kèm hai bên làm như nghi vệ thiên tử. Kéo nhau đi đánh trẻ con thôn khác: đi đến đâu, ở đấy cũng phải phục tùng. Đám thì kiếm củi, thổi cơm; đám thì nộp lương, giúp việc".

Dẫu là đứa trẻ chăn trâu, nhưng chí lớn của Đinh Bộ Lĩnh đã bộc lộ ngay từ dạo ấy. Lấy bông lau làm cờ, dùng chúng bạn mục đồng làm quân để "đánh trận" với trẻ thôn khác. Di chuyển thì đường hoàng như kẻ làm vua. Theo Đại Nam nhất thống chí chú dẫn, nơi "Đinh Tiên Hoàng lúc còn bé, đem anh em mục đồng bày trò tập trận" thuộc núi Mã Thiên, còn có tên gọi nữa là núi vua Đinh. Núi này cách huyện Phụng Hóa của Ninh Bình thời Nguyễn 19 dặm về phía Nam.

Vẫn theo Cương mục cho hay: "Mẹ thấy thế, mừng lắm, giết lợn nhà để khao chúng. Khi đã hơi lớn, ngài sai bảo được những người ở ấp lân cận. Phụ lão trong các sách đều bảo nhau rằng: "Chú bé này có độ lượng khác thường, chắc rồi làm nên sự nghiệp kia khác".

Họ liền đem con em theo ngài, lập ngài làm trùm, đóng ở sách Đào Úc, ngày ngày đi đánh những sách khác chưa chịu phục".

Người chú của Đinh Bộ Lĩnh là Đinh Dự giữ sách Bông không chịu theo về với Bộ Lĩnh mà chống nhau với cháu mình. Bấy giờ, Đinh Bộ Lĩnh còn ít tuổi, thế quân chưa mạnh, bị chú đánh phải thua chạy. Đến khi chạy qua cầu ở vũng Đàm Gia (nay là khúc sông Hoàng Long thuộc Điền Xá, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) thì cầu bị gãy, Đinh Bộ Lĩnh rơi xuống bùn, người chú toan lấy giáo đâm, bỗng thấy hai con rồng vàng hiện ra vây quanh như hộ vệ cho Đinh Bộ Lĩnh, lại nâng chàng thiếu niên lên rồi đưa qua sông. Đinh Dự nhìn thấy thất kinh, biết cháu mình được thần bảo vệ nên sợ mà lui quân. Bộ Lĩnh thu nhặt quân còn sót, quay lại đánh, người chú thua phải hàng. Từ đấy ai cũng sợ phục. Sau này khi đã trưởng thành, Đinh Bộ Lĩnh dẫn quân đi đánh đến đâu đều thắng dễ như chẻ tre, nên được gọi là Vạn Thắng Vương.

Về việc đối địch với người chú Đinh Dự của Bộ Lĩnh, trong Đại Việt sử ký tiền biên cho biết một thông tin cụ thể hơn. Đó là nhân được bọn trẻ chăn trâu nể phục, Đinh Bộ Lĩnh nhằm lúc mẹ đi vắng, dẫn bọn trẻ chăn trâu bắt trộm lợn nhà làm thịt khao cho chúng ăn.

Mẹ về, sợ tai vạ đến thân, liền đem chuyện nói với người chú là Đinh Dự, Dự nổi giận cầm dao tìm Bộ Lĩnh khắp cánh đồng. Đinh Bộ Lĩnh đương cùng bọn trẻ bày đặt ăn uống, bọn Đinh Điền, Nguyễn Bặc ra chống cự với Đinh Dự để cho Bộ Lĩnh thừa cơ chạy trốn, Dự đuổi theo đến sông, thấy rồng vàng vắt qua sông làm cầu phao cho cháu mình qua. 

Nếu để ý, ta thấy với các bậc đế vương, huyền thoại vây quanh họ luôn có yếu tố thần linh trong đó để tăng thêm "thần quyền". Vì vậy, cái thuyết rồng vàng yểm hộ ở trên cũng là sự thường thời có chế độ vua chúa ở ngôi.

Trong Việt Nam sử lược cho hay, sau này, Đinh Bộ Lĩnh về dưới trướng của sứ quân Trần Minh Công. Kể từ đó, sự nghiệp của chàng trai đất Hoa Lư dùng cờ lau tập trận dạo nhỏ ngày một thuận gió thời cuộc.

Trong khoảng thời gian 965 - 967, trong nước không có chủ, 12 sứ quân tranh nhau làm trưởng, không ai chịu thống thuộc vào ai. Loạn 12 sứ quân trong lịch sử được biết đến, trước hết là do sự cướp ngôi của Dương Tam Kha năm Ất Tỵ (945) sau khi Ngô Quyền mất. 

Khâm định Việt sử thông giám cương mục ghi: "Từ khi Tam Kha cướp ngôi nhà Ngô, thổ hào các nơi đua nhau nổi dậy. Xương Văn tuy lấy lại được nước, nhưng chính sự cẩu thả, không thể thống nhất được; đến khi đi đánh Thái Bình, không được, bị chết trận, từ đó trong nước rối loạn".

Đất nước loạn lạc, các sứ quân mỗi người hùng cứ một phương, nạn binh đao liên miên thì dân tình sao được yên, kinh tế, xã hội và các lĩnh vực khác vì thế cũng bị kéo trì. Nhu cầu tất yếu rõ ràng là phải thống nhất đất nước.

Đinh Bộ Lĩnh vốn người là con trai Đinh Công Trứ, nha tướng của Dương Đình Nghệ một thời, nghe tiếng Trần Minh Công là người có đức mà không có con nối, bèn đến nương tựa, được Minh Công tin yêu nhận làm con, giao cho coi quân đi đánh các hùng trưởng khác, đều thắng được cả, nên được gọi là Vạn Thắng Vương. 

Theo Việt sử lược: "Mười hai sứ quân nổi lên bắt đầu năm Ất Sửu (năm 965) và chấm dứt vào năm Đinh Mão (năm 967) gồm có 3 năm thì Đinh Tiên Vương (Đinh Bộ Lĩnh) mới thôn tính được hết cả".

Non sông lại thu về một mối, năm Mậu Thìn (968), Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, dời kinh đô về động Hoa Lư đất Ninh Bình, bắt đầu dựng đô mới, đắp thành đào hào, xây cung điện, đặt triều nghi, định phẩm hàm quan văn quan võ và tăng lục. Và phong cho con là Đinh Liễn làm Nam Việt Vương. Đến tháng Giêng năm Canh Ngọ (970), lại đặt niên hiệu riêng là Thái Bình với ngụ ý sự yên ổn cho nước. Để khẳng định uy thế của mình, vua tự xưng Đại Thắng Minh Hoàng Đế với ý nghĩa mà GS Hà Văn Tấn giải thích trong Sự sinh thành Việt Nam là "hoàng đế sáng suốt chiến thắng lớn".

Vua Đinh Tiên Hoàng. Ảnh: Lê Bích

Với việc xưng đế, đặt quốc hiệu, niên hiệu, dựng đô thành, Đinh Tiên Hoàng đã bước đầu xây nên nền móng cho chế độ phong kiến Việt Nam trong buổi sơ khai mới tạo lập. Niên hiệu của Đinh Tiên Hoàng cũng là niên hiệu đầu tiên được biết tới trong thời kỳ tự chủ, và thời Ngô Quyền, Dương Tam Kha và Hậu Ngô Vương, quốc hiệu nước ta chưa được đề cập tới thì đến nay đã được nêu tên trên bản đồ phong kiến phương Đông: Đại Cồ Việt với ý nghĩa khẳng định nước Việt là nước lớn, sánh ngang vị trí với Trung Hoa.

Nền nhất thống mới tạo lập sau loạn 12 sứ quân, bởi vậy vua với tầm nhìn thực tế, xây dựng một quân đội mạnh gồm 10 đạo, lấy Hoa Lư làm kinh đô cũng là chọn cái thể hiểm yếu của đất này như một căn cứ quân sự. Lại để răn đe kẻ làm loạn, vua đặt vạc dầu, nuôi hổ dữ ở sân điện để dân sợ phục mà không làm điều càn bậy, trái phép. 

Việc này có ý kiến phê phán vua, nhưng nhìn vào hiện trạng nước nhà dạo ấy, chẳng phải vua Đinh vô lý đâu. Vậy nên trong Người Việt đất Việt mới tỏ ra đồng tình: "Ngày nay nhắc lại những hình phạt này ta thấy là dã man, nhưng ở thời loạn ấy, không có luật pháp ấy, không sao trị được những kẻ làm càng gian ác".

Viết về việc dựng nghiệp đế của Đinh Tiên Hoàng, Đại Nam quốc sử diễn ca ca ngợi:

Trường Yên đầu dựng đô thành.
Cải nguyên là hiệu Thái Bình từ đây.
Nghìn năm cơ tự mới xây,
Lên ngôi hoàng đế đặt bầy trăm quan.

Về đoạn kết cuộc đời Đinh Tiên Hoàng, ông cùng con trai Đinh Liễn bị Đỗ Thích giết hại năm Kỷ Mão (979), khiến cho nghiệp đế phải dứt, mà dòng họ Đinh cũng mất ngôi không lâu sau đó. 

Riêng về những việc làm của vua khi ngồi ngôi cao, cũng như việc bỏ trưởng lập thứ… công luận có phẩm bình. Nhưng ngoài những hạn chế thì trên hết, với những gì đã làm được trong lịch sử, Đinh Tiên Hoàng xứng đáng có một vị trí của vị vua giỏi. Cứ xem qua bình xét của một số sử gia đời sau hẳn rõ.

Tài năng, dũng lược của Đinh Bộ Lĩnh được nhà sử học Lê Văn Hưu khen rằng: "Tiên Hoàng nhờ có tài năng sáng suốt hơn người, dũng cảm mưu lược nhất đời, đương lúc nước Việt ta không có chủ, các hùng trưởng cát cứ, một phen cất quân mà mười hai sứ phục hết. Vua mở nước dựng đô, đổi xưng Hoàng Đế, đặt trăm quan, lập sáu quân, chế độ gần đầy đủ, có lẽ ý trời vì nước Việt ta mà sinh bậc thánh triết...". Xét suốt cuộc đời ông, nhận định đó càng có sức thuyết phục lớn.

Đền thờ vua Đinh tại Hoa Lư, Ninh Bình. Ảnh: Lê Bích

"Đinh Tiên Hoàng nhân khi nhà Ngô loạn lạc mất nước, dẹp được mười hai sứ quân, trời cho người theo, nhất thống bờ cõi, dùng bọn Đinh Điền, Nguyễn Bặc, Lưu Cơ, Trinh Tú làm người phù tá, sáng chế chiều nghi, định lập quân đội, vua chính thống của nước Việt ta thực bắt đầu từ đấy. Kể về mặt dẹp giặc phá định, thì công to lắm", ấy là lời bình về mặt ưu, điểm sáng của vua nơi Việt giám thông khảo tổng luận.

Việt sử tiêu án khi nhìn nhận về công nghiệp của Đinh Tiên Hoàng, bên cạnh ca ngợi cũng có những bình phẩm xác đáng về mặt hạn chế, cụ thể là: "Vua Đinh quét sạch quần hùng, mở mang thêm đất nước, nhưng vì không định rõ người kế vị, không phòng ngừa khi việc chưa phát, đến nỗi biến loạn khởi ngay ở trong cung cấm mà nước cũng mất theo".

Thời cận đại, Hoàng Cao Khải đánh giá cao công lao của vua trong việc thống nhất giang sơn. Trong Việt sử yếu, tác giả phân tích rõ: "Vào năm 967 [sau Công nguyên], các tay hùng trưởng trong nước ta nổi lên tranh giành nhau, làm cho non sông bị tan tành đổ nát.

Thế lực của nước ta lúc này lại không cường thịnh như đời Ngô vương Quyền. Vậy thì vấn đề mưu đồ xây dựng nền tự chủ cho đất nước vốn không phải là một chuyện dễ dàng. Thế mà vua Đinh Tiên Hoàng một mình đứng lên, lấy tài trí của mình mà chuyển vận được thời cuộc".

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật