Chàng trai “vẽ tranh” bằng rubik

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Từ khoảng 300 khối rubik, Lâm Văn Hiếu, 20 tuổi, tìm cách phối màu để ghép thành tranh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, đại tướng Võ Nguyên Giáp hay các ca sĩ yêu thích.
Chàng trai “vẽ tranh” bằng rubik
Hiếu ghép khoảng 300 khối rubik thành hình của ca sĩ Binz.

Ý tưởng này của Hiếu đến từ lần đọc tin về một nghệ sỹ nổi tiếng người Italy làm tranh từ hơn 6.000 khối rubik hồi tháng 8/2020. Dưới bài viết, một số người Việt Nam bình luận, kêu gọi nghệ sỹ này ghép tranh về Việt Nam. Chàng sinh viên quê Bắc Giang, nghĩ: "Mình có đồ nghề, người ta ghép được tại sao mình lại không". Nghĩ là làm, ngay tối đó chàng trai bắt đầu tìm hiểu nghệ thuật ghép tranh từ rubik.

Bức tranh đầu tiên Hiếu thực hiện là bản đồ Việt Nam, mất 6 tiếng để hoàn thành. Ở nước ngoài, đối với một bức tranh chân dung kích cỡ vừa, nghệ sĩ thường mất một tuần lên ý tưởng phối màu và sau đó sắp xếp các khối rubik lại với nhau theo đúng bản phác họa. Hiếu cũng học theo cách làm này.

Quy trình của Hiếu là phối màu bức ảnh cần làm về đúng 6 màu cơ bản của rubik. Tiếp theo là chia ô và xếp màu sao cho hình ảnh hài hòa, mềm mại nhất, cuối cùng là ghép những khối rubik thành tranh.

"Thời điểm đầu, khó khăn nhất là chuyển màu những bức tranh về 6 màu của rubik. Tôi làm rất xấu, phải thêm 4 tháng tìm tòi và thực hành nữa mới tìm ra cách phối màu ưng ý", Hiếu nói.

Để xếp được một bức tranh bằng rubik, Hiếu chia ô và chấm màu sao cho hình ảnh hài hòa nhất, cuối cùng là ghép những khối rubik thành tranh.

Hiếu chơi rubik từ năm 15 tuổi nhưng theo cậu, muốn sắp xếp một bức tranh hoàn chỉnh, không nhất thiết phải lắp thành thạo hoặc thuộc lòng công thức về rubik. Điều quan trọng nhất để tạo ra bức tranh "có hồn" là phối màu sao cho hài hòa và kỹ năng lắp các mặt của rubik. Vì bận học nên thanh niên này tranh thủ xếp tranh từ 21h và thường kết thúc lúc 1-2h sáng. Cuối tuần, cậu dành thời gian tìm những ý tưởng xếp tranh mới.

Hiện tại Hiếu đã xếp được 5 bức tranh khổ lớn với khoảng 300 khối rubik kết thành. Bức ấn tượng nhất với cậu là về Chủ tịch Hồ Chí Minh. "Tôi xếp đi xếp lại tới 10 lần, mất hơn 3 ngày để cho ra đời tác phẩm ưng ý nhất", Hiếu nói.

Trước khi đến với rubik, Hiếu tự nhận mình là một người thiếu kiên nhẫn, gặp chút khó khăn là muốn bỏ cuộc. "Nhưng lại nghĩ nếu mình không cố gắng thì chẳng bao giờ có thể bằng được người nước ngoài", cậu sinh viên khẳng định. Khi hoàn thành các tác phẩm phức tạp, cậu hiểu chinh phục một đỉnh cao mới không khó khăn như suy nghĩ ban đầu.

Khoe các tác phẩm lên trang cá nhân, Hiếu nhận được nhiều lời khen ngợi của gia đình và bạn bè, thay vì những chê bai trước đó là "vô bổ và tốn thời gian".

Hiện chàng trai này đang sở hữu gần 500 khối lập phương gồm các kích cỡ 2x2, 3x3, 4x4, 5x5 cùng một số biến thể khác. Theo Hiếu, rubik là một hình thức giải trí lành mạnh giúp người chơi rèn luyện sự kiên nhẫn và cải thiện trí nhớ khi cố gắng tìm ra cách giải khối lập phương. Ngoài ra, trò chơi này còn giúp người chơi có khả năng tư duy và sáng tạo cao.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật