Chàng trai Gia Rai và quyết tâm vượt khó

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Khao khát thoát nghèo, chàng trai Rơ Lan Hnhơn không ngại khó, tích cực tìm tòi, chuyển đổi các loại cây - con để cải thiện đời sống. Tinh thần vượt khó của anh cũng chính là tấm gương để bà con trong thôn làng tin tưởng, học hỏi.
Chàng trai Gia Rai và quyết tâm vượt khó
Chăn nuôi giúp anh Rơ Lan Hnhơn có thêm thu nhập để cải thiện cuộc sống

Từng làm trưởng thôn Hố Bua (xã Chư Pơng, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) từ năm 2014, đến năm 2019 sáp nhập thôn Hố Bua và Hố Bi thành thôn Grai Mek, anh Rơ Lan Hnhơn lại tiếp tục được bà con bầu làm phó thôn Grai Mek. Ngoài vai trò là phó thôn, anh Hnhơn còn là tổ trưởng Tổ vay vốn (do Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách huyện Chư Sê ủy thác) của Hội Nông dân thôn Grai Mek. Nhờ được anh tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ làm hồ sơ vay vốn, nhiều đồng bào Gia Rai ở thôn Grai Mek đã tự tin vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để trồng tiêu, cải tạo vườn cà phê, chăn nuôi bò lợn, xây dựng công trình nước sạch, lo cho con em học hành. Đến nay, Tổ vay vốn do anh Rơ Lan Hnhơn phụ trách đang có 49 hộ vay vốn với tổng dư nợ trên 2 tỷ đồng.

Cũng như nhiều hộ ở xã Chư Pơng, năm 2010 khi hồ tiêu đang được giá, anh Hnhơn và người vợ trẻ Siu Hpuin vay mượn, thu vén trồng được 200 cây cà phê và 300 trụ tiêu. Khi tiêu và cà phê cho thu nhập tốt, anh chị lại gom góp trồng thêm - có thời điểm gia đình anh Hnhơn đã có tới gần 1.000 gốc cà phê và gần 2.000 trụ tiêu. Hy vọng về một cuộc sống mới đang tràn đầy thì năm 2017, đợt hạn hán lịch sử cộng với việc sử dụng phân bón hóa học thường xuyên đã khiến tiêu ở huyện Chư Sê nói chung, tiêu của người nông dân ở Chư Pơng nói riêng, chết hàng loạt. “Nhìn đất ruộng nứt nẻ, hàng ngàn trụ tiêu chết một lúc, gia đình tôi buồn vô hạn.

Công sức, tiền đi vay, rồi hy vọng gửi hết vào đó. Gần 2.000 trụ tiêu, còn không nổi 300 trụ sống…” - anh Hnhơn nhớ lại.

Không chỉ buồn vì tiêu chết, Rơ Lan Hnhơn còn gánh khoản nợ 300 triệu đồng. Sau những ngày dài mất ăn mất ngủ, nghĩ tới vai trò trưởng thôn mà bà con tin tưởng giao phó, tới con nhỏ, mẹ già cần chăm sóc… anh Hnhơn xắn tay cùng vợ tiếp tục chăm chút mấy trăm gốc cà phê còn lại, đồng thời xoay sang tập trung vào chăn nuôi bò, lợn, gà, ngan, dê. Chịu khó chăm sóc, lại tích cực học hỏi kinh nghiệm từ mạng internet, những người nuôi trước, chả mấy, vật nuôi nhà anh Hnhơn đã liên tiếp sinh sôi; lợn chật chuồng, ngan, gà lên tới cả vài trăm con, bò mẹ bò con béo tốt. “Lấy ngắn nuôi dài”, anh Rơ Lan Hnhơn dùng tiền thu được từ chăn nuôi, tiếp tục chăm sóc số diện tích cà phê, hồ tiêu còn lại.

Anh Rơ Lan Hnhơn (ngoài cùng bên phải) cùng cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội thăm hỏi hộ vay vốn

Dẫn tôi đi thăm chuồng dê với những chú dê con mới sinh còn thơm mùi sữa. Anh Hnhơn cho biết: Vừa bán 3 con dê được gần 100kg, giá 140.000 đồng/kg; trước đó cũng đã xuất chuồng 4 chú lợn, mỗi chú hơn 1 tạ… Thu nhập từ chăn nuôi bước đầu đã giúp gia đình cải thiện cuộc sống, nhưng anh Rơ Lan Hnhơn chưa vui vì sau vài năm chăn nuôi, anh cũng nhận thấy rằng, giá cả rất bấp bênh; nếu chăn nuôi với số lượng lớn thì “đầu ra” là cả nỗi lo. Gặp lúc giá xuống thấp thì coi như công sức đổ sông, đổ bể.

Từ thực tế của chính bản thân và những người xung quanh, anh Hnhơn trăn trở: “Thanh niên Gia Rai ở trong thôn ai cũng ham làm, muốn phát triển sản xuất nhưng chúng tôi hầu như không được đào tạo, hướng dẫn về kỹ thuật; thiếu hẳn sự kết nối với thị trường nên vừa làm vừa sợ. Sau lần đua nhau trồng tiêu, lạ‌m dụn‌g phân bón hóa học, dẫn đến tiêu chết, đất và nguồn nước bị ảnh hưởng, giờ ai cũng chỉ mong Nhà nước có định hướng và hướng dẫn cách làm để người nông dân như tôi biết phải làm gì, đối đãi ra sao với đồng đất của mình, từ đó chủ động phát triển kinh tế từ đất đai hiện có…”.

Cũng theo anh Rơ Lan Hnhơn, thanh niên Gia Rai giờ đây suy nghĩ tích cực hơn rất nhiều; không sinh nhiều con, không rượu chè say xỉn, hộ nào cũng tập trung phát triển kinh tế. Đây là điều kiện rất tốt để tuyên truyền, phổ biến các chính sách của Nhà nước.

Ngày chúng tôi ghé thôn Grai Mek, anh Hnhơn vừa đi thăm vườn về và đang chuẩn bị nội dung tuyên truyền về cuộc bầu cử sắp tới cho bà con tại buổi họp thôn. “Bận rộn một chút nhưng vui, còn trẻ giúp được gì cho thôn làng thì tôi sẵn sàng” - anh Hnhơn phấn khởi cho hay

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật